Xuyên Sách: Sau Khi Thanh Niên Trí Thức Xinh Đẹp Quay Về Thành

Chương 9: Thấy phiếu công nghiệp

“Có ạ, cái đỏ to nhất cho em một cái.” – Đường Uyển lập tức đưa tiền và phiếu ra.

Thấy phiếu công nghiệp, thái độ cô nhân viên lập tức thay đổi. Người có phiếu này thì chắc chắn nhà có người làm công nhân.

“Em đợi chút nhé, chị lấy hàng cho.” – Một lúc sau, cô ta cầm ra một ấm sắt đỏ chót, cười tươi: “Em may thật, mới về năm cái thì giờ còn đúng một cái cuối cùng. Hai phiếu công nghiệp, thêm bảy đồng nhé.”

“Dạ đây là tiền và phiếu, chị kiểm tra giúp em. À, lấy thêm cho em một cái cốc tráng men, bao nhiêu tiền và phiếu ạ?”

Cô tình cờ thấy cốc tráng men sau quầy, nhớ đến hình như Trương Ái Quốc đang thiếu một cái, liền muốn mua tặng để trả ơn.

Một cái cốc tráng men cần 0.1 phiếu công nghiệp, cô mua ba cái, một cái cho Trương Ái Quốc, hai cái còn lại cùng với ấm nước làm quà cưới tặng Lý Mộng Cầm, tặng kèm hai cốc tráng men là món quà trông sang hẳn.

Ngoài ra, cô còn mua thêm nửa cân đường và một lạng dầu ăn. Ban đầu còn định mua thịt nhưng chẳng có, đúng là có tiền có phiếu cũng chưa chắc ăn được thịt.

Đang định rời đi thì ánh mắt Đường Uyển dừng lại trước quầy bày đầy băng vệ sinh. Cô đứng sững, không rời mắt. Trong ký ức, kỳ kinh nguyệt của thân thể này là vào mùng 12 hàng tháng, chỉ còn hai ngày nữa. Đường Uyển biết rõ ở thời điểm này, phụ nữ toàn dùng giẻ quấn, không chỉ khó chịu mà còn không vệ sinh. Cô thực sự không thể chịu được. Đúng lúc còn ít phiếu công nghiệp, cô quyết định mua luôn.

Không ngờ băng vệ sinh thời này lại bán lẻ từng cái. Đường Uyển dùng phiếu để mua được tám cái, giá ngang cốc tráng men, bảo sao người ta chẳng mấy ai mua.

Chỉ còn bưu điện là chưa ghé, Đường Uyển xách đồ đi đến đó, nhân viên còn tưởng cô tới để gửi hàng.

“Không phải đến gửi đồ đâu, em đến hỏi thử xem có thư gửi cho em không. Nhà em thường tháng nào cũng gửi thư, tháng trước lại không nhận được, nên hôm nay đến hỏi một chút.” – Đường Uyển mỉm cười nói.

Nhân viên hỏi địa chỉ nhận thư của Đường Uyển, rồi tra sổ ghi chép, bảo rằng không có thư hay bưu kiện nào gửi cho cô. Thấy cô gái trẻ sốt ruột, chị ta nói tiếp: “Người đưa thư phụ trách khu các em hôm nay đúng lúc đang có mặt ở cơ quan, để chị giúp em hỏi thử.”

“Thật sự cảm ơn chị nhiều lắm ạ!” – Đường Uyển cười ngọt ngào đáp.

Phụ nữ ở độ tuổi nào cũng đều thích được khen là trẻ, nhân viên nghe cách xưng hô “chị” dịu dàng của Đường Uyển thì sắc mặt càng thêm hòa nhã, liền đứng dậy đi gọi người đưa thư. Một lúc sau, từ bên trong bước ra một chú bưu tá người gầy, do gia đình họ Đường cứ cách tháng lại gửi thư và đồ cho Đường Uyển nên ông cũng nhận ra cô.

“Tháng này thì không có thư từ gì gửi cho cô, nhưng tháng trước đúng là có một lá thư. Tôi để ở nhà ông bí thư chi bộ rồi, ông ấy chưa đưa cho cô sao?”

“Chỉ có một lá thôi ạ? Có thể gần đây bận quá nên ông bí thư quên mất, để cháu về hỏi thử.” – Đường Uyển mỉm cười, nhưng trong lòng lại như sóng cuộn trào, quả nhiên mọi chuyện không đơn giản, nhất định phải tìm được bức thư đó, biết đâu cũng tìm được đầu mối chân tướng.

Sau hơn hai tiếng cuốc bộ, Đường Uyển về tới thôn Thượng Đường, có người thấy cô đeo giỏ tre sau lưng thì không khỏi tò mò, hỏi với vẻ ngưỡng mộ: “Lại có đồ nhà gửi lên à?”

“Không phải, em chỉ đi mua ít đồ sinh hoạt thôi.” – Đường Uyển không nói nhiều, trò chuyện đôi câu rồi vội về khu tập thể của trí thức trẻ.

Ngay góc rẽ không xa, Trần Chí Cương đang âm thầm nhìn theo bóng lưng của Đường Uyển, trong đầu vang lên lời người kia từng nói:

“Nhà họ Đường đều là công nhân, chỉ cần cậu cưới được Đường Uyển, đồ nhà cô ấy gửi về chẳng phải đều là của cậu sao? Đợi hai người có con, cậu còn có thể gửi con về nhà vợ nuôi. Bố mẹ cô ấy thương con thế, chắc chắn sẵn sàng nuôi giúp. Có khi còn giúp làm hộ khẩu, về sau cậu cũng là người thành phố, cả đời ăn sung mặc sướиɠ.”