Bà nội Đỗ không vui: “Tao không có!” Còn trẻ như vậy mà đã nhắm vào tiền của bà rồi! Tay chân lành lặn, mà sao không ra ngoài tìm việc làm? Thời buổi này, công việc chính thức thì khó kiếm, nhưng việc làm thời vụ vẫn còn nhiều, chỉ là lương ít hơn, việc lại khá nhiều.
Không có thì thôi vậy.
Đỗ Tư Khổ đi vào bếp tìm mẹ. Lúc này mẹ cô hẳn đang nấu cơm tối.
“Mẹ, có thư của mẹ.”
“Thư của mẹ?” Mẹ Đỗ lấy làm bất ngờ. Bà đổ thêm nước vào nồi rồi đậy nắp lại, dùng tạp dề lau tay rồi mới nhận thư.
Vừa nhìn thấy thư gửi từ đại đội Ngũ Câu, huyện Tùng thì liền vội vàng mở ra.
Là em gái ruột của bà lấy chồng ở nơi khổ cực đó.
Đang yên đang lành có hộ khẩu thành phố, lại cứ sống chết vì một người đàn ông mà gả vào vùng núi. Dù nơi đó chỉ là một ngôi làng, không hẳn là vùng sâu vùng xa, nhưng cũng chẳng hơn được bao nhiêu.
Mẹ Đỗ từng học tiểu học, cũng biết chữ.
Đỗ Tư Khổ chẳng tò mò nội dung bức thư.
Theo ký ức mà cô có được, sau này Vu Nguyệt Oanh sẽ đến ở nhà họ Đỗ. Nhà họ Đỗ giúp bà ta làm tạm trú, còn nhường chiếc giường tầng rộng một mét duy nhất của Đỗ Tư Khổ cho bà ta ngủ.
Còn về phần "Đỗ Tư Khổ" thì sao? Phải sang nhà họ Thẩm bên cạnh để "ở nhờ". Nhưng không thể ở không, cô phải giúp giặt đồ, nấu cơm, lau bàn, quét dọn…
Mẹ Đỗ đọc thư, lúc vui lúc buồn.
“Con tư, lát nữa con qua nhà dì Lưu (mẹ của Thẩm Dương) mượn nửa cân phiếu thịt, nói với dì ấy là tháng sau khi cha con có phiếu thịt thì mẹ sẽ trả…”
Hử? Người đâu rồi?
Mùi gì thế này?
Nồi cháy mất rồi!
Mẹ Đỗ vội nhét thư vào túi, thêm nước vào nồi.
Đỗ Tư Khổ lúc này đã quay về phòng.
Cô ở căn phòng phía tây.
Vào tháng bảy, tháng tám, mặt trời chiếu thẳng vào phòng, đến tối vẫn hệt như lò lửa, suốt cả mùa hè người cô nổi đầy rôm sảy. Cũng may bây giờ đã là tháng chín nên trời mát hơn rồi.
Mở cửa sổ ra, bên ngoài có gió thổi vào, khá dễ chịu.
Đỗ Tư Khổ leo lên giường tầng, nhắm mắt nằm xuống.
Người bệnh mà, phải nghỉ ngơi.
Cô còn ba hào trong tay, chẳng mua được gì ra hồn. Nếu chuyển vào ký túc xá nhà máy, phải sắm không ít thứ, ít nhất trong bột giặt hay xà phòng cũng phải có một trong hai. Bàn chải có thể mang từ nhà đi, nhưng kem đánh răng phải tự lo. Chậu rửa mặt thì cũng phải có, bình giữ nhiệt hiện tại miễn cưỡng bỏ qua được, nhưng đến mùa đông chắc chắn phải có.
Quần áo, giày dép thì khỏi nói, trong cốt truyện cô toàn mặc đồ bỏ đi của em chồng, rách thì vá lại cho cô mặc.
Theo lý mà nói, ông bà nội có lương hưu, cha lại là công nhân đường sắt – đơn vị đường sắt có chế độ đãi ngộ không tệ, nhà cô lẽ ra không đến mức nghèo đến nỗi không mua nổi quần áo mới cho con cái.
Mà trong ký ức của Đỗ Tư Khổ, đã nhiều năm cô chưa từng mặc đồ mới.
________________________________________
Bên ngoài.
Bà Trương dẫn cháu trai đi một vòng quanh bếp nhà họ Đỗ, sao chẳng ngửi thấy mùi thịt gì cả?
“Tiểu Hoàng, trưa nay nhà ăn hết thịt rồi à?”
Vừa nói vừa nhìn vào nồi.
Mẹ Đỗ (Hoàng Thải Nguyệt) nói: “Hết rồi, đã ăn từ trưa rồi.” Một cân thịt được có bao nhiêu đâu? Em chồng bà lại chẳng khách sáo gì, ăn hết tám miếng, chẳng còn lại bao nhiêu, mà buổi tối cả nhà còn cần phải ăn nữa.
Mẹ Đỗ không phải người keo kiệt, nhưng thịt và bột mì đúng là tiếc không dám cho người ngoài ăn.
Bà Trương không đi ngay, đợi mẹ Đỗ mở nắp nồi.
Đến khi thấy trong nồi chỉ có một nồi cà tím bị cháy khét, bà ta mới dẫn cháu trai rời đi.
[ĐỀ CỬ TRUYỆN ĐỂ MÌNH CÓ ĐỘNG LỰC DỊCH TIẾP NHÉ]