Đại Ca Cứu Ta, Phụ Thân Cứu Ta!!!

Chương 11.3: Mưu đồ

Buổi tối, Tống Tam Lang vớt dưa hấu từ dưới giếng lên, cắt thành mười một miếng, bảo Tú nương mang đến cho ba phòng để mọi người cùng nếm thử, ngoại trừ chỗ lão thái thái để hai miếng, thì những phòng còn lại đều tính theo đầu người.

Tú nương không mấy vui vẻ khi nam nhân nhà mình thành thật quá, rõ ràng là nhà mình bỏ bạc mua dưa, theo lý thì phải chia nhà mình phần nhiều, nhưng người này lại chia đều tất cả, hại nàng tìm mỏi mắt xem ba phần nào lớn cũng không tìm ra.

Tống Tam Lang thấy tiểu phụ nhân chu miệng, không khỏi buồn cười, cầm lấy một khối đưa đến bên miệng nàng, “Tú nương, nàng nếm thử xem có ngọt hay không.”

Hứa Tú nương trong lòng ngọt ngào, mặt mày thẹn thùng, cầm lấy miếng dưa trên tay nam nhân đưa cho nhi tử, “Thần ca nhi ăn trước đi.”

Hai tay nhỏ bé của Tống Cảnh Thần đưa lên khỏi mặt bàn, đôi mắt ngóng trông từ đầu đến giờ, thấy dưa hấu đưa đến trước mặt, hắn há miệng thật to, muốn ăn một miếng lớn, không ngờ lại bị hụt…

Miếng dưa bị cha lấy đi rồi.

Tống Cảnh Thần khó hiểu ngẩng đầu, chợt nghe cha nói: “Cha đã dạy con thế nào, Thần ca nhi đã quên rồi sao?”

Tống Cảnh Thần chớp chớp mắt.

Tống Tam Lang nhắc hắn: “Hiếu là đạo…”

“Hiếu là đạo, cần hành sớm.” (Hiếu vi đạo, nhu hành tảo: Hiếu thảo là đạo quan trọng, phải thực hành từ khi còn nhỏ) Giọng nói còn pha hơi sữa, trầm bổng du dương, ánh mắt tiểu hài nhi tròn xoe chớp sáng: “Cha nói Thần ca nhi đã trưởng thành rồi, phải biết nương nuôi Thần ca nhi vất vả, chuyện bản thân có thể tự làm thì phải biết đỡ đần cho nương, có thứ tốt thì không được chỉ biết mình, phải nhớ phụ mẫu, để phụ mẫu ăn trước.”

Nhi tử nói một tràng, khiến Tú nương nước mắt lưng tròng, nàng vội nói: Con ngoan, nương không ăn, nương cho Thần ca nhi ăn đó, Thần ca nhi nhà chúng ta thích ăn dưa hấu, phần của nương cũng để cho con ăn.”

Tống Tam Lang đưa miếng dưa trong tay cho nhi tử, xem hắn làm thế nào.

Tống Cảnh Thần nhận lấy miếng dưa, đi cà nhắc tới phía trước, tay giơ lên thật cao: “Nương thương Thần ca nhi, Thần ca nhi cũng thương nương mà, nương không ăn, Thần ca nhi cũng không ăn.”

Lần này, nước mắt của Hứa Tú nương thật sự đã chảy, nhận lấy miếng dưa để lên bàn, “Nương mang dưa cho tổ mẫu với mọi người, lát nương về sẽ ăn sau, Thần ca nhi với cha ăn trước đi.”

Tống Cảnh Thần nuốt nước miếng, “Thần ca nhi với cha chờ nương về, cả nhà chúng ta cùng ăn.”

Tú nương quay đầu đi, lau giọt nước mắt, bấy giờ mới nói: “Thằng nhóc con, xem như nương không phí tâm thương con, nương về nhanh thôi.”

Tú nương bưng khay đến phòng lão thái thái trước, vừa vào cửa thì cười nói, “Nương, hôm nay đi chợ, vừa hay gặp tiệm kia mới kéo về được dưa hấu tươi. Tam Lang nói nương còn chưa được nếm thử, nên dằn lòng mua một quả để nương ăn thử một chút. Chúng con cũng nhân tiện hưởng lây chút phúc của nương.”

Lão thái thái không vạch trần lời nói dối của nàng, chỉ mỉm cười đáp:

“Tam Lang thật có lòng, để đó đi, lão bà tử này cũng nếm thử thứ hiếm lạ xem sao.”

Ra khỏi phòng lão thái thái, Tú nương lại gõ cửa phòng của đại phòng và nhị phòng.

Mấy chị em dâu nhìn thì chướng mắt, nhưng cũng chẳng dứt ra được. Vừa ghen tị vừa ngưỡng mộ, không muốn đối phương sống tốt hơn mình nhưng cũng chẳng mong đối phương gặp chuyện xấu. Đóng cửa thì đấu đá nhau, ra ngoài lại hợp sức đối phó nhà khác.

