Quán Mì Nhỏ Ở Biện Kinh

Chương 3

Hơn nữa, theo luật Tống, nếu phụ nữ bị ruồng bỏ mà không phải do chủ động bỏ chồng, thì không cần chịu phạt hay bị giam cầm. Việc đòi lại của hồi môn cũng không bị xem là đáng trách, ngược lại, nếu nhà chồng cố tình chiếm đoạt của hồi môn, sẽ bị thiên hạ khinh bỉ. Dù có kéo nhau lên quan đường, quan lại cũng khó lòng thiên vị cho những gia đình tham lam như vậy.

Đã như thế, nàng đương nhiên không giống nguyên chủ, không thể để mình chịu thiệt thòi. Vinh gia ấy à, tốt nhất là nên bị lột một lớp da cho đáng đời!

Vinh đại lang là một kẻ nhu nhược, chỉ biết nghe theo mẹ, để mặc mụ ta chèn ép vợ mình. Trong ký ức của nguyên chủ, Vinh đại lang thậm chí còn thường xuyên ngủ trong phòng của mẹ mình! Hắn không hề làm lụng gì, nếu không phải nhờ cưới được nguyên chủ, làm sao có thể sống thoải mái như vậy?

Thời Tống có tục lệ cưới hỏi với của hồi môn hậu hĩnh. Dù nguyên chủ chỉ xuất thân từ một gia đình tiểu thương, nhưng của hồi môn khi nàng lấy chồng cũng lên tới cả trăm quan.

Chỉ tiếc rằng nguyên chủ quá ngây thơ, không biết giữ chặt của hồi môn trong tay để khiến Vinh ia phải cúi đầu. Ngược lại, nàng ngoan ngoãn đem hết của hồi môn ra lo cho Vinh đại lang ăn học, phụ giúp chi tiêu trong nhà, thậm chí còn tận tâm nuôi dưỡng "con cọp mẹ" kia!

Giờ đây, của hồi môn lấy lại được cũng chỉ là một phần mười, nhưng ít nhất vẫn còn lại hai mươi ba quan tiền, đủ để nàng trở về Biện Kinh. Đúng vậy, nguyên chủ vốn là người Biện Kinh.

Cha mẹ của nguyên chủ từng mở một quán "Cửa hàng bánh canh* phô tử", tức là quán mì theo cách gọi ngày nay, tại Biện Kinh, buôn bán rất phát đạt. Ba năm trước, khi Vinh đại lang thi cử không thành, hắn liền đến Biện Kinh để giao lưu thơ văn, mong tạo dựng danh tiếng.

(*Hán Việt là “thang bính phô tử”; “Bính”: Thức ăn chế biến bằng bột mì đem hấp hoặc nướng chín, thường có hình dạng dẹp, tròn ăn với “thang”: nước canh nóng.)

Một hôm, trong lúc dùng bữa sáng bánh canh tại quán Thẩm Ký, hắn bắt gặp nguyên chủ. Dù nàng chỉ mặc áo váy giản dị, mộc mạc, nhưng vẻ đẹp thanh tao thoát tục của nàng đã khiến hắn xiêu lòng, thế là từ đó cả hai quen biết nhau.

Vinh đại lang cũng có vẻ ngoài khôi ngô, lại giỏi dùng lời lẽ hoa mỹ, lừa gạt gia đình Thẩm thị tin rằng hắn là một kẻ tài hoa nhưng chưa gặp thời, chẳng khác nào Văn Khúc Tinh hạ phàm. Vì vậy, gia đình Thẩm đã đồng ý gả con gái cho hắn.

Ai ngờ, sau khi nguyên chủ theo chồng về Kim Lăng chưa đầy nửa năm, cha mẹ nàng trong một lần đánh xe ra ngoài mua rau và lương thực, lại bị một công tử quyền quý con ông cháu cha mặc áo gấm cưỡi ngựa chạy bừa trên phố đâm phải mà qua đời.

Nguyên chủ vội vã trở về Biện Kinh lo liệu tang sự cho cha mẹ, đồng thời phải sắp xếp chỗ ở cho hai đứa em còn thơ dại. Ba năm trước, em trai Thẩm mới chỉ sáu tuổi, em gái nhỏ chỉ ba tuổi, vẫn là những đứa trẻ ngây ngô, nay đột ngột mất đi cha mẹ che chở.

Nàng vốn định đưa hai em về Kim Lăng cùng mình, nhưng Vinh gia lại nhất quyết không chấp nhận hai đứa trẻ. Mẹ chồng thì trừng mắt lườm nguýt, còn Vinh đại lang thì chỉ cúi đầu im lặng, không nói một lời.

Sau đó, nguyên chủ tự tìm cho mình đủ loại lý do, cho rằng bản thân không thể làm khác được. Phần vì nàng bất lực, phần vì em trai đã nhập học ở Biện Kinh, không tiện chuyển đi. Cuối cùng, nàng đành gửi gắm hai em nhỏ cho nhà bác trai chăm sóc.

Nàng còn tìm người trung gian để cho thuê lại quán bánh canh của gia đình, lấy tiền thuê hàng tháng gửi hết cho bác trai, xem như phí nuôi dưỡng hai đứa trẻ.

Nhưng ngày vui ngắn chằng tày gang. Hai tháng trước, bác dâu Thẩm gia gửi thư đến than phiền rằng người thuê quán Thẩm ký vì bất cẩn khi sử dụng lửa, khiến một đêm nọ xảy ra hỏa hoạn. Tuy lửa không lớn, nhưng quán đã bị thiêu rụi hoàn toàn.