Tiêu lão gia tử vừa nghe xong câu đó liền nhíu mày. Tiêu Bỉnh Văn là con trai duy nhất của Tiêu lão tam, từ nhỏ đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Đứa nhỏ này được Tiêu lão đại nuôi lớn, cũng là đứa cháu mà ông coi trọng nhất. Anh ta thông minh, cơ trí, phản ứng nhanh nhạy, lại chịu thương chịu khó, rất giống ông thời trẻ. Bất quá, khác với ông ở chỗ, đứa cháu này bướng bỉnh, khó bảo ban. Anh ta thường làm những chuyện chẳng ai ngờ, khiến ông rất đau đầu.
Ví như, ông hy vọng Tiêu Bỉnh Văn sau khi tốt nghiệp cấp ba sẽ vào đại học rồi về giúp việc gia đình, anh ta lại nhất quyết đòi tòng quân. Đến khi xuất ngũ về thì đã ngoài 20, ông muốn anh ta an phận ở nhà quản lý việc làm ăn, anh ta lại muốn học theo đám nhà tư bản nước ngoài.
Anh ta nói muốn xây thêm xưởng, mua máy móc, muốn sản xuất nước tương hàng loạt. Theo anh, chỉ có xưởng lớn mới mở rộng được doanh số. Hơn nữa, anh ta còn nói sản xuất nước tương quá đơn điệu, muốn đầu tư nghiên cứu phát minh thêm các loại gia vị khác.
Tuy rằng Tiêu Ký hiện tại đã là xưởng có quy mô lớn, nhưng việc sản xuất nước tương vẫn theo phương pháp cổ truyền thủ công. Tiêu lão gia tử luôn cảm thấy chỉ có nước tương làm bằng tay mới có vị ngon, hương thơm, độ sánh tốt nhất, máy móc không thể sánh bằng. Đương nhiên, nguyên nhân chính là Tiêu lão gia tử không tin cái kiểu làm ăn của đám tư bản Mỹ.
Tiêu lão gia tử mong Tiêu Bỉnh Văn kiên định một chút, còn Tiêu Bỉnh Văn lại cho rằng ông cổ hủ, không biết thời thế. Anh ta nói bây giờ là thời đại công nghiệp, không đầu tư máy móc thì thương hiệu Tiêu Ký vĩnh viễn sẽ không thể vượt ra khỏi Liễu Thành.
Hai ông cháu vì thế mà bất đồng ý kiến. Tiêu Bỉnh Văn dứt khoát tự mở một xưởng mới. Từ nhỏ tai nghe mắt thấy, anh ta cũng hiểu quy trình làm nước tương, chỉ là không dùng tên Tiêu Ký, mà tự đặt một cái tên khác, gọi là Thịnh Vị Nghiệp.
Tiêu lão đại mới nói, đám máy móc mới kia là do Tiêu Bỉnh Văn mua cho xưởng của anh ta. Tuy Tiêu lão gia tử không tán thành cách làm của Tiêu Bỉnh Văn, nhưng thằng nhóc này cũng có chút bản lĩnh. Thịnh Vị Nghiệp của anh ta phát triển khá tốt. Anh ta không chỉ sản xuất nước tương mà còn đầu tư sản xuất các loại gia vị khác, như giấm thơm, bột ngọt… Theo anh ta nói thì sản phẩm đa dạng sẽ giúp phòng ngừa rủi ro. Dù sao ông cũng không hiểu lắm, anh ta có cách của riêng anh ta. Nhưng theo Tiêu lão gia tử thì cứ kiếm được tiền là được.
Tiêu Bỉnh Văn xuất ngũ về rồi mở xưởng, đến nay cũng đã gần 7 năm. Số vốn bỏ ra cơ bản đã thu hồi. Tiêu lão gia tử tuy cau mày, nhưng trong lòng lại mừng thầm. Đứa cháu mà ông coi trọng nhất đương nhiên không thể kém cỏi.
"Mấy hôm trước các con không phải sắp xếp cho nó đi xem mắt sao? Thế nào rồi?" Tiêu lão gia tử chuyển chủ đề.
"Nghe nói là không ưng ạ."
"Bang!"
Chiếc tách trà có nắp bị đập mạnh xuống bàn, nước trà bắn ra tung tóe. Tiêu lão đại vội lấy khăn lau cho ông, miệng thì khuyên nhủ:
"Cha bớt giận."
"Rốt cuộc nó muốn cái dạng gì hả? Cái này không hợp, cái kia cũng không ưng, đã 29 tuổi rồi còn gì!"
"Bọn trẻ bây giờ khác chúng ta, bọn nó có ý nghĩ riêng của mình."
"Cha mẹ nó không còn, con là bác cả thì phải để tâm đến nó nhiều hơn chứ."
