Chàng trai nho nhã cao ráo đang bước vào chính là Lâm Tử Đồng, là người anh trai cùng cha khác mẹ với Lâm Sở Vọng, cùng cha cùng mẹ với Lâm Doãn Yên.
Anh ta vừa đi vào, Doãn Yên vô cùng ngoan ngoãn nhường chỗ cho anh ta, còn mình ngồi xuống bên dưới. Rồi Doãn Yên lại nháy mắt với Lâm Trí, ra hiệu cho cô ngồi cạnh mình. Lúc này, Tư Ưng bất chợt lên tiếng.
Tư Ưng nhìn con trai của bạn cũ với ánh mắt tán thưởng: “Nghe nói Tử Đồng cũng một bụng thi thư, không thua gì anh Lâm năm xưa.”
Ngày xưa Lâm Du dốc hết sức bồi dưỡng con trai cả, giờ đây ông ta vô cùng hài lòng, nhưng vẫn khiêm tốn cười nói: “Chỉ là dạy nó đọc ít sách thôi, kiến thức uyên bác thì thua xa Ngôn Tang chứ nói gì đến một bụng thi thư.”
Lúc này bác cả lên tiếng: “Ba đứa nhà họ Lâm đây cũng không tệ, cuối năm ngoái còn biết làm thơ, chữ viết cũng rất đẹp. Không biết Ngôn Tang như thế nào?”
Tư Ưng cười, “Thằng bé này hả? Ba năm trước nó mới theo tôi về nước, bây giờ nói chuyện cũng tạm nhanh nhảu, chứ làm thơ thì bình thường.”
Tư Ngôn Tang khiêm tốn, “Chi bằng anh Lâm, em hai và em ba làm thơ thử xem, cho tôi thưởng thức một lần được không?”
—— Không muốn đâu!
Lâm Trí ngoái đầu, lập tức nhìn thấy biểu cảm nôn nóng muốn được trổ tài của anh cả và chị hai, lòng thầm kêu lên không hay rồi!
Đúng như dự đoán, Lâm Du đưa mắt dò xét giữa ba anh em họ một lúc, sau đó gọi người đi lấy giấy bút tới.
Lúc người hầu mài mực, Lâm Du đã nghĩ đề bài, “Hôm nay là ngày thứ hai của năm mới, vậy thì lấy ‘xuân’ làm đề, làm một bài ngũ ngôn tuyệt cú đi.”
Lâm Du vừa dứt lời thì Lâm Tử Đồng đã nghĩ xong thơ, cậu ta chắp bút viết liền một mạch, sau đó đặt bút ngồi xuống.
Lâm Tử Đồng ngồi xuống, Lâm Doãn Yên cũng nhanh nhẹn đứng dậy đi tới trước bàn.
Chỉ còn lại Lâm Sở Vọng: “…”
Tình cảnh trước mắt khiến cô không khỏi nhớ tới ác mộng hồi nhỏ.
Mỗi lần đến Tết, họ hàng bạn bè ở trên bàn ăn luôn khen cô một lượt, cha cô sẽ vắt óc tìm ra ưu điểm của cô. Đợi tới khi kể hết một lượt các ưu điểm, các bác các dì sẽ nói: “Lâm Trí lại đây nào, hát bài
Hai anh em/ múa bài
Hồ thiên nga/ đọc thuộc lòng bài
Con vịt
cho các dì các bác nghe nào.”
Cứ tưởng lên đại học sẽ không cần dùng đến cái cách lừa thiên hạ đó để lấy lòng người lớn nữa, nào ngờ vừa sống lại, bọn họ lại muốn để cô trải qua chuyện ấy với phiên bản nâng cao.
Biết bao cái nhìn sáng quắc phóng đến, Sở Vọng không khỏi tuyệt vọng ngoảnh mặt đi.
Làm thơ ư? Đừng nghĩ nữa, với bản lĩnh văn học của tôi, cùng lắm cũng chỉ có thể đọc một câu hai dòng “trời lam trắng điểm một hàng cò bay”* cho mấy người nghe thôi.
(*Đây là một vế trong bài thơ “Tuyệt cú tứ thủ kỳ
3’ của Đỗ Phủ, Nam Trân dịch.)
Trong ánh mắt mong chờ của mọi người, Sở Vọng di bước chân nặng nề đến trước bàn, lúc cầm bút lông, con tim như rơi xuống đáy vực.
