Rửa mặt xong, thay công phục, Trương Uyển Như mới đến nhà xưởng. Nhà xưởng rất lớn, tường gạch đỏ, hai bên vách tường viết: "Muốn chí khí ngút trời, làm việc phải đến nơi đến chốn" và "Thủ tín thành thật, chăm chỉ kiên định". Nhà xưởng rộng lớn như vậy được lấp đầy bởi những chiếc máy may san sát, lúc này đã có không ít nữ công nhân ngồi trước máy may bắt đầu công việc.
Ngồi cạnh vị trí của Trương Uyển Như là một cô gái tầm 20 tuổi, tóc uốn xoăn, mặc áo chiffon ngắn tay và quần ống loe.
Hai người ngồi cạnh nhau, lại ở cùng ký túc xá nên quan hệ cũng khá tốt. Thấy Trương Uyển Như đến, cô gái tóc xoăn nhỏ giọng hỏi: "Sao hôm nay cậu dậy muộn vậy? Mình gọi mãi mà cậu không tỉnh, đành phải đến trước. May mà chủ quản chưa tới. Cậu làm sao vậy, ngày thường có bao giờ cậu đến trễ đâu?"
Trương Uyển Như không giải thích nhiều, chỉ nói: "Có lẽ tối qua mình mệt quá, ngủ quên."
Cô gái tóc xoăn thấy vậy, không hỏi nữa, chuyển sang tám chuyện trong xưởng. Nhưng Trương Uyển Như chẳng có tâm tư nghe. Cô vẫn luôn nghĩ về giấc mơ kỳ lạ hôm qua, nghĩ về cuốn tiểu thuyết kia.
Có thật cô đang sống trong cuốn tiểu thuyết đó không? Đứa bé kia sau này thật sự sẽ trở thành một đại ác nhân mang trên mình nhiều mạng người sao? Và cả những đoạn miêu tả về quá khứ của phản diện mà cô đã đọc trong tiểu thuyết nữa.
Anh ta bị người cười nhạo vì không có mẹ, một mình dựa vào góc tường lạnh lẽo. Anh nắm chặt tay, tức giận đến run người nhưng không nói được lời nào để phản bác.
Còn có đoạn miêu tả về việc anh ta nhìn thấy gia đình hạnh phúc của nhân vật chính. Trong tiểu thuyết, anh ta được ví như con chuột cống trốn trong bóng tối nhìn trộm hạnh phúc của người khác. Một nỗi ghen tị và tự ti đáng sợ gặm nhấm đáy lòng anh ta. Anh ta muốn xé bỏ tất cả những điều tốt đẹp kia, nhưng lại không muốn thừa nhận rằng chính sự ghen tị điên cuồng đã gây ra những xúc động đó.
"Nếu có thể lựa chọn, tôi thậm chí không muốn được sinh ra."
Trương Uyển Như không hiểu vì sao lại mơ thấy giấc mơ đó. Hơn nữa việc sống trong một cuốn tiểu thuyết thật quá khó tin, nhưng giấc mơ lại quá chân thật.
Nếu là thật thì sao? Nếu sau này con của cô thật sự trở thành một ác nhân dính đầy máu tươi, gϊếŧ người không ghê tay thì sao?
Và căn nguyên của tất cả những điều này chính là cô, người mẹ đã nhẫn tâm bỏ rơi đứa con thơ.
Cô chưa bao giờ nghĩ rằng sự ra đi của cô sẽ gây ra ảnh hưởng và tổn thương lớn đến vậy cho con mình. Cô cho rằng việc cô rời đi sẽ chỉ khiến ký ức về mẹ trong đứa bé phai nhạt. Nó sẽ không biết mẹ nó là ai, và sau này họ sẽ chỉ như hai người xa lạ. Đứa bé sẽ có cuộc sống riêng, chỉ là trong cuộc sống đó sẽ không có sự tồn tại của cô. Bởi vì từ nhỏ đã xa cách, thân phận người mẹ đối với nó mà nói có cũng được, không có cũng không sao.
Cô có cảm xúc rất phức tạp với đứa bé này. Nó là minh chứng cho quá khứ tủi nhục của cô, cũng vì nó mà cô lỡ dở kỳ thi đại học, lỡ dở cả tương lai. Vận mệnh của cô cũng bị nó thay đổi.
Nhưng con của cô nói đúng. Chính cô đã lựa chọn sinh nó ra, không phải nó muốn. Thậm chí, nếu nó có thể lựa chọn, nó cũng không muốn được sinh ra.
Suy cho cùng, đứa bé này mới là người vô tội nhất, không phải sao?
