Thập Niên 70: Nàng Dâu Đại Viện Muốn Làm Kỹ Thuật Viên

Chương 3

Ấy vậy mà nhà họ Tống lại là nhà khác người nhất. Dù nhà có nghèo đến mấy, thiếu ăn thiếu mặc, vẫn cố gắng nuôi Tống Tri Vũ học hết cấp ba. Nhiều người trong đội sản xuất Nam Hà không tài nào hiểu nổi. Bây giờ lại không được lên đại học nữa, Tống Tri Vũ lại là con gái, học nhiều như vậy ngoài tốn tiền ra thì có ích gì?

Xem kìa, học xong cấp ba rồi chẳng phải cũng về làm nông dân như người trong làng thôi sao?

Tuy mọi người nghĩ vậy, nhưng trong lòng ít nhiều cũng có phần ngưỡng mộ. Nhà có đứa con học hết cấp ba, nói ra cũng thấy hãnh diện, ngẩng cao đầu!

Thời gian không còn sớm, mọi người dù rất muốn hóng chuyện nhưng công việc đồng áng mới là quan trọng nhất. Có người tiếc nuối chép miệng một cái rồi đi lên trước nhận đồ.

"Tri Vũ, cháu nhớ ghi cho cẩn thận vào nhé!" Có người không yên tâm dặn dò.

Tống Tri Vũ đáp một tiếng, cầm cây bút chì cùn bắt đầu viết.

Thấy vậy, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm, nở nụ cười hài lòng.

Người phụ nữ ban nãy thấy Tống Tri Vũ ung dung bình tĩnh ghi chép vào sổ thì không nói được lời nào nữa, mỗi hơi thở đều cảm thấy l*иg ngực đau tức, chỉ đành ấm ức nhận đồ rồi lủi thủi bỏ đi.

Cuối cùng, trong cuộc khẩu chiến này, Lý Xuân Lan đã giành chiến thắng áp đảo.

Công việc phát nông cụ và ghi chép của Tống Tri Vũ kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ. Lần ghi chép tiếp theo phải đợi đến lúc nghỉ trưa. Cô kiểm tra, đếm lại đồ đạc một lượt nữa, đảm bảo không ghi thiếu, ghi sai.

Cô lười biếng ngồi sưởi nắng, lại chống cằm ngẩn người một lúc, nhớ lại chuyện ban nãy nghe bà con nói cái cày của đội bị hỏng.

Tống Tri Vũ đứng dậy đi vào kho, nhanh chóng tìm thấy một cái cày gãy ở góc nhà. Lưỡi sắt bên dưới đã mòn vẹt, lại còn lỗ chỗ vết lõm, dù không gãy thì cũng chẳng dùng được mấy lần nữa.

Cô xem xét một hồi, rồi lục tìm vật liệu trong kho, chắc chắn không có gì để sửa chữa được mới đặt cái cày về chỗ cũ.

Tống Tri Vũ thu dọn đồ đạc, ra khỏi kho, đóng chặt cánh cửa lại.

Ra khỏi cửa kho, cô đi thẳng theo con đường nhỏ. Người nhà họ Tống đang làm việc ở thửa ruộng phía trước.

Bố Tống, ông Tống Nhị Thành, đang bán mặt cho đất, ra sức vung cuốc. Lý Xuân Lan thì xách một cái thùng gỗ, không ngừng rắc thứ phân bón đen sì xuống ruộng. Em trai Tống Tri Phong cũng không hề rảnh tay, đang lom khom nhổ cỏ dại ven bờ ruộng.

Rõ ràng mới là tháng Hai, trời lạnh khiến Tống Tri Vũ run người, vậy mà cả nhà cô chỉ mặc độc một lớp áo mỏng manh, trán ai cũng lấm tấm mồ hôi.

Tống Tri Vũ mím môi, nhìn quanh những người khác đang làm việc trên đồng, ai cũng chẳng khác gì nhà cô.

Đội sản xuất Nam Hà là đội lạc hậu nhất thuộc công xã Hồng Kỳ. Năm nào sản lượng cũng chỉ vừa đủ đạt chỉ tiêu. Sau khi nộp lương thực lên công xã, phần chia lại cho xã viên chẳng còn được bao nhiêu.

Cũng vì nghèo nên nông cụ của đội đều cũ nát, hỏng hóc. Thiếu công cụ thì càng tốn sức người. Ăn không đủ no, làm việc lại nhiều, khiến sức khỏe của nhiều xã viên không tốt.

Da dẻ ai cũng đen sạm vì nắng gió, nhưng môi thì lại khô nứt, trắng bệch.

Tống Tri Vũ từng lang bạt trong thời kỳ tận thế, cô quá rõ điều đó có nghĩa là gì: suy dinh dưỡng, đói ăn.

Chuyện xảy ra buổi sáng đột nhiên hiện lên trong đầu cô. Những chi tiết cô đã bỏ qua bỗng trở nên rõ ràng – lúc cô dậy, Tống Tri Phong vừa rửa mặt xong, nhưng cô không hề thấy cậu ăn bất cứ thứ gì. Bố mẹ Tống cũng vậy.

… Nói cách khác, trong nhà bốn người, chỉ có mình cô được ăn sáng.