Chung Huỷ đang loay hoay thu dọn trong nhà, trong đầu lại cứ nghĩ về cái tivi bị hỏng, thì chợt nghe tiếng gọi quen thuộc, kèm theo cái đầu thò ra ngoài cửa là Vương Như.
Chung cư dành cho công nhân kiểu cũ, sàn mỏng dính, cách âm gần như bằng không, chuyện trong nhà này, hàng xóm sát vách đều nghe rõ mồn một.
Mấy hôm trước Chung Huỷ cãi nhau to với Giang Thịnh, Vương Như nghe được hết, vì thế cũng ngại ghé chơi. Nhưng dạo này hai người kia yên ắng hơn, đúng lúc có việc muốn nói, nên chị ấy sang thăm.
“Chung Huỷ!”
Nghe giọng là cô nhận ra ngay. Trong xưởng, bạn bè cô không nhiều, Vương Như là người thân thiết nhất. Cả nhóm chị em họ đều vào Nhà máy Bông Quốc gia cùng đợt, đợt tuyển dụng lớn đầu tiên sau khi phong trào WG kết thúc. Khi ấy người trẻ nhất mới mười sáu, mười bảy tuổi, lớn nhất thì chỉ ngoài hai mươi. Trẻ trung, nhiệt huyết, họ nhanh chóng thân thiết với nhau.
Nhà máy có bốn ca làm việc, luân phiên nhau nên thời gian rảnh cũng linh hoạt. Tan ca sáng, nếu trời đẹp và tâm trạng ổn, Chung Huỷ lại rủ chị em đi chợ đêm chơi. Làm ca đêm thì ban ngày tranh thủ đi dạo phố mua sắm. Nhìn vậy chứ công nhân nhà máy cũng có khối thời gian cho bản thân. Cô và nhóm bạn thường xuyên giành giải trong các cuộc thi tay nghề mỗi năm.
Cuộc sống cứ thế trôi qua nhẹ nhàng nhiều năm, cho đến khi một trong số họ lập gia đình. Vương Như là người đầu tiên, chị ấy vào nhà máy lúc 22 tuổi, rồi cưới chồng không lâu sau đó.
Chung Huỷ vẫn nhớ rõ cảm giác hụt hẫng ngày đó như thể một điều gì đẹp đẽ đang dần khép lại.
Kiếp trước, sau khi nghỉ việc, cô chuyển sang nơi khác sống, dần dần mất liên lạc với đám bạn cũ trong xưởng. Mãi nhiều năm sau mới tình cờ gặp lại Vương Như, lúc đó cô đang ra chợ mua rau thì thấy chị ấy đang bán cá.
Vương Như sau khi bị cho nghỉ việc đã cùng chồng thuê một sạp cá ở chợ, làm lụng vất vả nuôi con ăn học.
Cô suýt không nhận ra chị ấy tóc bạc nhiều, gương mặt già hơn xưa, đôi tay trắng bệch, sưng phù vì phải ngâm nước lạnh cả ngày, trông như củ cà rốt. Thế nhưng Vương Như vẫn tươi cười rạng rỡ, niềm nở chào cô, nhất quyết không lấy tiền.
Chủ sạp bên cạnh cứ không ngớt lời khen con trai chị ấy học giỏi. Lúc đó cô mới biết con trai của Vương Như, Lý Nghị đã thi đỗ Đại học Bắc Kinh.
Khi ấy, chuyện của Hoà Hoà vừa xảy ra không lâu. Thấy gia đình người ta hạnh phúc, cô vừa chạnh lòng, vừa mừng thay cho họ.
.......
Chung Huỷ gạt đi những ký ức lộn xộn trong đầu, mỉm cười mời Vương Như vào:
“Hôm nay chị làm ca nào? Có rảnh thì ghé chơi nhé!”
“Hôm nay ca đêm, mai cũng ca đêm nữa, cả tuần liền, mệt muốn chết đây.”
Vừa vào nhà, Vương Như đã thấy chiếc gương vỡ trên bàn trang điểm, bèn hỏi một câu rồi ngập ngừng, cuối cùng vẫn nói: “Chị nghe bên công ty đồn Từ Diệu Khanh với ông chồng giàu có ly hôn rồi!”
Là bạn thân nhất của Chung Huỷ, Vương Như biết rõ từng chi tiết trong chuyện tình của cô với Giang Thịnh. Cũng từng biết Giang Thịnh từng hẹn hò với Từ Diệu Khanh nhiều năm, rồi chia tay không mấy êm đẹp.
