Thập Niên 70: Tôi Mơ Thấy Bạn Trai Là Nam Chính Trong Truyện Nữ Chủ

Chương 1

"Tớ thấy đôi giày mới của cậu rồi!!!"

Nét chữ của thanh tú mềm mại trải dài trên mảnh giấy bài tập bị xé vội. Khi nhìn thấy rõ dòng chữ trên tờ giấy, Tưởng Tây cố kìm nén để khóe miệng không nhếch lên.

Cô lén ngẩng đầu nhìn về phía bảng, thấy cô giáo vẫn chưa bước xuống bục giảng, thì mới khẽ che miệng, cười trộm hai tiếng. Đợi cười đủ, cô mới cầm bút viết đáp lại dưới hàng chữ đó:

"Thấy quen không? Hàng bách hóa số một đấy! Ba tớ dành dụm "quỹ đen" suốt nửa năm mới lén mua được cho tớ đó!"

Viết xong, Tưởng Tây đặt bút xuống, gấp mảnh giấy lại theo đúng nếp cũ.

Sau đó lại ngẩng đầu lên nhìn về phía bục giảng, thấy cô giáo vẫn đang quay lưng viết bảng, Tưởng Tây nhanh chóng ném tờ giấy cho cô bạn tóc ngắn bên cạnh.

Cô gái tóc ngắn nhặt giấy lên, nhìn sang Tưởng Tây. Tưởng Tây nháy mắt ra hiệu, ngầm bảo cô ta chuyền giấy cho Đường Bối Bối bên cạnh.

Cô gái tóc ngắn trợn mắt, chẳng thèm nhìn lên bục giảng xem cô giáo mà thẳng thừng ném tờ giấy qua.

Tưởng Tây căng thẳng liếc nhìn cô giáo, đây là tiết Ngữ văn, giáo viên phải viết nhiều lên bảng nên vẫn chưa quay lại, tất nhiên không nhận ra ba người đang truyền giấy trong lớp.

Không bị phát hiện khiến Tưởng Tây thở phào nhẹ nhõm, nhưng trong lòng lại dâng lên chút áy náy.

Lúc này trong lớp chẳng mấy ai thực sự chăm chú nghe giảng, đa phần đều đang làm việc riêng, nhưng giáo viên vẫn hăng say tiếp tục giảng dạy.

Những học sinh khác có quan tâm hay không thì cô không rõ, nhưng Tưởng Tây vô thức nảy sinh cảm giác tội lỗi. Cô lắc đầu với Đường Bối Bối, ra hiệu đừng chuyền giấy nữa.

Đường Bối Bối biết rõ Tưởng Tây là học sinh ngoan lại cực kỳ nhát gan, cô ấy cố ý làm mặt hề về phía cô giáo đang ghi chép trên bục giảng rồi mới kẹp mảnh giấy vào sách.

Mới đầu tháng Tư, thời tiết chưa hẳn nóng, nhưng trong lớp có đến hai ba chục học sinh, không khí đã bắt đầu oi bức.

Phấn trắng lướt trên bảng phát ra âm thanh rin rít, bụi phấn cũng theo gió bay lơ lửng trong không khí, khiến Tưởng Tây vô thức nín thở, sợ hít phải.

Dạo gần đây trời hay nồm, nội quy lớp học dán bên cạnh tấm bảng đen cũ kỹ đã bong mép, nhưng bức chân dung vĩ nhân treo phía trên vẫn còn mới nguyên. Hai bên là dòng chữ đỏ trên nền trắng ngay ngắn: "Học tập tốt, mỗi ngày tiến bộ."

So với những năm trước, không khí trường học năm 1974 đã không còn căng thẳng như trước.

Do kỳ thi đại học bị hủy bỏ, chỉ một số ít người có thể vào đại học nhờ được đề cử. Vì vậy, tốt nghiệp cấp ba trở thành một lợi thế khi xin việc.

Tuy nhiên, lợi thế này hiện tại cũng không quá rõ ràng. Kể từ khi công việc ở thành phố ngày càng khan hiếm, thanh niên thất nghiệp bị tổ chức đưa về nông thôn ngày càng nhiều, mọi người đều tranh giành từng vị trí làm việc trong thành phố.

Tưởng Tây sẽ tốt nghiệp vào tháng Bảy năm nay, nhưng hiện tại vẫn chưa nhận được phản hồi nào về công việc.

Nếu trong vòng hai tháng sau khi nhận bằng mà vẫn không tìm được việc, có thể Tưởng Tây sẽ bị phường khuyến khích về nông thôn tham gia xây dựng.

Nói đến đây, Tưởng Tây lại càng không muốn về quê. Vì cô không phải dân thành phố chính gốc, ông bà nội đều sống ở nông thôn, nên cô biết rõ nỗi khổ khi làm ruộng, có kể cả ngày cũng không hết.

Ông bà nội cô có ba cậu con trai, hai cô con gái, nhưng chỉ có ba cô là "đột biến gen", mất hai mươi năm mới từ nông dân trở thành công nhân.

Dù người ta vẫn bảo "bần nông quang vinh", nhưng nếu có cơ hội làm công nhân, chẳng ai muốn từ bỏ cả.

Theo lời bà nội cô, ba cô vất vả lắm mới vào được thành phố, nếu cô quay về thì chẳng khác nào thụt lùi. Vì vậy, vào mỗi dịp Tết khi về quê, bà nội luôn không ngừng dặn dò cô phải tìm cách ở lại thành phố.