“Nhuyễn Nhuyễn, con thật sự là đứa con ngoan của mẹ. Mẹ không biết nói gì nữa... Thấy con mang tiền về, mẹ vừa vui vừa xót. Con ngoan thế này, mẹ chỉ mong được ôm con trong tay suốt đời.”
Tôn Hồng Mai cầm mười lăm đồng trên tay, có cả hào lẻ, có cả xu nhỏ, nghĩ đến việc đó là tiền con gái từng đồng một bán mì lạnh mà có được, bà không kìm được nước mắt. Nhưng nghĩ lại, con gái mình thật giỏi, kiếm được ngần ấy tiền, trong lòng bà lại trào lên niềm tự hào, niềm hạnh phúc.
Vừa khóc vừa cười, nét mặt trở nên có phần ngốc nghếch.
Nhưng nhìn cảnh ấy, Nguyễn Nhuyễn chẳng hiểu sao mắt cô cũng đỏ hoe. Mẹ cô thật sự yêu thương con gái vô điều kiện.
Cô lại nhớ về tháng thực tập trước kia, sau khi nhận được tháng lương đầu tiên, cô mua tặng bố một chiếc bình giữ nhiệt và hai chai rượu. Tối hôm đó, bố vừa ăn lạc rang vừa uống rượu đến tận nửa đêm. Cô sợ bố say, nhưng ông lại nói: “Rượu con gái mua, uống vào không say. Có say cũng là vì vui.”
Thì ra, cha mẹ trên đời này đều như vậy.
“Mẹ ơi, mặt mẹ lem hết rồi, trông như mèo con vậy đó.” Nguyễn Nhuyễn cố tình trêu.
Nghe thế, Tôn Hồng Mai đặt tiền lại lên bàn, đưa tay lau nước mắt: “Mẹ đi rửa mặt cái đã, lát nữa mẹ nấu cơm. Hôm nay là ngày trọng đại, phải ăn mừng chứ!”
“Vậy thì cảm ơn đồng chí Tôn xinh đẹp tuyệt vời nhé!”
Trước đây Nhuyễn Nhuyễn cũng thích làm nũng với bố, nhưng từ khi lớn lên thì chẳng còn nũng nịu nữa, phần nhiều là hiểu chuyện. Sau khi bố mất, cô chỉ còn biết cứng rắn mà sống. Thế nhưng đối diện với mẹ Nguyễn, cô mới phát hiện ra, thì ra mình vẫn biết làm nũng, mà còn làm rất tự nhiên nữa chứ.
Cô giúp mẹ mang túi xách vào nhà, rồi liếc thấy mấy cái hộp cơm trong túi lưới vẫn còn dán tên người, không khỏi tò mò:
“Mẹ, mấy hộp cơm này của ai vậy? Sao mẹ lại mang về nhà?”
Tôn Hồng Mai lau mặt, vắt khô khăn:
“Con còn dám hỏi à, chẳng phải sáng nay con nhờ mẹ mang cơm theo đó sao. Đến trưa, mẹ vừa mở nắp hộp cơm ra, ôi giời ơi, thơm đến nỗi cả đám người xung quanh kéo tới. Dì Quế Chi của con còn chẳng nuốt nổi miếng cơm nào trong căng tin, mấy người khác cũng vậy, chen chúc lại nhìn mẹ ăn. Con không thấy thôi, chỗ này, chỗ kia, rồi chỗ này nữa, người đông nghịt luôn!”
Nhuyễn Nhuyễn thật không ngờ chuyện lại thú vị đến thế, vội hỏi tiếp:
“Rồi sao nữa, sao nữa?”
“Rồi thì mẹ nói đó là mì lạnh con gái mẹ làm. Thế là người ta lại bảo mẹ về hỏi con công thức làm ớt dầu đỏ, ai cũng muốn tự làm. Mẹ nghĩ bụng: làm sao được chứ, đó là bí quyết riêng của con! Vậy là mẹ nói luôn chuyện con bán mì, những ai muốn học cũng thôi không hỏi nữa.
Ai dè, dì Quế Chi với mấy người kia thiệt tình ghê, hỏi giá mì xong, vừa tan ca là có hai nhóm người chặn mẹ lại, cứ khăng khăng đòi mua. Vừa đưa tiền là chạy biến, chạy nhanh hơn thỏ, như sợ mẹ không chịu nhận tiền ấy! Không nhờ vậy thì mẹ đã về nhà sớm hơn mười lăm phút rồi!”
Tôn Hồng Mai vừa nói vừa khoa tay múa chân, nét mặt đầy hứng khởi khiến Nhuyễn Nhuyễn cười không ngớt. Cô thật không ngờ lại có tình huống thế này, quá bất ngờ.
“Nè, đây là tiền của bốn phần nè!”
Bà mở hộp cơm của Lâm Quế Chi, lấy ra ba hào rồi gộp lại thành một đồng rưỡi, đưa cho Nhuyễn Nhuyễn.
Cô bỗng nghĩ đến một viễn cảnh, bật cười:
“Mẹ, nếu… mẹ nghe con nói nè, nếu mai mốt người ta biết mẹ giúp mua mì, rồi ai cũng tìm đến nhờ mẹ thì sao? Mẹ mang hay không mang? Không mang thì mất lòng, mà mang thì mẹ chỉ có hai tay, xách được bao nhiêu chứ?
Với lại, lỡ như thiệt có ngày đó, căng tin nhà máy bán không được cơm, lãnh đạo mà đổ hết lên đầu mẹ thì sao? Mẹ nghĩ xem, có bị phê bình không?”
Tôn Hồng Mai: ???
Bà mấp máy môi:
“Chắc không đến nỗi đó đâu…”
Nhưng trong lòng lại thấy hơi chột dạ. Với tình hình hôm nay, nếu chuyện bà giúp mang mì bị lan ra, số người tìm tới chỉ có nhiều chứ không ít.
Những lời Nhuyễn Nhuyễn nói, hoàn toàn có lý.