Nhục Cốt Phàn Lung

Chương 6

Anh trầm ngâm trong giây lát, rồi đáp: “Đúng là không phải thật.”

Cậu thanh niên kia vốn đang muốn tìm kiếm sự đồng tình, nào ngờ lại nghe một điều trái với mong muốn, thế là lại bắt đầu nổi giận: “Không phải Quế Lâm thì là ở đâu?”

Trần Tông đáp: “Sán Đầu.”

Cậu thanh niên kia lập tức phản bác lại: “Vớ va vớ vẩn! Anh tưởng tôi chưa đến Sán Đầu bao giờ sao? Nếu đúng thật là Sán Đầu, vậy thì tôi sẽ tặng anh cái đầu này luôn đấy!”

Trần Tông cũng chẳng thèm tức giận, nằm xuống giường: “Cậu chơi online hay tải app về chơi đấy? Có phải Sán Đầu hay không, chẳng phải trả lời thì sẽ biết ngay thôi sao?”

Mấy giây sau, ở giường đối diện phát ra tiếng tiền chảy vào khiến người nghe cảm thấy sung sướиɠ.

Trần Tông nhủ thầm trong lòng, mấy trò giải đố này anh nắm rõ trong lòng bàn tay, chắc hẳn cậu ta đang chơi trò “Mê lộ”, hơn nữa level vẫn còn khá thấp: Thường thì trò này mỗi khi đoán đúng sẽ có tiền từ trên rơi xuống, còn đoán sai thì sẽ xuất hiện một chiếc búa đè bẹp nhân vật ảo trong trò chơi.

Sau tiếng tiền rơi xuống kia, sự yên lặng bao trùm trong khoang tàu.

Một lúc lâu sau, cậu thanh niên mới quay sang hỏi Trần Tông, lúc này cũng chẳng còn vẻ tức tối như ban nãy nữa mà thay vào đó là ánh mắt ai oán, giọng điệu cũng trở nên ỉu xìu: “Tại sao chứ? Anh, tại sao lại thế?”

Vừa nãy, cậu ta nói năng chẳng thèm để ý lớn nhỏ, Trần Tông rất muốn ngó lơ cậu ta, nhưng là một người được Trần Thiên Hải dạy chơi giải đố từ nhỏ, anh rất hiểu cảm giác khó chịu khi không biết được lý do.

Thế là Trần Tông ngồi dậy, lấy bút và sổ tay trong balo ra, đặt trên bàn nhỏ trong toa tàu, sau đó viết một dòng chữ.

Cậu thanh niên vội vàng rướn người nhìn sang.

Non nước/ đẹp nhất thiên hạ.

Trần Tông nói: “Tôi biết cậu sẽ nghĩ đến câu “Non nước Quế Lâm đẹp nhất thiên hạ”, nhưng đây là ngạn ngữ, không phải câu đố. Câu đố thường sẽ không đơn giản như vậy, trong “Văn Tâm Điêu Long (*)” cũng có nói…”

(*) Đây là một tác phẩm vào thế kỷ thứ 5, nói về nét đẹp của văn học Trung Hoa, được chắp bút bởi Lưu Hiệp, sáng tác ra 50 thiên theo các quy tắc của số học và bói toán được tìm thấy trong Kinh Dịch.

Ban đầu, Trần Tông còn định sẽ “nói có sách, mách có chứng”, nhưng nghĩa lại thì thôi vậy, cá là cậu nhóc này cũng chẳng hiểu gì đâu.

Cậu thanh niên này lại rất giỏi trong việc phát hiện vấn đề: “Sao đằng sau chữ “nước” lại có dấu gạch sổ thế?”