Nhà Họ Chử Ở Hỗ Thượng (Niên Đại)

Chương 8

Năm 66 - 67, ngay sau khi phong trào vận động kia (Cách mạng văn hóa) nổ ra, một đám du thủ du thực dưới sự hậu thuẫn của Trương Sơn Miêu - chủ nhiệm Cách Ủy Hội, đã chỉ trích chuyện bán các loại thổ sản đặc sản vùng núi là "phú nông", là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa... Đã vậy, bọn họ còn ra lệnh chặt phá hàng chục mẫu vườn cây ăn quả của đại đội để cải tạo thành ruộng lúa nước, khiến cho tiền bạc của các xã viên đổ xuống sông xuống biển hết cả.

Ban đầu, ruộng lúa mới cải tạo chỉ cho năng suất chưa đến hai tạ thóc mỗi mẫu, những ít ra cũng đủ để người dân lót dạ, vậy nên mọi người cũng vui vẻ chấm nhận.

Thế nhưng trước khi bọn họ kịp cất lúa vào kho thì cấp trên đã truyền lệnh xuống, rằng ngoài khoản “lương thực dư ra” thì bọn họ còn phải nộp thêm "lương thực trung thành” nữa.

Số lượng lương thực phải giao nộp quá lớn, mà sản lượng từ những mảnh ruộng cải tạo này lại chẳng đáng là bao, năm nào cũng phải xin trợ cấp. Đến mùa nông nhàn, từng hộ trong thôn chỉ dám ăn hai bữa cầm chừng, còn lại thì đều uống nước cho no bụng cả. Hơn nữa, bởi vì không có nguồn thu từ lâm nghiệp, trong mấy năm đó, thành niên trong thôn muốn lấy vợ thì quả thật là khó khăn muông vàn.

Mãi đến năm 1973, khi Cục Thương nghiệp huyện tuyển dụng nhân sự. Bọn họ chỉ tên muốn điều động thanh niên trí thức Chử Thần của Đại đội Nguyệt Lượng Loan vốn đang công tác ở nhà máy thực phẩm huyện, chuyển anh qua làm việc tại Cung Tiêu Xã của huyện, chuyên phụ trách phát triển kinh tế nông thôn về mảng sản xuất nông nghiệp. Muốn anh hỗ trợ nông thôn phát triển đặc sản vùng núi và các sản phẩm kinh tế từ dược liệu.

Sau khi hiểu rõ tình hình của đại đội Mậu Lâm, Chử Thần đã nhiều lần mang theo báo cáo đi khắp trong huyện, thành phố để tìm kiếm cơ hội. Khi xin được chỉ thị phê duyệt, anh lập tức dẫn mọi người vào núi hái thuốc và buôn bán thổ sản vùng núi.

Khi bắt đầu có chút tiền, anh lại dạy họ trồng nấm, cây kim ngân và nuôi ong. Sau đó, anh giúp họ mua số lượng lớn cá bột để triển khai mô hình nuôi cá trong ruộng lúa. Anh cũng hướng dẫn kỹ thuật ấp trứng vịt, khuyến khích mọi người nuôi vịt, mua dê về nuôi, tạo thành được mô hình khép kín đầu tiên.

Tiếp theo, anh mời chuyên gia từ Cục Nông Nghiệp đến khảo sát địa hình và tài nguyên thổ nhưỡng ở vùng núi phía sau đại đội. Nhờ đó, họ đã có thể nhập giống táo “Hoàng Nguyên Soái” từ Uy Ninh về để trồng thử nghiệm…

Năm nay là năm đầu tiên giống táo “Hoàng Nguyên Soái” kết trái. Đây là một giống mới trong khu vực, có lợi thế chín sớm hơn các loại táo khác khoảng nửa tháng đến một tháng. Nhờ chăm sóc tốt, táo kết trái to, vỏ vàng ửng đỏ, thịt quả mềm giòn, vị ngọt mọng nước, hương thơm thanh mát, ăn rất ngon. Nếu định giá theo mặt bằng táo địa phương, Trương Mạo cảm thấy không cam lòng chút nào hết!

Ai mà không có tham vọng chứ? Các đại đội xung quanh đều đã có điện, chỉ riêng đại đội Mậu Lâm bọn họ là vẫn phải thắp đèn dầu mỗi ngày… Còn trường tiểu học nữa, bọn họ cũng muốn xây một ngôi trường riêng để bọn trẻ có chỗ đi học hàng ngày. Như vậy, đám trẻ con trong đại đội sẽ không phải dậy từ tờ mờ sáng, băng đèo vượt núi hơn hai mươi dặm đường để sang đại đội Nguyệt Lượng Loan đi học nữa…

“Tôi đã mang lên thành phố kiểm tra đo lường rồi.”