Tôn bà thấy hàng xóm là ông Triệu thì vội vàng niềm nở mời vào: “Triệu ông tới rồi à? Mau vào nhà ngồi chơi chút đi!”
Ông Triệu giơ đôi giày còn sũng nước lên, khoát tay từ chối: “Thôi thôi! Tôi chỉ tiện đường ghé nhắc bà, mai phường mình mời đạo trưởng đến giảng đạo, nhà bà nhớ chuẩn bị cơm nước mang sang đó.”
Nghe đến hai chữ “giảng đạo”, mắt Tôn bà ánh lên một tia ngại ngùng, nhưng rồi vẫn cười đáp: “Cảm ơn ông Triệu đã nhắc, đêm nay tôi sẽ lo liệu sẵn!”
Ông Triệu gật đầu, tập tễnh quay đi, vội vã về nhà thay đôi giày ướt lẹp nhẹp.
“A bà! Con bắt được rồi!”
Tiểu Ngũ Nhi ngồi xổm dưới đất, ra sức đè lên cái sọt tre. Bên trong, con gà mái không cam lòng bị nhốt, đang liều mạng giãy giụa.
Trong phòng phía Đông, một cô gái trẻ đang ngủ say thì bị tiếng động đánh thức. Nàng ngồi dậy, hơi thở yếu ớt gọi: “Tiểu Ngũ Nhi?”
Tôn bà nghe tiếng gọi thì vội bước vào, nhìn nàng mỉm cười: “Đỗ nương tử, làm phiền con tỉnh dậy rồi phải không?”
Cô gái khẽ mỉm cười, lắc đầu: “Giờ con thấy đỡ nhiều rồi, để con phụ Tôn bà một tay nấu cơm.”
Nói rồi nàng định nhổm người xuống giường.
Tôn bà vội tiến lên ngăn lại, những nếp nhăn trên mặt chụm vào nhau, cười hiền hậu nói: “Không được đâu, không được đâu!”
“Bà đang hầm canh gà, sắp xong rồi! Đỗ nương tử cứ nghỉ ngơi, chờ chút là có ngay.”
Cô gái ấy, chính là Đỗ Thời Sanh. Đây đã là ngày thứ năm từ khi nàng xuyên tới nơi này.
Ngày đó, khi Đỗ Thời Sanh tỉnh dậy từ một giấc mơ kỳ lạ, nhìn thấy trần gỗ xám xịt và bức tường đá lạnh ngắt, nàng còn tưởng mình đã sang thế giới bên kia. Chuyện chết chóc vốn cũng chẳng còn xa nàng là mấy.
Khi ấy, nàng còn đang lẩm bẩm nghĩ: "Địa phủ gì mà cũng cũ kỹ đến thế? Chẳng lẽ Diêm Vương lại sống cần kiệm đến vậy?"
Thì chợt thấy bên mép giường có hai người, một già một trẻ, đang lo lắng nhìn nàng chăm chú. Cả hai đều mặc áo vải thô, búi tóc chỉnh tề. Đó chính là chủ nhà Tôn bà, cùng cháu trai bà là Tiểu Ngũ Nhi.
Cùng lúc đó, Đỗ Thời Sanh cố gắng đào bới ký ức, mong tìm lại chút gì của "nguyên chủ", nhưng càng cố nhớ thì đầu lại càng đau như muốn nổ tung. Đặc biệt là sau gáy, sưng lên như quả trứng gà, chỉ cần chạm nhẹ là đau điếng, khiến nàng phải từ bỏ việc lục lại ký ức.
Vậy là, nàng không chỉ xuyên không, mà còn không mang theo chút ký ức nào của người chủ cũ!
Qua mấy ngày sống cùng Tôn bà và Tiểu Ngũ Nhi, nhờ những mẩu chuyện rời rạc, cuối cùng Đỗ Thời Sanh cũng dần hiểu ra tình cảnh của mình.
Nàng đã xuyên đến một thế giới song song, niên đại tương đương với nhà Đường, nơi này được gọi là nước Kê. Vị hoàng đế hiện tại vừa lên ngôi được năm năm, thiên hạ yên bình, mưa thuận gió hòa, dân chúng an cư lạc nghiệp.
Nguyên chủ cũng tên là Đỗ Thời Sanh, mới vào kinh thành để tìm người thân. Nhưng chưa kịp tìm được ai thì đã bị móc túi, tiền mất sạch, không còn nơi trú chân.
Mười ngày trước, thấy nhà Tôn bà còn phòng trống, nàng liền ngỏ ý xin ở nhờ, đồng thời hứa sau này sẽ trả tiền thuê đầy đủ.