Chung Huỷ bình thản: “Em biết rồi.”
Nếu Từ Diệu Khanh không ly hôn, Giang Thịnh liệu có vội vã như vậy? Kiếp trước, sau khi biết chuyện, tinh thần cô suy sụp, rồi chẳng lâu sau thì sảy thai.
Vương Như xem cô như em gái, nghe vậy thì không khỏi thất vọng:
“Em còn cãi nhau với Giang Thịnh à? Càng cãi càng đẩy người ta đi mất đấy.”
Chung Huỷ cười nhẹ: “Chân anh ta mọc trên người, muốn đi đâu thì em cản sao được?”
Vương Như thở dài: “Giang Thịnh giờ là "hàng hot" đấy. Nhỡ đâu Từ Diệu Khanh quay lại giành giật thì sao?”
Chung Huỷ chớp mắt: “Em đưa cho cô ta luôn.”
Vương Như hừ mũi, rõ là đang nghĩ: “Cố chấp quá rồi!” rồi nói tiếp:
“Con gái của Từ Diệu Khanh sắp chuyển trường đấy. Không học trong thành phố nữa mà về học trường tiểu học của nhà máy. Làm xong thủ tục rồi, chắc sẽ chuyển đến sống ở khu nhà nhân viên. Có khi lại học chung lớp với Lý Nghị và Hoà Hoà…”
Chung Huỷ sững lại, mặt lạnh hẳn đi. Cô suýt quên mất chuyện này!
Kiếp trước, Hoà Hoà học cùng lớp với Trương Bồng Bồng — con gái Từ Diệu Khanh và bị bắt nạt suốt nhiều năm. Ban đầu cô nghĩ chỉ là mâu thuẫn trẻ con, ai ngờ Trương Bồng Bồng lại lập nhóm cô lập Hoà Hoà, dẫn đầu cả lớp.
Chung Huỷ cau mày: “Con bé học tốt vậy mà sao lại chuyển từ trường thành phố về trường nhà máy?”
Vương Như cũng ngạc nhiên: “Ai mà biết được! Trường nhà máy giờ tệ lắm, giáo viên giỏi đều bị điều lên thành phố hết. Tự nhiên chuyển về đây làm gì không biết!”
Trường Tiểu học Nhà máy Dệt từng là trường nổi tiếng hồi thập niên 80, nhưng sau này chất lượng xuống dốc, ai có điều kiện đều tìm cách cho con học nơi khác.
Chung Huỷ trầm ngâm rồi hỏi: “Chị có nghĩ đến việc cho Tiểu Nghị chuyển trường không?”
Vương Như thoáng sững, rồi thở dài: “Cũng nghĩ rồi, nhưng trường tốt xa nhà, muốn chuyển thì phải chạy vạy nhờ vả.”
Nhắc đến chuyện học hành của con là chị lại đau đầu. Hai vợ chồng đều học hành không ra gì, ai ngờ lại đẻ được thằng con học giỏi. Lý Nghị từ nhỏ đã thông minh, năm lớp một đã được chọn vào lớp Olympic của thành phố.
Lớp này tổ chức ở Trường Tiểu học Tân Hoa, giáo viên toàn người giỏi. Mỗi tuần, vợ chồng chị đưa con đi học bất kể nắng mưa. Chị chỉ mong có ngày nó được nhận vào học chính thức ở Tân Hoa, đạp xe mười cây số mỗi ngày cũng không sao.
Từ những năm 80, nhà nước đã chủ trương học gần nhà, muốn chuyển trường là cả vấn đề. Bây giờ khu nhà ở theo vùng học không còn rõ ràng nữa, nhà thương mại mới xây cũng chẳng mấy ai mua.
Thấy Vương Như càng nói càng lo, Chung Huỷ chuyển chủ đề sang chuyện nhẹ nhàng hơn: “À, tiện hỏi luôn, chị có biết chỗ nào sửa đồ điện tử uy tín không? Tivi nhà em hỏng rồi.”
Vương Như tròn mắt nhìn cô: “Còn phải mang đi đâu sửa? Trong khu nhà mình có người làm đấy!”
Chung Huỷ tò mò: “Ai vậy?”
“Tiểu Thợ Rèn. Anh ta với mấy người bạn mở tiệm sửa đồ gia dụng ở ngoài. Ai trong xưởng nhờ sửa gì, anh ta chỉ lấy tiền vật tư thôi. Tay nghề tốt, là đồng nghiệp cũ, sao cô không hỏi luôn?”