Edit: Hến Con.
“Bà cụ nhà chú Đông hồi trước đối xử với ba rất tốt, ba cũng không thể trơ mắt nhìn cụ đến thuốc men cũng không có tiền mua. Con không biết đấy thôi, hồi nhỏ ba đói đến mức không có cơm ăn, toàn là lết hết nhà này đến nhà khác trong khu nhà máy mà xin cơm. Bà cụ bên nhà chú Đông lấy cái bánh bao chia làm hai, cho ba ăn toàn là phần móc từ miệng chú Đông ra đấy…”
Có lẽ vì những câu hỏi của con gái khiến Giản Phong tìm được một người để trút bầu tâm sự, ông lại lần nữa nhắc đến những ân tình mà đám bạn cũ trong nhà máy từng dành cho mình.
Giản Lê lặng lẽ ăn cơm, không cắt ngang lời ông.
Kiếp trước cô từng nghĩ ba mình là người ngã gục bởi cái gọi là “nghĩa tình”, nhưng nghĩ lại, cô cũng có thể hiểu được ông.
Ba cô sinh ra và lớn lên trong khu tập thể nhà máy dệt, từ đời ông nội đã là công nhân theo quốc doanh từ Đông Bắc chuyển về, ba cô chính là con cháu nhà máy dệt chính hiệu.
Chẳng may ông nội mất sớm, bà nội ruột khi đó mới ngoài ba mươi, không cam chịu làm góa phụ nuôi con một mình nên tái giá, mang theo ba cô gả đi.
Ba cô theo mẹ ruột đến sống cùng cha dượng, sau này mẹ ruột sinh thêm ba đứa con nữa — hai trai một gái — cộng thêm một đứa con trai riêng của cha dượng, thế là ba cô bỗng chốc biến thành người ngoài, trong nhà việc gì cũng đến tay, ăn mặc thì toàn đồ tệ nhất.
Đợi đến khi giai đoạn đặc biệt kia qua đi, nhà cha dượng nhờ một người thân ra nước ngoài mà ngày một khấm khá.
Ông ta sắp xếp đường đi nước bước cho các con mình: đứa thì học đại học, đứa thì vào trung cấp. Xong xuôi hết, ông ta liền đá Giản Phong — người đã làm lụng cho nhà ấy mấy năm trời — về lại khu tập thể.
Lý do thì cũng sẵn: ba ruột Giản Phong mất, để lại một suất làm việc trong nhà máy quốc doanh, đúng lúc ông phải về kế thừa.
Khi ấy Giản Phong chỉ mới mười ba mười bốn tuổi, học hành chẳng tới đâu, tuổi tác cũng chưa đủ để vào làm chính thức. Nhưng nhà cha dượng đã phát đạt, không ai thèm ngó ngàng đến đứa trẻ nửa lớn này sống sao cho nổi.
Giản Phong cứ thế quay về khu tập thể, mẹ ruột ông cũng không tham cái nhà của ba ruột để lại, để lại cho ông một căn phòng hơn ba chục mét vuông.
Những năm sau đó, Giản Phong sống nhờ sự cưu mang của các gia đình bạn bè thuở nhỏ.
Nhà ai làm chút thịt là gọi ông qua ăn.
Mẹ của Lưu Hướng Đông mỗi lần may đồ đều dùng vải thừa may cho ông mấy cái qυầи ɭóŧ.