Vương thị cười nói cảm ơn, vừa đóng cửa lại đã quay sang nói với trượng phu: “Đã dám mua cả dưa hấu ăn, xem ra lần này Tam đệ đánh gia cụ cho Lý gia kiếm được không ít bạc.”

Tống Đại Lang đang thong dong nằm trên ghế tựa, phe phẩy quạt bồ, nghe vậy liền không vui, hé mắt nhìn Vương thị, nghiêm giọng: “Tam Lang kiếm được bao nhiêu là nhờ công sức của hắn, bộ dáng ghen tị thế này, có còn ra dáng dấp đại nương tử của Tống gia không? Lại còn dạy hư cả Trúc nha đầu nữa.”

Vương thị ấm ức: “Còn đại nương tử gì nữa, nhà chẳng còn mặt mũi của đại trạch viện, đừng lấy phong thái đại trạch viện ra hù ta. Ta ghen tị đấy, nếu ông để chúng ta cơm áo không lo, ta còn phải ghen tị làm gì, lúc ấy chắc chắn là các nàng phải ghen tị với chúng ta.”

Tống Đại Lang bị nàng nói một hồi á khẩu, Vương thị lại bước tới, đưa cho một miếng dưa hấu, rồi thở dài: “Ta cũng biết lão gia vất vả, cũng biết làm việc ở Ty Thuế Khoá là một công việc béo bở, đối với người khác thì chẳng khác gì chuột sa chĩnh gạo, còn chúng ta thì chưa đến lượt, đã vậy còn lão gia làm gì cũng phải cực kỳ cẩn trọng, chỉ sợ bị người ta bắt thóp.”

Nói đến đây, nàng lại chuyển lời: “Ta cũng vì sốt ruột cho Trúc nha đầu thôi, Trương gia đúng là không ra gì, nhi tử nhà họ thi tú tài còn chẳng đâu vào đâu, chỉ vì có thầy bói phán là có tướng cử nhân, vậy mà dám sống chết hủy hôn với Trúc nha đầu. Nhà họ đương nhiên không sao, chỉ tội Trúc nha đầu bị mang tiếng từ hôn.”

Nói đến đây, nàng lau nước mắt: “Nếu của hồi môn của chúng ta không lên được mặt bàn, ông bảo con bé làm sao gả vào nhà tử tế được?”

Vương thị nói bâng quơ vài ba câu thay đổi trọng điểm, Tống Đại Lang xoa trán, nửa ngày sau mới nói: “Ta không ăn dưa nữa, nàng đem hết qua cho Trúc nha đầu đi.”

Nói xong, ông đứng dậy bước vào thư phòng, tâm trạng nặng nề. Người đời bất đắc chí mười phần thì đã có tám chín, mà khổ nhất chẳng gì bằng trung niên thất ý.

Sáng hôm sau, lão thái thái dậy sớm, tự mình chỉnh trang. Cầu người đã khó, cầu người khi gia cảnh sa sút lại càng khó hơn. Tuy Tống gia đã không còn tiếng nói, bà vẫn cố gắng ăn mặc chỉnh tề, không để người ta có cớ xem thường, cũng không làm bộ phô trương.

Lão thái thái mặc một bộ áo lụa đối khâm màu sen nhạt thêu hoa dây, bên dưới là váy đồng màu, tóc cài một cây trâm hoa cúc khảm vàng và ngọc trai, cổ tay không mang gì. Lão thái thái chỉ bảo rằng mình được một người bạn cũ ở kinh thành mời đi dự tiệc, không nói thêm gì nữa.

Cả nhà đều biết bà thực ra là đi quan hệ cho Duệ ca nhi. Nếu không, đi dự tiệc thì mang theo một đứa trẻ nhỏ để làm gì?

Chỉ có Tống Cảnh Thần tiểu hài nhi không hiểu chuyện, thấy ca ca theo tổ mẫu ra ngoài, liền hí hửng chạy tới, kéo tay lão thái thái, ngửa đầu nói: “Tổ mẫu, Thần ca nhi cũng muốn đi chơi!”

Tống Tam Lang vội ngăn hắn lại: “Thần ca nhi, mau quay về, nhị ca con không phải đi chơi.”

“Thế tổ mẫu dẫn nhị ca đi làm gì, sao không cho Thần ca nhi đi cùng?” Tống Cảnh Thần ngước lên hỏi lão thái thái.