Nếu người gây ra tất cả những điều này là cô, vậy thì người có thể thay đổi tất cả cũng chỉ có thể là cô.
Hiện tại là năm 1995, đứa bé kia mới 5 tuổi. Vết thương lòng của nó hẳn là còn chưa lan rộng. Nó còn chưa phải là kẻ ác dính đầy máu tươi trong tương lai, và cô vẫn còn cơ hội để thay đổi vận mệnh của nó.
Nhưng cô có nguyện ý thay đổi không? Năm đó, cô đã trốn khỏi Liễu Thành như trốn ôn dịch. Khi rời đi cô đã quyết tâm cả đời này sẽ không bao giờ đặt chân đến đó nữa. Cô có nguyện ý vì cơn ác mộng không biết có xảy ra hay không mà quay trở lại nơi đó lần nữa không?
Những hình ảnh trong cơn ác mộng lại hiện lên trong đầu cô.
Hình ảnh thân ảnh nhỏ bé bị người cười nhạo vì không có mẹ, tức giận đến run người nhưng chỉ có thể dựa vào góc tường đầy bất lực.
Hình ảnh đứa bé trốn trong bóng tối như một con chuột âm u, nhìn trộm hạnh phúc của người khác, bị sự ghen ghét đáng sợ dày vò.
Hình ảnh người đàn ông đứng trên bục thẩm phán, vẻ mặt thê thảm khi nói "không muốn được sinh ra". Cũng khép lại màn che cuộc đời anh ta.
Những đoạn nhỏ của cơn ác mộng như thước phim hiện lên trong đầu cô. Và ngay khi tất cả những hình ảnh đó kết thúc, cô đột nhiên hạ quyết tâm.
Cô gái tóc xoăn vẫn còn đang buôn chuyện, thấy cô đột nhiên đứng dậy rời khỏi chỗ làm việc, kinh ngạc hỏi: "Trương Uyển Như, cậu đi đâu vậy?"
"Đi viết đơn nghỉ việc."
"Hả? Cậu muốn nghỉ việc? Cậu muốn đi đâu?"
"Mình phải về Liễu Thành."
Cô phải trở về, trở lại bên cạnh đứa bé kia.
...
Tiêu Ký là một xí nghiệp bản địa đã bén rễ ở Liễu Thành nhiều năm. Ban đầu nó chỉ là một xưởng nước tương nhỏ, trải qua chiến loạn và mấy chục năm, đến nay đã trở thành một xưởng nước tương có quy mô lớn. Hầu như mỗi gia đình ở Liễu Thành đều có một lọ nước tương của Tiêu Ký.
Người sáng lập Tiêu Ký năm nay đã hơn 70 tuổi. Ông vẫn ở trong căn nhà cũ của Tiêu gia. Nơi này vốn là khu phố cổ của Liễu Thành, từ một căn nhà nhỏ đã không ngừng được mở rộng, cuối cùng xây thành một tổ trạch rộng hơn 300 mét vuông. Nhà được xây theo kiểu tứ hợp viện, đi vào từ cổng lớn là một cái môn thính, qua môn thính là một cái giếng trời. Bên dưới giếng trời có long hút thủy và giếng thoát nước. Đối diện môn thính là một phòng khách rất lớn.
Tiêu lão gia tử đã hơn 70 tuổi nhưng sức khỏe vẫn tốt. Trải qua nỗ lực của nhiều thế hệ Tiêu gia, ông đã không còn là người bán hàng rong gánh nước tương trên vai nữa, mà là ông chủ của xưởng nước tương Tiêu Ký. Tuy nhiên, ông vẫn quen tính tiết kiệm. Dù ông đã giàu có, quần áo vẫn mộc mạc. Ông mặc một bộ áo Tôn Trung Sơn đã cũ, đi một đôi giày vải, tóc đã hoa râm nhưng vẫn rất tinh thần.
Bên cạnh bàn vuông kê hai chiếc ghế. Tiêu lão gia tử ngồi một chiếc, con trai cả của ông là Tiêu lão đại ngồi chiếc còn lại. Tiêu lão đại đã ngoài 40 tuổi, dáng vẻ lịch sự nho nhã, đeo kính. Ông ta mặc áo Polo kẻ sọc ngắn tay và quần tây, trên thắt lưng treo một chiếc máy nhắn tin BB đang thịnh hành lúc bấy giờ.
Hai người uống trà trong tách có nắp, Tiêu lão đại nói với Tiêu lão gia tử: "Bỉnh Văn từ nước ngoài mang về một lô máy móc, chuyện này có người nói với cha chưa ạ?"