Tôn bà thấy nàng trẻ, xinh đẹp, lại thân gái một mình, sợ nàng bị cuốn vào dòng đời đầy bất trắc nên không nỡ để mặc, liền vui lòng cưu mang nàng.
Ai ngờ, nàng còn chưa kịp đưa tiền thuê trọ thì đã đổ bệnh. Tôn bà chẳng còn cách nào khác, đành phải móc tiền túi ra mời lang trung đến khám cho nàng.
Gia sản của nàng, chỉ vẻn vẹn có một chiếc hộp gỗ đàn nhỏ, để dưới gầm giường. Vì sức khỏe còn yếu, nàng cũng chưa có dịp xem kỹ bên trong có gì.
Chỉ một lát sau, nồi canh gà của Tôn bà đã sẵn sàng. Bà cười tươi rói, bưng tới một chén canh gà nóng hổi cùng một chiếc bánh rắc mè thơm phức, rồi ân cần nói với Đỗ Thời Sanh: “Nếm thử canh gà bà nấu xem nào, Lý lang trung bảo canh gà là bổ dưỡng nhất cho người mới ốm dậy đấy.”
Đỗ Thời Sanh đưa mũi ngửi, mùi thơm tỏa ra hấp dẫn vô cùng. Nước canh béo ngậy, thoang thoảng mùi tương, phía trên là một lớp mỡ trong suốt như tơ, rõ ràng là được hầm kỹ từ gà mái già, không tiếc chút nào nguyên liệu.
Nàng hỏi: “Tiểu Ngũ Nhi đâu rồi ạ?”
“A bà với Tiểu Ngũ Nhi cũng ăn cùng đi chứ.”
Tôn bà khoát tay từ chối, ánh mắt có chút lấp lánh không rõ: “Không sao đâu, Đỗ nương tử cứ ăn đi cho khỏe. Nồi canh này còn phải để dành một ít, mai... mai còn cần dùng nữa...”
Ngay cả Tiểu Ngũ Nhi cũng không được ăn canh gà này, chắc hẳn nó còn có việc quan trọng hơn.
Đỗ Thời Sanh không khỏi ái ngại khi nhận lòng tốt quá lớn như vậy, bèn khéo léo từ chối: “A bà, con cũng không uống đâu ạ. Con mới khỏi ốm, tì vị còn yếu, không nên ăn món gì nhiều dầu mỡ quá.”
Tôn bà nghe vậy liền hiểu nàng khách khí, vội vàng xua tay: “Đỗ nương tử đừng ngại, bà vừa ăn cơm ở thêu phường mới về đấy. Nếu vậy thì để bà gọi Tiểu Ngũ Nhi tới ăn cùng cho vui nhé.”
Nói rồi, bà đi gọi Tiểu Ngũ Nhi. Ba người cùng ngồi quanh chiếc bàn nhỏ trong phòng ngủ của Đỗ Thời Sanh, bắt đầu ăn cơm.
Đỗ Thời Sanh vẫn nhớ lời Tôn bà nói lúc nãy, canh gà ngày mai còn phải dùng, nên không đυ.ng đến đũa. Nàng nhẹ nhàng hỏi: “Lúc nãy a bà nói canh gà ngày mai còn dùng, là để đãi khách hay sao ạ?”
Tôn bà sững người, mặt thoáng hiện chút lúng túng, hai tay vò vào nhau, đáp khẽ: “Ngày mai, phường mình mời đạo trưởng của Bảo Thanh Quan đến giảng đạo. Mỗi nhà đều phải mang ít cơm canh sang đó. Nhà mình cũng chẳng có món gì ra hồn, nên bà mới tính...”
Nói là đưa cơm nghe đạo thì cũng được, nhưng thực ra chẳng khác nào một cuộc thi nấu nướng ngầm. Mỗi năm Bảo Thanh Quan mời đạo trưởng đến giảng đạo, cả phường ai nấy đều tranh thủ thể hiện tài nghệ, mang ra những món ngon nhất trong nhà để “khoe tay nghề”.
Thứ nhất là để lấy lòng đạo trưởng, thứ hai là vì đạo trưởng và phường trưởng sẽ chọn ra một nhà có món ngon nhất. Nhà nào được chọn, đạo trưởng sẽ đích thân tặng một lá bùa bình an do chính tay mình vẽ.
Bùa của Bảo Thanh Quan từ lâu đã nổi tiếng linh thiêng, ai cũng muốn có mà chẳng dễ gì xin được. Vậy nên, mỗi năm đến dịp này, cả phường đều nôn nao, nhà nào nhà nấy hầm hì chuẩn bị từ sớm, chỉ mong giành được phần hơn.