Lão thái thái vốn không định mang tiểu tôn tử đi, nhưng thấy tiểu tôn tử năn nỉ, lại nghĩ dẫn đi cũng tốt. Chuyện thành hay không cũng chẳng sao, mang hai đứa trẻ đến để mở mang tầm mắt, nhìn xem thế nào là trăm năm vọng tộc để bọn chúng biết sỉ mà cố gắng, sau này làm rạng danh Tống gia. Bà xoa đầu hắn, từ ái nói:

“Bảo nương thay cho cháu một bộ y phục, tổ mẫu và ca ca chờ cháu.”

Hai mẹ con vui mừng rộn rã chạy đi thay đồ, lão thái thái đã đồng ý, Tống Tam Lang cũng không tiện nói thêm gì.

Tú nương thì mừng ra mặt, vội vã dẫn con nhanh chóng thay đồ rồi trở ra.

Cỗ xe ngựa đã được thuê sẵn từ tối qua, chờ trước cửa lớn Tống gia. Tống Tam Lang tiến lên đỡ lão thái thái lên xe, rồi bế hai đứa trẻ lên theo. Nhìn thấy cỗ xe ngựa to lớn, hai đứa nhỏ vui mừng khôn xiết. Chỉ có lão thái thái là thấy xót xa, chỉ là ngồi xe ngựa thôi mà cũng khiến bọn trẻ thấy hiếm lạ đến vậy.

Trên đường đi, lão thái thái dặn dò hai tiểu tôn tử đến nhà người khác phải hiểu lễ nghĩa, quy củ. Những điều căn bản này bà vẫn thường dạy ở nhà, nhưng lần này lại tỉ mỉ nhắc nhở thêm. Sau đó, lại nghiêm túc căn dặn Tống Cảnh Duệ:

“Chốc nữa gặp lão phu nhân, người ta hỏi gì, Duệ ca nhi cứ thật thà trả lời. Nếu hỏi đến chuyện học hành, con chỉ cần trả lời vừa đủ, đừng biểu hiện quá giỏi, cũng đừng tỏ ra quá kém.”

“Vì sao lại như vậy, tổ mẫu?” Tống Cảnh Duệ có chút khó hiểu.

Tối qua, hắn nghe phụ mẫu nói rằng tổ mẫu muốn nhờ người tiến cử để hắn bái dưới môn hạ của Trần đại nho. Không phải nên thể hiện thật tốt thì mới có cơ hội sao?

Chưa đợi lão thái thái giải thích, Tống Cảnh Thần đã chớp mắt tròn xoe, nói: “Ca ca, đệ biết tại sao rồi.”

Lão thái thái mỉm cười, muốn nghe thử cháu nhỏ nói gì: “Thần ca nhi nói thử cho tổ mẫu nghe xem, vì sao vậy?”

Tống Cảnh Thần thản nhiên đáp:

“Bởi vì người lớn không ai muốn thừa nhận con mình kém hơn con nhà người khác. Cũng giống như mẫu thân của đệ không thừa nhận đệ kém thông minh hơn ca ca vậy. Ca ca thông minh như thế, người lớn và trẻ con nhà khác sẽ không vui. Ca ca giả ngốc một chút là được rồi.”

“Như vầy!” Tống Cảnh Thần đưa hai tay mũm mĩm chống cằm, làm ra bộ dạng ngây ngô làm lão thái thái và Tống Cảnh Duệ không nhịn được mà bật cười.

Tống Cảnh Duệ thông minh cỡ nào, vừa nghe đã hiểu. Thậm chí, cậu còn nghĩ sâu hơn cả Tống Cảnh Thần: người ta không chỉ không thích cậu, mà còn lo ngại rằng nếu cậu bái nhập môn hạ Trần đại nho, sau này sẽ vượt qua con cái nhà họ.

Hiểu ra rồi, Tống Cảnh Duệ vốn tự tôn lại càng không muốn nhận ân tình của người khác. Hắn nói với lão thái thái: “Tổ mẫu, cháu nhất định phải bái nhập môn hạ Trần đại nho sao?”

“Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức.* Tôn nhi tin rằng chỉ cần tôn nhi nỗ lực gấp ngàn lần, trăm lần người khác, chắc chắn sẽ đạt được thành tựu.”

*天行健, 君子自强不息: Trời biến đổi mạnh mẽ, người quân tử tự cường phấn đấu không ngừng. Thể hiện một triết lý sống rằng, giống như thiên nhiên không ngừng vận động và phát triển, con người cũng cần phải không ngừng học hỏi, nỗ lực, và cải thiện bản thân, cho dù gặp phải khó khăn hay thử thách. Đây là một lời khích lệ mạnh mẽ về sự kiên trì và tự lực.

Tống Cảnh Thần nghiêng đầu không hiểu, hỏi: “Cố gắng hơn người khác ngàn lần, trăm lần, chẳng phải rất mệt sao? Ca ca, sao lại tự làm khổ mình như thế? Giống như chúng ta đi làm khách, ngồi xe ngựa một lát là tới, vừa mát vừa thoải mái. Nếu đi bộ chẳng phải vừa mệt vừa mất thời gian sao?”

