Cuối xuân tháng ba, cây cối xanh rậm, hoa nở khắp nơi.
Dọc hai bờ sông Bình Giang, hoa hạnh bị gió xuân thổi bay, rơi là là trên mặt nước như một lớp tuyết mỏng, phản chiếu mái ngói đen uốn cong của những ngôi nhà ven sông, cảnh sắc mờ ảo tựa giấc mộng.
“Đang, đang”
Tiếng đồng la từ học viện Tập Hiền vang lên giữa không gian yên ả.
Trong sân viện phủ đầy giàn tử đằng, các học trò tụm năm tụm ba dưới bóng mát, say sưa bàn luận về kỳ thi hội vừa kết thúc cách đây một tháng.
“Ta thấy, trong ba bài thi xuất sắc nhất lần này, vẫn là bài của Lý Trưng nổi bật nhất! Bài viết vừa sâu sắc vừa tinh tế, rõ ràng là ứng cử viên sáng giá cho vị trí Trạng nguyên!”
“Ứng cử viên sáng giá gì chứ? Theo ta thấy, cậu ta chỉ may mắn. Nếu người kia mà dự thi, năm nay Lý Trưng e là chẳng có cửa đâu.”
Giữa lúc cuộc tranh luận đang sôi nổi, một giọng nữ nhẹ nhàng trong trẻo như gió xuân thoảng qua, bất chợt cất lên: “Công tử nói, chẳng phải là đại công tử của Dung thị sao?”
Cả viện chợt im bặt.
Các học trò đồng loạt quay đầu nhìn lại, qua những dải tử đằng rủ xuống, bóng dáng một thiếu nữ yểu điệu đang bước tới, tựa như cánh hoa trong gió.
Một cơn gió khẽ thổi qua, lay động cành lá, cũng để lộ dung nhan người mới đến, gương mặt thanh tú không phấn son, xinh đẹp trong trẻo như hoa phù dung trên mặt nước.
“Diệu Y cô nương!”
Nam nhân mắt sáng rỡ, vui mừng nói.
Những người còn lại cũng không nén được xúc động, chen lên phía trước: “Đúng là Diệu Y cô nương tới sao?”
Dưới ánh mắt háo hức của đám thư sinh, Tô Diệu Y từ sau giàn tử đằng bước ra, dịu dàng cúi người thi lễ: “Hôm nay ta đến đưa sách quý cho phu tử, tiện ghé qua đây, nếu có làm phiền chư vị, mong được thứ lỗi.”
Nàng mặc váy lụa màu xanh nhạt, búi tóc đơn giản cài một chiếc trâm gỗ, không đeo trang sức gì thêm. Nhưng chính bởi sự giản dị đó lại càng khiến nàng mang vẻ đẹp thanh thuần, thoát tục như tiên giáng trần.
Trong mắt đám thư sinh vốn luôn tự cho mình là thanh cao ấy, nàng lại càng giống một người chẳng nhuốm chút bụi trần.
“Không, không phiền gì đâu... Chúng ta vừa nhắc đến công tử Dung Giới ở Lâm An.”
“Nghe nói vị Dung công tử ấy từ nhỏ đã nổi danh khắp nơi, năm ngoái còn đỗ Giải Nguyên, sao kỳ này lại chẳng thấy tung tích đâu cả?”
Tô Diệu Y dịu dàng hỏi.
Một học trò đáp lời: “Là vì công tử ấy vốn không dự thi! Nghe nói đang trên đường tới Biện Kinh thì gặp chuyện khiến hành trình bị trì hoãn, nên mới không kịp tới thi hội. Đúng là vận xui.”