Sự giam cầm vỡ tan, Hứa Kim Triều nhìn thấy vô số ánh sáng vàng giống như những đốm đom đóm ngoan cường trong đêm tối.
Ánh sáng vàng rải rác khắp nơi. Vạn vật đều biến mất, chỉ còn lại ánh sáng vàng.
Hứa Kim Triều từng bước tiến lại gần, dưới chân cô giẫm lên thứ giam cầm đã bị phá vỡ.
Ánh sáng vàng cũng lao về phía cô! Vô số ánh sáng vàng hòa vào cơ thể cô, con đường dưới chân cô bắt đầu rung chuyển.
Những mảnh vỡ không còn chống đỡ được cơ thể Hứa Kim Triều nữa, cô đột nhiên rơi xuống.
Những mảnh vỡ vẫn ở nguyên vị trí, cảm giác mất trọng lượng không dễ chịu chút nào.
Hứa Kim Triều nhìn chằm chằm vào những mảnh vỡ. Trong lúc rơi xuống, cô nhìn rõ hình dạng của chúng.
Đó là... Hứa Kim Triều.
Một Hứa Kim Triều tan vỡ, ẩn mình.
...
Đó là một câu chuyện rất bình thường.
Cha mẹ bình thường, điều duy nhất không bình thường là không phát hiện ra con mình bị câm, tai còn có vấn đề.
Hình như mẹ Giang rất khó chấp nhận sự thật này. Bà ta mất dáng, mạo hiểm sinh con mà con lại bị câm, bà ta làm sao chấp nhận được cú sốc này được!
Bà ta không chấp nhận được, như rơi vào ngõ cụt.
Khi những đứa trẻ cùng tuổi cô đều đang học nói. Bà ta trở nên cáu kỉnh hơn trước, thậm chí còn dùng bạo lực.
Cô bé Hứa Kim Triều mình đầy thương tích, đáy mắt tràn ngập nỗi sợ hãi sâu sắc.
Mẹ Giang cầm móc áo đánh tới, tinh thần điên loạn: "Mày kêu lên đi! Mày khóc, khóc có ích gì? Một chút âm thanh cũng không phát ra được..."
Rồi bà ta đột nhiên buông móc áo, quỳ xuống đất tự tát mình. Bà ta bắt đầu rơi nước mắt cầu xin tha thứ: "Mẹ sai rồi, mẹ sai rồi."
Hứa Kim Triều run rẩy đưa tay ra, mẹ Giang hất tay cô ra.
Giọng nói bà ta the thé: "Tại sao không nói! Tại sao mày không nói hả!"
Hứa Kim Triều gào thét bất lực, hai tay cô ôm lấy đôi chân co quắp.
Đúng vậy, tại sao cô không nói được?
Không chỉ cô không nói được, mà cha Hứa cũng không nói được.
Lúc đầu cha Hứa còn mắng mẹ Giang rồi đưa Hứa Kim Triều đi bệnh viện.
Nhưng mẹ Giang càng ngày càng điên loạn, vết thương trên người Hứa Kim Triều lành xong lại có thêm vết thương mới.
Cha Hứa từ mong đợi ban đầu chuyển sang đau lòng rồi đến cay đắng, cuối cùng bị dày vò thành… Thôi thì cứ vậy đi.
Ông ta trở thành "người câm" trong gia đình này.
Tình trạng này kéo dài cho đến khi Hứa Kim Triều tám tuổi.
Cha Hứa không về nhà nữa.
Chỉ còn lại mẹ Giang với Hứa Kim Triều.
Đứa trẻ tám tuổi, đã đến tuổi đi học. Có điều mẹ Giang vẫn cố chấp giữ cô bên cạnh, tự mình dạy học cho cô.
Bà ta sợ con gái mình bị bắt nạt vì không nói được, đồng thời cũng sợ con gái rời xa mình.
Mẹ Giang lúc yêu lúc ghét cô.
“Là mày hại tao!”
“Mẹ sai rồi... Mẹ sai rồi.”
Hứa Kim Triều nghĩ, mẹ sai rồi thì có thể rời đi như cha không?
Lúc đó ngày nào cô cũng nghĩ như vậy, cho đến khi cô mười tuổi.
Má cô sưng đỏ, tai trái chảy máu, tiếng "ù ù" vang lên bên tai cô. Người cô đau, tai cũng đau.
Đau quá, con đau quá. Đau quá, mẹ ơi, con đau quá.
Ấy thế mà cô không kêu lên được.
Đôi mắt cô vẫn còn khát khao được sống. Cô nhìn mẹ Giang, nhìn vào đôi mắt của bà ta.
Hứa Kim Triều không biết diễn tả đôi mắt đó như thế nào, là đau khổ hay giải thoát?
Cô ngửi thấy mùi máu tanh nồng nặc trên người nên thấy hơi choáng váng.
Mắt cô càng lúc càng mờ đi. Tai trái - nơi duy nhất có thể nghe thấy âm thanh của cô cũng trở nên yên tĩnh.
Thế giới của cô hoàn toàn chìm vào cô độc.
Mẹ Giang làm xong tất cả thì nhảy xuống từ sân thượng.
Quá trình trưởng thành của cô sau đó rất gập ghềnh, việc đeo máy trợ thính có thể nghe thấy âm thanh đối với Hứa Kim Triều là kết quả tốt nhất.
Sau khi cơ thể hồi phục, cô học ngôn ngữ ký hiệu ở trường đặc biệt. Khoảnh khắc đầu tiên học được, cô đã làm một động tác.
[Tôi có thể nói.]
Tôi có thể nói!
Ngôn ngữ im lặng phát ra âm thanh chấn động.
Cứ như vậy cho đến năm mười bốn tuổi, cha Hứa đến đón cô về nhà.