Nhưng theo ký ức của nguyên chủ, hai năm gần đây vẫn luôn có người ngấm ngầm tìm cách hãm hại ông Giang.
Chỉ tiếc là ông hành sự cẩn trọng, cộng thêm có quân đội bảo vệ, nên bọn họ không dám manh động.
Và đây cũng chính là một trong những lý do khiến Giang Noãn quyết định rời khỏi nơi này.
Ông ngoại Giang thành thạo nhiều ngôn ngữ, nguyên chủ từ nhỏ sống cùng ông nên cũng học được vài ngôn ngữ.
Chỉ là trong hoàn cảnh đặc biệt của những năm gần đây, nguyên chủ chưa từng thể hiện ra điều này trước mặt người ngoài.
Nhưng điều này lại vô cùng có lợi cho Giang Noãn bây giờ.
Là một cựu nhân viên xuất sắc của Cục Xuyên Không, không dám nói thông thạo mọi ngôn ngữ, nhưng ít nhất mấy ngôn ngữ phổ biến, cô có thể giao tiếp trôi chảy mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Lúc này, Giang Noãn đã nghĩ ra được một cách kiếm sống sau khi xuống nông thôn.
Dù thế nào đi nữa, cô cũng không thể sống dựa vào việc cày bừa trên ruộng để kiếm công điểm sống qua ngày được.
Giang Noãn mở chiếc hộp gỗ ra, bên trong là một chiếc khóa vàng và một bộ tã lụa dành cho trẻ sơ sinh.
Theo như nội dung trong bức thư ông Giang để lại, đây là những món đồ mà nguyên chủ mang theo khi ông nhặt được cô.
Giang Noãn cầm chiếc khóa vàng lên xem. Mặt trước được chạm khắc hoa văn hình phượng hoàng, bên dưới còn có năm chiếc chuông nhỏ.
Lật sang mặt sau, cô thấy trên đó là một hoa văn hình mây, ngay chính giữa có khắc một chữ "Ôn" (温).
Sau đó, Giang Noãn cầm bộ tã lụa lên. Trên phần ngực áo có thêu một chữ "Noãn" (暖).
Cuối cùng Giang Noãn cũng hiểu vì sao nguyên chủ lại có cái tên này.
Thật lòng mà nói khi cô biết về thân thế của nguyên chủ, cô không có quá nhiều cảm xúc.
Nhưng khi tận mắt nhìn thấy hai món đồ này, trong lòng cô bỗng dâng lên một suy đoán táo bạo.
Nguyên chủ có lẽ không phải bị cha mẹ ruột vứt bỏ. Nếu không, bọn họ cũng không để lại trên người một đứa trẻ sơ sinh những món đồ quý giá như vậy.
Chiếc khóa vàng này vừa nhìn đã biết là được đặt làm riêng, trọng lượng cũng không nhẹ.
Hơn nữa, chất liệu của bộ tã lụa kia cũng không phải thứ mà một gia đình bình thường có thể mua được.
Nhưng Giang Noãn cũng không có ý định đi tìm cha mẹ ruột của nguyên chủ. Nguyên tắc sống của cô vẫn luôn là: “Mọi chuyện tùy duyên.”
Cô nhẹ nhàng đặt hai món đồ ấy trở lại trong hộp gỗ, rồi thu tất cả vào không gian của mình.
Sau đó, Giang Noãn đi đến phòng chứa củi phía sau.
Ừm… lại thêm một kho báu nữa của ông Giang. Lần này, lối vào được giấu ngay dưới đống củi.
Giang Noãn lập tức thu hết đống củi vào không gian, sau đó làm theo nội dung trong bức thư, cạy những viên gạch trên mặt đất lên, để lộ ra một tấm ván gỗ.
Giang Noãn dùng sức kéo tấm ván lên, một lối đi nhỏ chỉ đủ một người chui qua hiện ra trước mắt.
Cô lục lọi trong không gian của mình, tìm thấy một chiếc đèn pin, rồi chiếu xuống lối vào. Bên dưới hóa ra là một hầm chứa.
Giang Noãn men theo bậc thang đi xuống, khoảng năm sáu bậc đã đặt chân vào hầm chứa.
Hầm ngầm không lớn, chỉ rộng hơn hai mét một chút, nhưng bên trong lại chất đầy bảy, tám chiếc rương gỗ làm từ gỗ hoàng đàn quý hiếm.
Giang Noãn không có thời gian mở ra xem mà thu hết vào trong không gian, rồi nhanh chóng rời khỏi hầm, khôi phục lại mặt đất như cũ, cô chất đống củi lên trên. Sau khi xong xuôi, cô mới trở lại nhà chính.
Nhìn đồng hồ, đã gần mười giờ.
Bận rộn cả buổi tối, Giang Noãn cũng thấy mệt, cô định vào không gian ăn chút gì đó, tắm rửa rồi nghỉ ngơi.
Nhưng ngay lúc này, ngoài cổng bỗng vang lên một tiếng “bịch”, giống như có gì đó va vào cửa nhà cô.
Giang Noãn lập tức cảnh giác, nhanh chóng đi ra sân, trong tay đã thủ sẵn một con dao rựa sắc bén.
Đây là món vũ khí duy nhất phù hợp với thời đại này mà cô tìm được trong không gian của mình.