Vất vả lắm mới ăn xong, Đường Uyển quyết định phải nhanh chóng trồng đầy không gian. Dù sao lúc đói còn có cái mà bỏ bụng.
Đúng như dự đoán, nửa đêm bụng cô cồn cào đến thắt lại. Đường Uyển không dám trở mình vì chiếc giường gỗ quá cũ, chỉ hơi động một cái là kêu cót két, chắc chắn sẽ làm Lý Mộng Cầm tỉnh giấc.
Cô không ngừng tự nhủ: “Ngủ đi, ngủ rồi sẽ không đói nữa.” Nhưng cơn đói cứ gặm nhấm khiến cô không sao ngủ được. Lần đầu tiên Đường Uyển biết cảm giác đói đến mức phát sốt nó khổ thế nào, kiếp trước dù có nhịn ăn một ngày cũng không đến mức này. Căn nguyên vẫn là trong bụng chẳng có chút dầu mỡ nào.
Không chịu nổi nữa, cô nghĩ đến mấy cây cải mình trồng hồi chiều, lập tức đưa ý thức vào không gian. Nhìn kỹ thì thấy cải dường như đã lớn lên một chút, nhanh đến bất ngờ. Không suy nghĩ nhiều, cô bẻ một lá, chui vào chăn nhấm nháp cẩn thận. Có tí gì vào bụng, cảm giác dễ chịu hơn, cuối cùng cô cũng ngủ được.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, Lý Mộng Cầm đã đi giặt đồ. Đường Uyển kéo cái rương gỗ từ dưới gầm giường ra, bên trong có một chiếc hộp nhỏ có khóa, toàn bộ tài sản của “cô trước kia”. Cô mở ra đếm kỹ: tổng cộng có 67 đồng 4 hào 3 xu. Ngoài tiền còn có ba phiếu công nghiệp, mười cân tem lương thực toàn quốc và vài phiếu vải, phiếu đường… đều là nhà gửi tới, được nguyên chủ giữ lại dần.
Nghĩ một chút, Đường Uyển chỉ lấy lại mười đồng và năm cân tem lương thực, phần còn lại cô bỏ vào ví nhỏ và giấu sát người. Sau đó lấy một củ khoai đỏ trong bếp, mang theo giấy xác nhận của ông chi bộ rồi lên đường đi thị trấn.
Thôn Thượng Đường nằm lưng chừng núi, muốn đến thị trấn phải xuống núi rồi đi thêm mười lăm dặm nữa. Người đi nhanh thì tầm hơn một tiếng, còn như Đường Uyển thì chắc mất hơn hai tiếng. Trên đường, cô không ngừng để ý hai bên cỏ cây xem có giống gì có thể đem về trồng trong không gian.
Khi đi ngang qua thôn Hạ Đường, cô thấy trên tường nhà một hộ dân leo đầy dây nho. Nhìn vào trong thì thấy có một bà cụ đang ngồi, Đường Uyển vội bước đến xin một đoạn dây nho. Bà cụ thấy cô chỉ xin một đoạn, liền vui vẻ gật đầu đồng ý.
“Cảm ơn bà ạ.” Cô cẩn thận bẻ lấy một nhánh, rồi đợi đến nơi không có ai mới nhanh chóng đem trồng vào không gian. Nghĩ đến hai năm sau có thể ăn nho, lòng cô phấn khởi không thôi.
Sắp đến thị trấn, cô lại phát hiện một cây cam nhỏ bên đường, chỉ cao tầm năm phân. Nếu không chú ý thì chắc chắn sẽ bỏ qua. Cô cẩn thận đào lấy rồi trồng luôn vào không gian, lại có thêm một loại trái cây.
Vui vẻ bước vào thị trấn, nói là thị trấn nhưng còn không bằng mấy làng quê thế kỷ 21, toàn nhà cấp bốn, chỉ hơn chỗ cô ở là có vài cửa hàng.
Đường Uyển ghé qua bệnh viện trước. Nhờ giấy xác nhận của bí thư thôn, cô mua được thuốc hạ sốt suôn sẻ. Tiện đường, cô đến cửa hàng mậu dịch, nơi chỉ có một gian nhỏ khoảng hơn hai mươi mét vuông. Kiểu cửa hàng như này chắc ở thế kỷ 21 tuyệt chủng rồi.
“Chị ơi, ở đây có ấm nước sắt không ạ?” – Tối qua mất ngủ mà suy nghĩ mãi, Đường Uyển thấy mua ấm nước là hợp lý nhất, vừa thiết thực, lại giữ thể diện. Xét theo tiêu chuẩn hiện tại, món quà này có thể xem như đã trả xong ơn cứu mạng. Tất nhiên, cô không thật sự xem như hết nợ, sau này có thể giúp gì thì cô nhất định sẽ giúp.
Nhân viên bán hàng liếc nhìn cô một cái, nhíu mày nói: “Ấm nước sắt cần hai phiếu công nghiệp, cô có không?”
“Hai phiếu? Em nhớ mua đồng hồ cũng chỉ mười phiếu, sao cái ấm nước lại tốn những hai phiếu?” – Đường Uyển đang có ba phiếu công nghiệp, định mua một đôi ấm, giờ thì khỏi mơ.
“Đồng hồ bé tí, ấm nước to thế kia, không biết sắt thép của đất nước ta quý lắm à?”
Cô nhân viên bĩu môi, có phần khó chịu, hỏi lại: “Có phiếu không? Không có thì đừng hỏi.”