Vấn đề duy nhất chỉ là liệu ông ngoại cô có hiểu được hay không mà thôi.
Dù sao thì với thân phận cao quý của Lão Quân, chắc ông ấy cũng hiếm khi tiếp xúc với những người “bình thường” như ông ngoại cô…
Hoàn toàn không biết mình vừa bị dán mác “người bình thường,” nhân vật tầm cỡ đại sư của Đạo giáo hiện đang chuẩn bị nghiền ngẫm Đạo Đức Kinh một lần nữa.
“Con ra ngoài trước đây.” Nhảy xuống từ lòng ông, Huyền Ngư đi đến cửa, nhưng rồi bỗng dừng lại như nhớ ra điều gì.
“À đúng rồi, ông ngoại. Nếu có thể, ông cho người đóng khung bức thư pháp đó lại nhé.”
Dù đối với cô, đó chỉ là một tấm mực bảo vô dụng, nhưng với Tiết Định Sơn thì lại là chuyện khác.
Dù sao đi nữa, đó cũng là bút tích của Thái Thượng Lão Quân đích thân để lại.
Hai chữ đó ít nhất cũng giúp trình độ thư pháp của ông ngoạinâng lên một bậc.
Tiết Định Sơn ngẩng đầu lên, mỉm cười nói:
“Yên tâm đi, đây là lần đầu tiên con viết chữ bằng bút lông. Ông sẽ giữ lại làm kỷ niệm.”
Huyền Ngư: “……”
Có phải cô nên giải thích một chút không nhỉ?
Thôi, cũng chẳng có gì đáng giải thích cả. Thế này cũng được rồi!
Chỉ trong vòng hai giây, Huyền Ngư quyết định bỏ qua.
Nhìn cô cháu gái một lần nữa đeo chiếc cần câu nhỏ tự chế lên lưng, ánh mắt Tiết Định Sơn xuyên qua sân, dừng lại ở mấy đứa trẻ đang ồn ào náo loạn bên ngoài. Một lúc lâu sau, ông thở dài một tiếng thật sâu.
“Thôi, con bé thích chơi thì cứ để nó chơi đi.”
Nỗi bực bội trong lòng bị ép xuống. Vị lão nhân vốn khó tính, nay bất đắc dĩ lại trở nên "thuận theo tự nhiên", rất nhanh đã chuyển sự chú ý trở lại quyển sách cổ trong tay.
Có lẽ ông cũng nhận ra rằng chí hướng của Huyền Ngư không đặt ở việc học, nên ngoài yêu cầu phải đúng giờ học thuộc lòng và nộp bài tập, mấy năm sau đó, Tiết Định Sơn không ép cô bé phải nghe giảng thêm nữa.
Xuân qua đông tới, chớp mắt đã bốn năm trôi qua.
Huyền Ngư giờ đã bảy tuổi.
Chính vào lúc này, cô mới phát hiện ra một sự thật đau lòng: Hóa ra con người không chỉ phải học ở nhà, mà còn có cả giáo dục bắt buộc của quốc gia.
Khi thầy hiệu trưởng của ngôi Trường tiểu học Hy Vọng duy nhất trong bán kính mười dặm đến tận nhà, không chỉ Huyền Ngư, ngay cả Tiết Định Sơn cũng ngơ ngác một lúc lâu.
Họ hoàn toàn quên mất, trẻ con phải đi học.
Mặc dù thời đại này, các bậc cha mẹ đều đã hiểu được tầm quan trọng của giáo dục, nhưng đó là ở các thành phố lớn. Ở vùng núi hẻo lánh này, vẫn có không ít người vì sợ con cái đi học sẽ làm chậm trễ việc đồng áng nên cố tình không cho bọn trẻ nhập học.