Nếu lúc đầu Lê Nam còn nghĩ đây chỉ là một giấc mơ thì bây giờ cậu không còn nghĩ thế nữa.
Làm gì có giấc mơ nào mà có thể cảm nhận được cơn đau chân thực thế này chứ?
Lê Nam đưa tay sờ vào tai mình, nơi vừa bị vặn đỏ lên. Lập tức, cậu lại hít một hơi lạnh vì đau.
Đây tuyệt đối là mẹ cậu, không ai có thể giả mạo giống đến mức này, ngay cả cách vặn tai cũng đau y hệt!
Vậy… cậu đã quay về quá khứ sao?
Trọng sinh? Xuyên không? Hay chỉ là một giấc mộng hoàng lương*?
(*Chỉ những ảo tưởng đẹp đẽ, hão huyền nhưng không có thật, tan biến nhanh như giấc mơ.)
Lê Nam trước đây cũng là một thanh niên rất thời thượng, tuổi trẻ bồng bột lao vào giới giải trí, tuy không thể gọi là nổi đình nổi đám, nhưng ít ra cũng có chút danh tiếng.
Dù gì thì hơn mười năm sau vẫn còn có fan nhớ đến cậu, chẳng lẽ đó không phải là một thành tựu sao?
Có điều, sự hứng thú của Lê Nam chỉ duy trì được vài năm ngắn ngủi. Khi không thể vươn lên trong giới âm nhạc, cậu chuyển hướng sang diễn xuất. Nhưng sau vài bộ phim, cậu lại cảm thấy chán nản.
Mãi đến khi cậu tiếp xúc với bộ môn trượt băng nghệ thuật.
Năm đó, cậu 19 tuổi, nhận vai trong một bộ phim tài liệu về trượt băng nghệ thuật, thủ vai một vận động viên tài năng.
Nhờ bộ phim này, cậu đã làm quen với bộ môn trượt băng nghệ thuật, và cũng từ đó mà say mê nó.
Năm 19 tuổi, sau khi hoàn thành bộ phim cuối cùng, cậu phủi tay rời khỏi giới giải trí, chọn con đường thể thao.
Khi đó, ai ai cũng khuyên cậu suy nghĩ kỹ. Ngay cả những người trong giới thể thao, bao gồm cả huấn luyện viên đầu tiên dẫn dắt cậu vào bộ môn này, cũng đều nói với cậu: Quá muộn rồi.
Với độ tuổi này, nếu chỉ học để giải trí thì không sao, nhưng nếu thực sự muốn đạt thành tích, muốn tranh huy chương trong các giải đấu quốc gia hay thậm chí là quốc tế thì hoàn toàn không thể.
Đừng nói đến tuyển thủ đội tuyển quốc gia, ngay cả những vận động viên của đội tỉnh hay các câu lạc bộ trượt băng nghệ thuật cũng đều bắt đầu tập luyện từ năm, sáu tuổi. Trễ nhất cũng chỉ 8, 9, 10 tuổi đã được xem là quá muộn rồi. Huống hồ Lê Nam, khi ấy đã 19 tuổi, cơ thể đã phát triển ổn định, độ dẻo dai cũng khó mà cải thiện.
Làm một sở thích thì được, nhưng lấy sở thích ra so với chuyên môn của người khác thì quá vô lý.
Những người khác luyện tập đến năm 19 tuổi đã trải qua bao nhiêu năm rèn giũa? Còn cậu thì sao? Phải mất bao lâu mới đạt được trình độ của người ta ở tuổi 19?
Sự nghiệp của vận động viên trượt băng nghệ thuật rất ngắn ngủi, có người thậm chí chỉ là một chớp sáng rồi vụt tắt. Nói thẳng ra, cậu là ai chứ? Một người bước chân vào thể thao khi đã quá tuổi, lại còn muốn đạt thành tích?
Thế nhưng, việc mà ai cũng cho là viển vông, Lê Nam lại dùng sự nỗ lực, mồ hôi và quan trọng nhất — thiên phú — để từng bước tiến từ câu lạc bộ vào đội tuyển tỉnh, rồi từ đội tỉnh vào đội tuyển quốc gia.
