Bên phía Chước nương tử khá kỳ lạ, thế mà lại không tra ra được mấy năm trước nàng bán thân làm người hầu ở đâu, đã làm những gì, cũng không tra ra được tên nam nhân nào có liên quan với nàng.
Tra tới tra lui cũng chỉ thấy được bầu không khí chung sống với mẹ và đệ đệ của nàng có chút kỳ lạ, gã gần như sắp nghi ngờ có phải là hai người họ làm hay không luôn rồi.
Người quen có khả năng gây án bên cạnh Chước nương tử thật sự không nhiều, nàng trong chuyện làm ăn trước giờ vẫn luôn dĩ hòa vi quý nên cũng chẳng có kẻ thù nào.
Gã đã lần theo những tình tiết trong quá khứ của Chước nương tử như lời Thôi Hoàn nhắc nhở. Sơ hở thì đúng là sơ hở đó, nhưng mà vẫn chưa khóa được đối tượng phù hợp.
Duy chỉ có một thương nhân chuyên mua bán đồ vật có giá trị tên Lăng Vĩnh, nhưng gã tra tới tra lui cũng không tìm ra được bất kỳ điểm liên quan nào. Ngược lại, bên phía Phong nương tử kia thế mà lại có chút liên quan.
Phong nương tử chắc chắn có tồn tại người tình, thư từ qua lại đã được tìm thấy trong rương trang điểm, nhưng kẻ này là ai thì trước mắt vẫn chưa thể tìm ra.
Mã phu của nàng nói rằng nàng rất thích ra ngoài, nhưng nơi chốn lại không cố định, tần suất thời gian cũng vậy, không thấy có gì khả nghi cả.
Chẳng qua là nàng gần đây đang nghiên cứu một kiểu thêu mới nên rất hay xem tranh và tìm mua tranh, từ đó mới quen biết với Lăng Vĩnh. Nhưng cũng chẳng phải chính bản thân nàng quen biết với Lăng Vĩnh, mà là nàng đặt ra yêu cầu rồi để Thân Bá - người hầu trong phủ - giúp nàng tìm người, đến cả chuyện giao dịch cũng phần lớn là do Thân Bá ra mặt.
Hành động này của Phong nương tử chẳng hề có chỗ nào không thỏa đáng cả...
Bất quá, mật đạo xuất hiện trong nhà nàng rất có khả năng được dùng để che giấu hành tung.
Tại phòng của Phong nương tử còn lục soát được một mảnh giấy có trị giá không nhỏ, bên trên viết: "Chúc mừng nàng, ta có thể cho phép nàng gả cho ta."
Giấy quý - hiện tại vẫn chưa có bằng chứng chứng minh vật này đến từ đâu, do ai viết, lại viết cho ai, tóm lại là không phải Bì Thừa Minh. Bởi vì, bất kể là bản thân hắn ta hay là chữ viết của hắn ta thì cũng chẳng có chút dính dáng gì đến mảnh giấy cả.
Đại Chí Hành nói rằng tuy ông ta từng nhiều lần "bán" con gái để kiếm thêm tiền, nhưng con gái ông ta trước giờ vốn không mấy nghe lời nên luôn có thể tự mình trốn ra được, cũng chưa bao giờ có cơ hội tiếp xúc với những nhân vật quyền thế...
Nói chung, vấn đề hiện tại là không những không xác định được kẻ tình nghi, ngược lại còn xuất hiện ngày càng nhiều kẻ tình nghi. Có cảm giác hướng phát triển đang trở nên ngày càng khó hiểu, bất luận là Chước nương tử hay là Phong nương tử cũng đều ẩn chứa điểm kỳ lạ khác thường.
Đến mức khiến cho Đồ Trường Man cảm thấy những thứ này đều chẳng giúp ích được gì. Nói không chừng, chính là vì "món đồ của quý nhân" đã thật sự được giao qua tay các nàng nên mới dẫn đến cớ sự bị gϊếŧ người diệt khẩu chứ chẳng hề liên quan đến mấy thứ oán hận tình thù gì đó cả!
Trong phòng, Thôi Hoàn đang vô thức vuốt ve một chuỗi Dương Chi Bạch Ngọc trong tay.