Không chỉ không biết làm thơ, mà ngay tới chữ cũng không viết được… Tình cảnh sống còn tệ thật đấy.
Lúc này anh cả lên tiếng, “Em ba đã nghĩ xong chưa?”
Chị hai cũng hỏi tiếp, “Em ba nghĩ gì mà lâu thế, chỉ là làm thơ thôi mà, không lẽ em muốn mọi người kinh hãi mới vừa lòng?”
Hai người này đang đổ dầu vào lửa đây mà…
Tư Ngôn Tang lại dịu dàng trấn an, “Em ba sợ người lạ, để anh Tử Đồng và em hai đọc thơ trước đi, lúc ấy em ba có thể bình tĩnh làm thơ.”
Mọi người gật đầu, cảm thấy ý này không tệ.
Thế là Lâm Tử Đồng trải giấy ra, bắt đầu đọc: “Đêm qua lạnh buốt giá, nay vậy mà trời trong, nghĩ gì ngàn dặm xá, đèn sáng ngắm non sông.”
Mọi người gật gù khen ngợi, liên tục khen “rất bao la hùng vĩ”, “vô cùng phóng khoáng” “dùng thơ tỏ rõ ý” “sau này Tử Đồng tất có thể thành công”, vân vân.
Lâm Tử Đồng hài lòng ngồi xuống, sau đó Doãn Yên đứng dậy, đứng bên cạnh Lâm Sở Vọng đang trong trạng thái đờ đẫn.
Lâm Doãn Yên: “Một vì sao trăng tỏ, hai kéo cắt lụa là, ba kim vàng họa rõ, ngàn gốc cây nở hoa.”
Mọi người lại rối rít khen “dùng số rất hay”. “hình ảnh khuê nữ thêu hoa trong khuê phòng được chuyển tải sống động trên giấy”, “sự thay đổi từ ba cho đến ngàn rất tinh tế, minh họa rõ cảnh sắc ‘chợt như một đêm gió xuân tới’”, vân vân.
Nghe những lời khen ấy, Lâm Doãn Yên hài lòng đặt giấy xuống.
Còn Lâm Sở Vọng vẫn trong trạng thái đờ đẫn như cũ, không chú ý rằng lúc chị hai đi qua bên cạnh, liếc thấy trang giấy trống trơn của mình thì chị ta ra vẻ khinh bỉ.
Chẳng biết là ai đã hỏi, “Em ba thì sao?”
Sở Vọng vẫn đang đắm chìm trong bài ngũ ngôn tuyệt cú rất có cảm giác tiết tấu của anh chị, tuy có thể nghe hiểu nhưng không thể chỉ ra là hay chỗ nào. Có điều một bài thơ năm chữ một câu, bốn câu một bài áp dụng luật bằng trắc như bài ca thịnh hành ùa về trong tâm trí cô.
Thoáng hoàn hồn, trong đầu cô chợt lóe lên, quay đầu dè dặt nhìn Ngôn Tang.
Ngôn Tang không khỏi mỉm cười: “Em ba sao thế?”
Cô nhìn vào đôi mắt sáng bừng kia, trong lòng mặc niệm: Tôi không thuộc
Thưởng thức tập*, trong đầu chỉ thuộc mỗi thơ của anh… Xin Ngôn Tang tiên sinh tha thứ cho kẻ vô danh tiểu tốt như tôi năm năm trước ở nhà đóng cửa đã học thuộc bài vè anh sáng tác lúc hai mươi tuổi, xin hãy tha thứ cho tôi!
(*Đây là thi tập của Hồ Thích xuất bản năm 1920, tập hợp những bài thơ
bạch thoại đầu tiên trong lịch sử văn học hiện đại Trung Quốc.)
Nói xin lỗi đủ mười ngàn lần xong, cô nhắm nghiền hai mắt, ở ngay trước mặt chính chủ chậm rãi đọc thơ: “Tuyết đọng trên cành xuân, mưa lất phất rơi sông. Sương ôm mặt nước trong, hoa tỏa hương thơm nồng.”
Cô vừa dứt lời, Lâm Tử Đồng là người đầu tiên đứng dậy vỗ tay, “Băng tan tuyết chảy, núi xanh nước biếc. Thơ hay!”
Sở Vọng không nhịn được thầm than, dĩ nhiên phải hay rồi.