Nghe tin ba bị bệnh, Trình Ngọc không thể yên tâm vào thành phố được. Cô để Nhậm Thái Phượng quay về nhà đợi, còn mình chạy bộ 5 dặm đường về nhà mẹ đẻ.
Trình Đại Sơn bệnh khiến Quách Phượng Yến sợ hãi vô cùng, vì mấy hôm trước trong thôn có một người cùng tuổi bị bệnh đột ngột qua đời, trước đó không có dấu hiệu gì cả.
Khi Trình Ngọc đến nơi, mắt Quách Phượng Yến đã khóc sưng như quả hạch đào.
"Bình thường mẹ bảo ông ấy uống ít rượu thôi, mà ba con không chịu nghe! Bây giờ gặp chuyện, chẳng giúp được gì đã đành, còn toàn gây thêm phiền phức!"
"Mẹ à, bố thế này rồi, mẹ trách móc cũng chẳng giải quyết gì, đã gọi bác sĩ chưa?" Trình Ngọc hỏi.
Quách Phượng Yến nói: "Gọi thầy thuốc trong thôn rồi, cũng tiêm thuốc, nhưng vẫn không đỡ, nằm liệt trên giường ba ngày nay rồi."
Trình Ngọc nhìn ba mình bệnh nặng như núi đổ, liền thúc giục Quách Phượng Yến: "Mẹ mặc quần áo vào, con đi tìm xe, đưa ba đến bệnh viện khám."
"Đi bệnh viện tốn bao nhiêu tiền chứ? Nhà mình còn tiền đâu mà đi!"
Nhà nghèo chính là như vậy, phàm là có bệnh, đầu tiên là nghĩ ngay đến có tiền khám bệnh không, chứ không phải là chữa được hay không.
"Không lo được nhiều thế đâu, trước hết cứ đưa ba đi đã!" Trình Ngọc nói xong thì chạy ra ngoài.
Nhờ vào mối quan hệ tốt từ trước, cô tìm đến đại ca hàng xóm, người chuyên nuôi bò già cho đội sản xuất.
Khi Trình Ngọc nhờ mượn bò kéo xe đưa Trình Đại Sơn đi bệnh viện, hàng xóm không do dự, lập tức giúp cô mượn bò, anh ta còn tiện thể mượn cả xe kéo chở rơm trong thôn.
Rất nhanh, dưới sự giúp đỡ của hàng xóm, Trình Ngọc và Quách Phượng Yến đưa được Trình Đại Sơn đến bệnh viện.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán Trình Đại Sơn bị tăng huyết áp đột ngột, do kích động mạnh gây ra.
Quách Phượng Yến không có học, chưa từng nghe tên bệnh này, nghe đến chữ "huyết" liền cho rằng không sống nổi, lập tức vỗ đùi, há miệng chuẩn bị gào khóc.
Trình Ngọc vội vàng bịt miệng bà lại, nhẹ nhàng giải thích rằng cao huyết áp không phải bệnh chết người, chỉ cần uống thuốc điều trị lâu dài là có thể kiểm soát được.
"Với lại bệnh của ba là đột phát, nếu điều trị tốt thì có thể hồi phục."
Quách Phượng Yến lúc này mới bình tĩnh lại, hỏi bác sĩ có thể kê đơn mang thuốc về nhà uống không.
Bác sĩ nói được, nhưng khi Quách Phượng Yến thò tay vào túi, lại rầu rĩ.
"Tôi... tôi không mang tiền theo..."
"Tôi có đây!" Đại ca hàng xóm là người rất nhiệt tình, thấy bà lúng túng, lập tức lấy ra một đống tiền lẻ, hỏi rõ chi phí thuốc men xong, đưa luôn cho bác sĩ.
Trình Ngọc cũng có mang tiền, vốn để cùng Nhậm Thái Phượng lên phố mua đồ Tết, ban đầu định dùng tiền đó để khám bệnh cho Trình Đại Sơn, nhưng giờ đã có hàng xóm giúp, cô liền đổi ý, giữ lại số tiền đó.
"Cảm ơn anh nhiều lắm, giúp nhà tôi việc lớn như vậy, lại còn cho chúng tôi vay tiền." Trình Ngọc nói lời cảm ơn với hàng xóm.
Đại ca hàng xóm chỉ cười hiền: "Cô khách sáo làm gì, hồi nhỏ tôi suýt chết đuối dưới sông, nếu không nhờ cô chạy đi báo tin cho nhà tôi, giờ tôi đâu còn sống mà nói chuyện với cô."
Trình Ngọc hiểu ý cười, cô không có tài cán gì, nhưng việc chọn bạn kết giao rất cẩn thận, nên mỗi khi gặp khó khăn, đều có người đáng tin cậy giúp đỡ.
...
Sau khi đưa Trình Đại Sơn vào thành phố khám bệnh, cũng may biết bệnh vủa ông không nghiêm trọng, Trình Ngọc nhờ đại ca hàng xóm chở ba mẹ về nhà tĩnh dưỡng.
Còn cô thì ở lại thành phố, tiện thể mua đồ Tết.
Một buổi chiều trôi qua, cô dùng hết phiếu lương thực, phiếu thịt, phiếu vải mang theo, nhưng vẫn cảm thấy mua còn thiếu chút ít.