Mảnh giấy có chữ… Tại phòng của Chước nương tử cũng xuất hiện một mảnh không mấy nguyên vẹn, chỉ có thể láng thoáng đọc được bốn chữ: chúc mừng, cho phép. Nếu không có gợi ý nào khác thì chỉ với những vết tích còn lại thì rất khó có thể đoán ra được câu từ hoàn chỉnh.
Thế mà lại tìm được một tờ khác ở chỗ của Phong nương tử...
Vậy thì rất có khả năng, câu nói trên mảnh giấy của Chước nương tử cũng là: "Chúc mừng nàng, ta có thể cho phép nàng cưới ta."
Các nàng đều có mối liên hệ với một nam nhân bí ẩn không cho ai biết.
Nghi thức từ biệt của Chước nương tử có vẻ vẫn chưa hoàn thành, chỉ mới kịp làm được một phần nhỏ trong việc hóa giải nút thắt trong lòng Khang thị.
Về phần nàng, có lẽ đã dự đoán trước được ít nhiều nhưng lại chẳng hề chuẩn bị gì cho bản thân cả.
Ngoài mặt, tuy Phong nương tử chẳng hề biểu lộ ra điều gì nhưng thực chất nàng đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc từ giã với thế gian này.
Những món đồ nàng trân quý lúc sinh thời cũng đã được nàng dùng cách của mình để sắp xếp ổn thỏa.
Nhìn qua thì họ rất giống nhau, nhưng không nhiều.
Cố gắng điều tra đến vậy mà vẫn chưa tìm ra được điểm giao nhau nào, như thể hai vị cô nương ấy hoàn toàn chẳng hề quen biết nhau, vòng tròn sinh hoạt không hề có nửa điểm liên quan, cũng không hề có người quen chung. Mọi thứ như thể chỉ là một sự trùng hợp mà thôi.
Thật sự chỉ là trùng hợp thôi sao?
Chắc chắn không phải vì chuyện "quý nhân mất đồ" mà bị gϊếŧ người diệt khẩu. Nếu không thì manh mối và tình tiết vụ án sẽ không thể bị phơi bày như thế này, Vũ Thập Tam lang cũng sẽ không có thái độ như thế.
Thời gian hành hung, phạm vi hoạt động... hung thủ xảo quyệt, ẩn nấp quá sâu, thế còn người chết thì sao? Có chi tiết quan trọng nào đã bị bỏ qua không?
Thôi Hoàn khép hờ đôi mắt, nhẹ nhàng xoa nắn chuỗi Dương Chi Bạch Ngọc cầm tay, sợi tua rua đính mã não Nam Hồng hình ngọn tháp vô cùng bắt mắt rũ xuống đốt ngón tay thon dài, nó phản chiếu lên làn da làm nổi bật thêm vẻ trắng trẻo của y.
Từng khung cảnh quá khứ lướt qua trong đầu, những người đã gặp qua, những tin tức đã nghe ngóng được, những nơi đã đi qua và cả những cảnh tượng đã chứng kiến...
"Gốm Hình."
Y mở mắt, đáy mắt hiện lên sự thông suốt: "Nam xanh bắc trắng, đất bắc nhiều lò Hình, phương nam dùng lò Việt*."
*Nguyên văn là 南青北白, 北地多邢窑, 南方用越窑: Phản ánh sự phân bố của các lò nung lớn dưới thời Đường (Trung Quốc): lò gốm Hình ở miền bắc, chuyên sản xuất loại gốm sứ trắng cung cấp cho hoàng gia và quý tộc; lò gốm Việt ở miền nam, chuyên sản xuất gốm sứ có màu xanh ngọc.
Tuy cả hai loại này đều có ở Trường An, nhưng gốm Hình chỉ mới xuất hiện sau này nên không được phổ biến như gốm Việt. Mọi vật dụng trong nhà họ Khương đều được chuẩn bị theo thói quen và sở thích nên toàn bộ đều là gốm Việt. Duy chỉ có dụng cụ dùng trà trong phòng của Chước nương tử là sứ trắng của lò Hình.
Đối chiếu với đoạn quá khứ mà nàng đã kể với mọi người, sinh ra ở Trường An, lúc nhỏ kí khế ước bán thân làm nha hoàn cho nhà giàu có ở phía nam... thì cớ sao lại có thói quen dùng sứ trắng?
Nơi nàng đến chính là vùng phía bắc!