Tống Cảnh Duệ: “…”

Nghe cuộc đối thoại của hai cháu nhỏ, lão thái thái bỗng dưng cảm thấy mình đã hiểu lầm về đứa cháu ngốc này. Trẻ con tuy nói lời ngây thơ, nhưng từng câu từng chữ lại trúng thẳng vào cốt lõi vấn đề. Lẽ nào tổ tiên Tống gia thực sự phù hộ? Một lần liền xuất hiện hai đại tài!

Lão thái thái vui mừng, dang hai tay ôm chặt hai đứa cháu nhỏ vào lòng, nói:

“Duệ ca nhi của chúng ta có chí khí, có cốt cách, biết tự cường bất tức, điều này không thể tốt hơn. Tổ mẫu rất vui mừng, nhưng Duệ ca nhi đã từng nghĩ chưa, ngay cả thần đồng như Cam La cũng từng bái nhập môn hạ của Lã Bất Vi. Những danh gia đại nho mà con biết, hầu hết đều có thầy truyền dạy nổi danh cả.”

Tống Cảnh Duệ nghe lời tổ mẫu và đệ đệ, vẻ mặt trầm ngâm suy nghĩ. Một lát sau, cậu ngẩng đầu lên, chậm rãi nói:

“Trong ‘Tiêu Diêu Du’ của Trang Tử có viết: Nước mà tích tụ không dày, thì không thể nâng nổi thuyền lớn. Đổ nước lên xuống nền đất trũng, cọng cỏ có thể làm thuyền, nhưng đặt chiếc bát xuống thì lại mắc cạn, bởi vì nước thì nông mà thuyền lại lớn. Gió mà tích tụ không dày, thì không thể nâng nổi đôi cánh lớn. Vì thế, muốn bay chín vạn dặm, phải dựa vào gió dưới đôi cánh.’”

Nói xong, khuôn mặt nhỏ nhắn của Tống Cảnh Duệ hơi ửng đỏ, nói: “Chim Bằng dù mạnh mẽ đến đâu, muốn bay vυ't lên chín vạn dặm, vẫn cần có cơn gió lớn làm điểm tựa. Huống hồ nhỏ bé như tôn nhi, lại tự cho mình là đúng, thật là sai lầm.”

Lão thái thái nghe xong vui vẻ hỏi: “Duệ ca nhi đã bắt đầu đọc Trang Tử rồi sao?”

Tống Cảnh Duệ khiêm tốn đáp: “Tôn nhi chỉ mới đọc một chút, chưa đọc hết ạ.”

“Vậy cũng đáng khen lắm rồi! Tôn nhi của ta thật khiến tổ mẫu nhìn bằng con mắt khác.”

Nghe tổ mẫu tự hào vì ca ca, Tống Cảnh Thần cũng muốn được khen, hắn biết đọc Tam Tự Kinh, đó là ca ca dạy.

Thật ra, ca ca chỉ dạy một lần là hắn đã thuộc, nhưng nghĩ đến việc đọc sách sẽ dẫn đến số phận đáng thương như ca ca, hắn liền giả ngốc.

Thôi vậy, được khen thì có ích gì, tốt nhất vẫn nên tiếp tục giả ngốc. Hắn không muốn trở thành người thứ hai trong nhà suốt ngày bị mẫu thân nhốt ở nhà đọc sách.

Nương nói đúng: Làm người phải theo lợi ích thực tế.

Tống Cảnh Thần bặm chặt đôi môi nhỏ, không nói lời nào.

Tống gia ở phố Đông Du, Đông thành, còn phủ Vĩnh Xương Bá ở phố Trạng Nguyên, Tây thành, ngay gần Hàn Lâm Viện và trường thi. Tuy hai nhà cách nhau không gần, nhưng cũng không quá xa. Xe ngựa đi mất khoảng nửa canh giờ thì đến nơi.

Lão thái thái dẫn hai đứa cháu xuống xe. Ngước mắt nhìn lên, bà liền thấy tấm biển lớn sơn đen treo trên cửa chính, phía trên viết bốn chữ lớn “Vĩnh Xương Bá Phủ”, ánh vàng rực rỡ dưới nắng.

Phía dưới biển hiệu là hai cánh cửa đỏ sậm nặng nề, trên cửa gắn đôi vòng tay nắm bằng đồng xanh khắc hình linh thú. Hai bức tượng sư tử đá cao bằng nửa người đứng sừng sững hai bên, tỏa ra khí thế uy nghiêm túc mục.

Lão thái thái bước tới đưa danh thϊếp, liền có người vào thông truyền.

Lão thái quân Vĩnh Xương Bá phủ nghe hạ nhân báo lại có Tống lão thái thái đến, nhất thời tâm trạng trở nên vô cùng phức tạp.