Không còn cách nào, cô đành mang số tiền còn lại, tranh thủ trời chưa tối, vội vàng về nhà.
Về đến nơi, cô mệt đến mức nằm vật ra sân, kêu: "Mẹ ơi!"
Nhậm Thái Phượng từ trong nhà đi ra, thấy cô mua nhiều đồ như vậy, liền giúp cô mang vào trong nhà.
"Ba con thế nào rồi?"
"Ổn rồi mẹ, đã đưa đi bệnh viện, bệnh không nặng, nhân tiện, con cũng mua đủ đồ rồi." Trình Ngọc vừa uống nước ấm, vừa giải thích với mẹ chồng lý do vì sao không quay lại đón bà.
Nhậm Thái Phượng không quan tâm chuyện bà có đi thành phố hay không, mà chỉ hỏi: “Tiêu hết bao nhiêu tiền?”
“Đại khái... mười hai, mười ba đồng gì đó? Tem phiếu dùng hết cả rồi, nếu không thì còn có thể mua thêm chút nữa.”
Trong lòng Trình Ngọc mong mỏi sớm ngày có thể tự do mậu dịch, như vậy cuộc sống sẽ không còn vất vả như vậy nữa, trong túi có tiền mà vẫn không được tự do mua bán.
Thấy con dâu có vẻ không vui, Nhậm Thái Phượng vội lấy hết chỗ tem phiếu đã chuẩn bị sẵn từ sáng ra.
“Mấy cái này đều cho con, còn đây là tiền, mẹ để dành được năm đồng đều cho con, không thể để một mình con bỏ tiền ra.”
Trình Ngọc thấy Nhậm Thái Phượng để dành được nhiều tem phiếu như vậy, kích động đứng bật dậy.
“Mẹ có nhiều phiếu lương thực như vậy?”
“Có, đây là phiếu mẹ dành dụm cả năm qua, trong nhà không có tiền, cũng không dùng được.”
Tâm trí Trình Ngọc bỗng trở nên sôi sục, sau Tết, sau khi mậu dịch được mở cửa, thay đổi lớn nhất chính là giá hàng tăng vọt.
Vì mọi người cuối cùng cũng không còn bị hạn chế bởi tem phiếu khi mua hàng nữa. Bị kiềm chế bao nhiêu năm, những ai có tiền lúc đó như mở ra miệng cống, đổ xô đi mua sắm vật tư!
Nông dân thì trồng trọt, một năm thu hoạch không nhiều, lại còn phải nộp cho kho lương quốc gia, đến lúc đó người mua đông, tất nhiên sẽ không đủ hàng để bán!
Trình Ngọc cất giữ đống tem phiếu của Nhậm Thái Phượng, tối hôm đó ngồi trong phòng tính toán một hồi.
Theo kinh nghiệm của kiếp trước, lương thực sẽ tăng giá vùn vụt sau bốn tháng nữa!
Ngoài ra còn có thịt, vải vóc... chắc chắn là một cơ hội làm ăn cực kỳ hiếm có.
Trình Ngọc cố gắng kìm nén sự phấn khích trong lòng, nhưng vẫn trằn trọc mãi không ngủ được.
...
Thời gian kế tiếp, Trình Ngọc vẫn tiếp tục vừa may đế giày, vừa đếm ngày trôi qua.
Lần này Hình Yến Hành rời đi đã mười ngày rồi, ngày anh gặp chuyện trong kiếp trước càng lúc càng gần, trong lòng Trình Ngọc càng thêm bất an.
Cô ngày nào cũng mong anh quay về sớm.
Dù có về muộn cũng được, chỉ cần đừng có tin dữ là được.
Ngày lại qua ngày.
Đến ngày thứ mười hai kể từ khi Hình Yến Hành rời nhà, Nhậm Thái Phượng nghe tin anh đã nghỉ việc từ miệng người dân trong thôn.
Nhưng bà không dám nói với Trình Ngọc, sợ con dâu không biết gì, mà hỏi ra thì sẽ giận Hình Yến Hành.
Bà biết con trai mình không phải người vô trách nhiệm, nó hiếu thảo, hiểu chuyện, cái vẻ ngoài bất cần chỉ là để đối phó với người ngoài.
Vì bà quá yếu đuối, nhà lại nghèo, nên Yến Hành phải bảo vệ bà, không để người khác bắt nạt.
Thế là mẹ chồng nàng dâu cứ thế ôm tâm sự, chờ đợi thời gian trôi qua.
Cuối cùng, ngày 17 tháng 1 năm 1983 cũng đến.
Trình Ngọc mở cuốn lịch ra, đứng lặng rất lâu, nhìn chằm chằm vào con số trên đó, mắt không hề chớp.
Trong đầu cô hiện lên ký ức kiếp trước, Hình Yến Hành mất vào buổi tối, do tai nạn hầm mỏ. Suốt một ngày một đêm, những người khác đều được cứu sống, cùng lắm chỉ bị thương nhẹ.
Chỉ có Hình Yến Hành, bị vùi dưới đất sâu mấy chục mét, ngay cả thi thể cũng không tìm thấy.
Chỉ cần Hình Yến Hành không cuống mỏ, thì nhất định sẽ không có việc gì!