Lời này khiến Tiêu lão đại có chút bất an, ông ta vội nói: "Dạ dạ dạ, cha cứ yên tâm. Con cùng vợ cũng đều lo lắng lắm đó."
Nói đến đây, Tiêu lão đại dừng một chút rồi nói: "Chẳng qua Bỉnh Văn vẫn luôn không vui vẻ. Con cùng vợ liền đoán, có lẽ nó vẫn chưa quên được mẹ của tiểu Nhung."
Tiêu lão đại vừa dứt lời liền lén nhìn ông cụ một cái, quả nhiên ông cụ nghe xong sắc mặt liền trầm xuống. Ông hừ một tiếng: "Con bé đó bỏ đi bao nhiêu năm rồi, nó còn tơ tưởng gì nữa?"
"Nói thì nói vậy, dù sao cũng là mẹ của con Bỉnh Văn, lại là người yêu duy nhất của nó nữa."
...
Tuy rằng Thịnh Vị Nghiệp đã kinh doanh được 7 năm, nhà xưởng đã vận hành trơn tru. Nhưng Tiêu Bỉnh Văn làm ông chủ, ngoài việc xử lý đơn đặt hàng và công việc hành chính, lúc rảnh rỗi anh vẫn ra xưởng giúp đỡ, sửa máy móc, dọn bã tương.
Những bao bã tương lớn được dọn ra trước cửa xưởng, chờ xe tải đến chở đi.
Lương Văn Phượng theo chỉ dẫn của bảo vệ đi vào xưởng, vừa lúc thấy Tiêu Bỉnh Văn đang lẫn trong đám công nhân dọn bã tương. Anh cao lớn, lại tuấn tú, nổi bật giữa đám đông.
Đến xưởng làm việc, anh ăn mặc cũng tùy tiện. Anh mặc áo thun ngắn tay rằn ri và quần đùi rằn ri, trên vai vác một bao, tay cũng xách một bao. Sau khi dỡ bã tương, anh vén vạt áo lau mồ hôi trên mặt.
Tiêu Bỉnh Văn từng ở trong quân đội mấy năm. Thân hình anh rắn chắc, cánh tay và bắp chân săn chắc. Cơ bắp không quá cuồn cuộn khoa trương, nhưng vẫn có những đường cong rõ ràng, trông rất khỏe khoắn. Lúc này anh vén áo lau mồ hôi, cơ bụng ướt đẫm mồ hôi dưới ánh mặt trời hiện lên màu lúa mạch, từng khối rõ ràng.
Tiêu Bỉnh Văn được người bên cạnh nhắc nhở, mới nhìn thấy Lương Văn Phượng. Cô mỉm cười gật đầu chào anh. Tiêu Bỉnh Văn tiến lại hỏi: "Sao em lại đến đây?"
Lương Văn Phượng và Tiêu Bỉnh Văn có chút quan hệ họ hàng. Bác cả của Tiêu Bỉnh Văn là cô của cô.
Hai người quen nhau từ nhỏ, nhưng ấn tượng sâu sắc nhất của Lương Văn Phượng về anh là hồi trung học. Khi đó anh có một vẻ ngông nghênh. Anh luôn có thái độ lười biếng, khi nhìn người thì mí mắt sụp xuống khiến người ta cảm thấy sự ngạo mạn của một thiếu niên không coi ai ra gì. Sau này đi quân đội, trải qua rèn luyện, giờ anh đã thẳng lưng, ánh mắt kiên định. Nhưng vẻ ngông nghênh kia vẫn còn. Rõ ràng bờ vai rộng lớn và thân hình rắn chắc kia trông rất đáng tin cậy, nhưng khuôn mặt tuấn tú và vẻ ngông nghênh ẩn hiện lại khiến người ta cảm thấy anh rất nguy hiểm.
Nói về mục đích đến đây, Lương Văn Phượng có chút xấu hổ, cô nói: "Thì... bác cả không nói với anh sao? Bác muốn sắp xếp cho chúng ta gặp mặt. Nhưng anh bận quá, nên em phải đến tìm anh. Bắc hẳn là đã nói với anh là em sẽ đến rồi chứ?"
Người nhà muốn sắp xếp xem mắt cho Tiêu Bỉnh Văn, anh cũng không để bụng lắm. Hình như bác cả đúng là từng nói với anh là Lương Văn Phượng muốn đến gặp anh một lần.
"Ngại quá, hiện tại trong xưởng hơi bận. Anh bảo bí thư dẫn em xuống nghỉ ngơi một lát nhé."
"Này, dù gì chúng ta cũng quen nhau từ nhỏ mà. Bao nhiêu năm không gặp, chẳng lẽ không thể phiền ông chủ Tiêu tiếp đãi em một chút sao?"
"Bận."
"..."