Vợ Tôi Tranh Giành Thiên Hạ

Chương 1: Tạ Nhượng

“Biểu ca, huynh định nhận Diệp cô nương và thành thân với nàng ta thật đấy à?

Tuyết đầu mùa bất ngờ ập đến, tuyết bay lả tả đầy trời, đất trời mù mịt chẳng thấy rõ ràng. Trên con đường vắng bóng người, một chiếc xe lừa có ô che lăn bánh dọc theo đường núi, bánh xe nghiền trên tuyết mỏng để lại hai vần bánh, rất nhanh lại bị tuyết phủ kín.

Thanh niên đánh xe tuấn tú ôn hòa, hắn khoác áo tơi, nghiêng người ngồi trên càng xe. Hắn không đáp lời biểu đệ, chỉ lắc dây cương, thúc xe lừa nhanh hơn.

Trời đã về chiều, trước không thôn sau không tiệm, bọn họ phải tìm được chỗ nghỉ chân trước khi trời tối, nếu không e rằng họ sẽ chết cóng.giữa gió tuyết mất. Dọc đường này bọn họ gặp không ít nạn dân, có xác người chết đói dọc đường là chuyện thường tình.

Những nạn dân này bị loạn binh và thiên tai phương Nam ép chạy nạn tới đây. Họ đói rét lầm than, chỉ cần sơ sẩy một chút là sẽ hóa thành giặc cướp. Theo kế hoạch, hai ngày trước bọn họ đã đến nơi, nhưng đường sá không yên ổn, lại gặp trận tuyết này, đành phải trì hoãn.

Chu Nguyên Minh không nghe tiếng đáp lại, y bèn thò người ra khỏi xe ngựa nói: "Biểu ca, huynh chẳng lo lắng gì sao? Diệp cô nương kia ra sao, xinh hay xấu, tính nết hung dữ hay nhu mì, huynh chưa từng gặp mặt nàng. Vốn còn tưởng rằng hôn ước này chỉ là hư danh, biểu ca, ta nói cho huynh biết, lúc chúng ta sắp đi, lão thái thái nhà huynh còn cố ý hỏi, bà ấy nói..."

"Nguyên Minh!" Tạ Nhượng ngắt lời y, hắn lạnh nhạt nói: "Ngoài kia gió lớn, sao đệ lắm lời vậy?"

Chu Nguyên Minh lạnh đến rụt cổ, y chui vào trong xe, nhưng rất nhanh lại vén màn xe thò đầu ra, y vẫn chưa từ bỏ ý định mà nói: "Nhưng mà, biểu ca, nghe nói Diệp cô nương kia mới mười bốn tuổi..."

"Hôn sự này năm xưa tổ phụ đã định." Tạ Nhượng bình tĩnh nói: "Nay tổ phụ đã quy tiên, chỉ cần nhà họ Diệp không hối hôn, tất nhiên ta sẽ cưới nàng."

Chu Nguyên Minh định buông rèm xuống, Tạ Nhượng lại quay đầu dặn dò: "Còn nữa, đệ nhớ cho kỹ, cho dù Diệp cô nương nhỏ tuổi hơn đệ, nàng cũng là thê tử chưa qua cửa của ta, đệ gặp mặt phải gọi Diệp tỷ tỷ, không được vô lễ."

"...Biết rồi." Chu Nguyên Minh muốn nói lại thôi, nhưng cuối cùng y vẫn ngoan ngoãn đáp.

Tạ Nhượng liếc Chu Nguyên Minh, không nói thêm gì. Biểu đệ này của hắn mới mười lăm tuổi, tuổi còn nhỏ, nhưng hẳn là hiểu chuyện.

Tạ Nhượng và Diệp cô nương là thanh mai trúc mã, từ nhỏ đã định hôn ước. Khi đó Diệp cô nương vừa chào đời, Tạ Nhượng mới bốn tuổi.

Nhà họ Diệp ở Tuyên Châu Giang Nam xa xôi, tổ phụ Tạ Nhượng khi đó là Tri phủ Tuyên Châu, nhà họ Diệp là thế gia vọng tộc địa phương, hai bên có giao hảo. Một hôm Tạ Tín trò chuyện với gia chủ nhà họ Diệp, nghe nói nhà họ Diệp vừa có tiểu tôn nữ do chính thất sinh ra. Tạ Nhượng bốn tuổi đã tỏ ra thông minh, ôm bút mực, miệng lẩm nhẩm đọc Tam Tự Kinh đi ngang qua thư phòng của tổ phụ, Tạ Tín bèn chỉ vào Tạ Nhượng, mỉm cười nói hai nhà nên kết thông gia.

Gia chủ nhà họ Diệp tất nhiên không phản đối, hai người liền định hôn ước.

Nào ngờ chưa được nửa năm, tổ phụ được quý nhân đề bạt, lên kinh thành nhậm chức. Mười năm sau đó, quan lộ của tổ phụ hanh thông, thăng quan tiến chức, từ tri phủ tòng tứ phẩm, lên đến nhị phẩm Hộ bộ thượng thư, trở thành trọng thần triều đình.

Từ đó, hôn ước này của nhà họ Diệp trở nên vi diệu.

Cảnh còn người mất, một nhà thân sĩ ở chốn quê mùa, sao sánh được với phủ Thượng thư, lại thêm đường sá xa xôi từ Tuyên Châu đến kinh thành, mười năm qua hai nhà cũng ít người qua lại.

Có thể nói, hôn ước này còn hay mất, đều do tổ phụ Tạ Tín quyết định.

Cho đến bốn năm trước, Tạ Tín bị cuốn vào vòng xoáy quyền mưu chốn triều đình, đứng sai phe trong cuộc tranh giành quyền lực, bị xét nhà, rất nhanh đã chết oan khuất trong ngục.

Tạ Tín vừa mất, nhà họ Tạ như cây đổ, chỉ một đêm, phủ Thượng thư sụp đổ, con cháu làm quan bị tống ngục, người nhà bị đày đến Lĩnh Nam.

Năm đó Tạ Nhượng mười bốn tuổi, cùng người nhà lên đường đi đày. Đi hơn hai tháng, chưa đến nửa đường, lão hoàng đế băng hà, tân hoàng lên ngôi, đại xá thiên hạ.

Ngôi vị của tân hoàng có phần bất chính, ngài muốn lấy tiếng nhân từ nên đặc biệt ân xá, hạ chỉ tha tội cho Tạ gia, cho phép người nhà trở về cố hương.

Tạ Nhượng không phải chịu cảnh lưu đày nữa, nhưng sau phen biến cố này, người già trẻ nhỏ đều chết, bệnh tật liên miên, đi hơn nửa năm mới về đến quê nhà Lăng Châu. Mẫu thân Tạ Nhượng không chết trên đường lưu đày, nhưng lại bệnh mất trên đường về Lăng Châu, phụ thân hắn sớm đã bị xăm chữ lên mặt, Tạ Nhượng mười bốn tuổi trở thành người gánh vác trọng trách gia đình.

Tình cảnh đổi thay, gia cảnh nhà họ Tạ trở nên khó khăn. Sau khi nhà họ Tạ xảy ra chuyện, hai nhà đã cắt đứt liên lạc, Tạ Nhượng vốn nghĩ, nếu hai bên đã ngầm đồng ý không nhắc lại, hôn ước này xem như bỏ đi.