Có lẽ là do tài năng trượt băng của Hoa Quốc còn thiếu thốn, một vận động viên như cậu — xuất thân từ một kẻ ngoại đạo, đã có thể đại diện cho quốc gia.
Năm 24 tuổi, cậu đứng trên sân băng Sochi, là đại diện duy nhất của Hoa Quốc bước vào phần thi tự do sau bài thi ngắn.
Chỉ tiếc rằng, tổng điểm cuối cùng xếp hạng sáu, bỏ lỡ bục nhận huy chương.
Nhưng thành tích như vậy đã là rất đáng kinh ngạc rồi.
19 tuổi mới nhập môn, 24 tuổi đã đứng trên sân băng Olympic mùa Đông — nếu cậu bắt đầu luyện tập từ nhỏ, biết đâu Hoa Quốc đã có một thiên tài đủ sức tranh chấp huy chương vàng rồi.
Chỉ tiếc rằng, trên đời này không có "nếu như".
Sự nghiệp vận động viên của Lê Nam thực ra cũng khá bình lặng. Cậu có thể chạm tay vào huy chương ở giải vô địch thế giới, bùng nổ ở một số chặng của Grand Prix để giành lấy một hai tấm huy chương vàng. Cứ thế, bốn năm lại trôi qua, tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang, cậu cán đích ở vị trí thứ tư.
Năm đó xuất hiện một loạt thiên tài sáng chói, không chỉ có kỹ thuật xuất sắc mà tuổi đời còn rất trẻ, chia nhau hết huy chương. Cuối cùng, Lê Nam không thể đứng lên bục nhận giải.
Sau đó, chính là kỳ Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh — thời điểm cậu đã sống lại. Olympic tổ chức ngay trên sân nhà, mọi người đều đặt kỳ vọng vào cậu, chính cậu cũng muốn cố gắng giành một tấm huy chương để mang vinh quang về cho đất nước...
31 tuổi, qua sinh nhật là bước sang 32. Trong giới trượt băng nghệ thuật, đây đã là độ tuổi quá lớn.
Dù trên người đầy chấn thương, cậu vẫn cố gắng tiêm thuốc giảm đau để ra sân, chỉ vì thời điểm đó, trong nước ngoài cậu ra, không còn ai có thể tranh chấp vị trí trên bục nhận huy chương.
Thế là cậu bước lên sân đấu, để rồi cuối cùng, chỉ kém đúng một điểm, lỡ mất huy chương Olympic.
Đáng tiếc không? Rất đáng tiếc.
Có nuối tiếc không? Rất nuối tiếc.
Nhưng nếu hỏi cậu có hối hận khi trở thành một vận động viên trượt băng nghệ thuật, đánh đổi cả thân thể đầy thương tích mà vẫn không có một tấm huy chương Olympic nào hay không thì câu trả lời chắc chắn là: Không hối hận.
Cả đời này có được mấy lần mình thực sự "muốn làm"?
Mà trở thành một vận động viên trượt băng nghệ thuật chính là điều Lê Nam "muốn làm".
Lê Nam bừng tỉnh khỏi dòng hồi ức, ngây ngẩn nhìn chính mình trong gương. Đột ngột, cậu vặn mạnh vòi nước, để nước chảy đầy chậu rửa mặt, rồi nhấn cả đầu xuống đó.
Cậu úp mặt xuống nước đến mức suýt bị ngạt, mãi đến khi gần không chịu nổi nữa mới ngẩng đầu lên, trừng mắt nhìn vào gương, rốt cuộc cảm nhận được sự chân thực.
Trong mắt cậu hiện lên đủ loại cảm xúc: Không thể tin nổi, hoảng hốt, kinh ngạc, chấn động...
Tất cả cuối cùng hòa làm một niềm vui sướиɠ tột độ.
Thật sự là thật!
Cậu thực sự đã từ 31 tuổi quay trở về năm 10 tuổi?
Không chỉ đơn giản là trẻ lại, mà ngay cả thời gian cũng đảo ngược. Cậu đã trở về thời điểm ba mẹ vẫn còn khỏe mạnh, em gái Thẩm Nhiễm Nhiễm còn chưa ra đời, và chính mình vẫn là một thiếu niên chưa vì một phút bốc đồng mà bước vào giới giải trí!
Thật quá khó tin!