Vinh triều, năm Văn Định thứ 28, mùa xuân.
Thành Phụng Nguyên, phường Bát Hưng, ngõ Hoa Hoè, tiểu viện nhà họ Thang.
Sáng sớm, Thang Xảo theo chồng đánh xe bò về nhà mẹ đẻ. Cha nàng bệnh nặng đã nằm liệt giường gần nửa năm, mắt ngày càng kém, trong nhà chỉ còn mẹ và đứa em trai út gắng gượng chống đỡ. Tối qua nghe nói đứa út còn lên cơn sốt.
“Làm sao lại phát sốt rồi? Có gọi lang trung đến khám chưa?” Thang Xảo lo lắng hỏi nương.
Tưởng Vân (mẹ nàng) vẻ mặt u ám, còn chưa kịp trả lời đã thở dài một tiếng:
“Còn không phải do nhà họ Hồ lại tới gây chuyện nữa à...”
“Lại đến đòi tiền hả?” Thang Xảo vừa nghe liền nổi giận: “Rõ ràng không phải do ngũ đệ hại chết con trai nhà họ, sao cứ quấn lấy mãi không buông?”
Tưởng Vân không biết phải nói sao cho rõ ràng, chỉ liên tục thở dài than khổ. Một bên nói Thang gia bây giờ nghèo khó, một bên lại bảo nhà họ Hồ cũng chẳng dễ sống. Thang Xảo càng nghe càng tức, nhưng nhìn thấy mắt nương đỏ hoe, lại không nỡ phát hỏa.
Nương nàng là người hiền lành, mềm yếu như nước.
Nhưng cái chuyện nhà họ Hồ khổ thì liên quan gì đến Thang gia? Liên quan gì đến ngũ đệ?
Thật ra, Thang gia rơi vào tình cảnh như bây giờ, Thang Xảo cũng hiểu trong lòng —phải trách thì cũng trách cha nàng gây nên. Nhưng không thể nào đổ hết tội lỗi lên đầu em út được.
“Con đi xem ngũ đệ trước.” Thang Xảo đè nén tức giận, quay người bước về phía gian phòng nhỏ bên hông.
Tưởng Vân vội nói:
“Sáng nay nương có xem rồi, nó đỡ sốt hơn chút rồi. Trong nhà thật sự không còn tiền, tạm thời đừng gọi lang trung. Chỗ cha con còn ít thuốc, để nương lấy cho nó dùng thử...”
“Thuốc của cha là thuốc gì, ngũ đệ bị sốt phải dùng thuốc khác chứ! Hai người bệnh khác nhau, đơn thuốc sao có thể giống nhau?” Thang Xảo giọng nặng hẳn đi. Vừa thấy nương ấp úng, áy náy không biết đáp lại thế nào, nàng cũng thấy hối hận vì lỡ lời.
Tính nương thế nào, nàng còn lạ gì. Trách nương cũng chẳng ích gì.
Nhìn tình hình nhà mẹ đẻ bây giờ, chắc cũng chẳng còn bao nhiêu tiền.
Thang Xảo nói: “Nương, dù sao cũng phải đưa ngũ đệ đi khám. Để con trả tiền cho.”
“Sao con có thể trả? Từ năm ngoái tới giờ, con đã đưa về không ít rồi. Con lấy chồng ra ngoài, còn phải lo sinh hoạt ở nhà chồng, cứ mãi giúp đỡ nhà mẹ đẻ, thì bên nhà chồng họ còn nói gì? Người ta đều trách nương, nói vì nương mà Thang gia mới ra nông nỗi này. Rõ ràng đang yên ổn sống qua ngày, chỉ mấy tháng mà long trời lở đất...” Tưởng Vân ban đầu còn nói năng chín chắn như một người mẹ già, nhưng nói tới sau cùng lại nghẹn ngào đau khổ.
Thang Xảo là trưởng nữ của nhà họ Thang. Khi chưa lấy chồng, cha mẹ thường gọi nàng là “đại nương”.