“Thôi được, lần này coi như con miễn cưỡng đạt yêu cầu.”
Biết rằng với một đứa trẻ ba tuổi, nghĩ ra được hai chữ này làm đáp án đã là rất giỏi rồi, Tiết Định Sơn cũng không quá khắt khe.
“Nhưng lần sau không được làm qua loa như vậy nữa đâu.”
Huyền Ngư: “……”
Cô thật sự, đã cố hết sức rồi.
Làm sao cô biết được loài người lại diễn giải quyển sách này theo cách phức tạp như thế cơ chứ!
Thấy nét mặt cô bé có phần kỳ lạ, tưởng rằng cô bị lời mình nói làm tổn thương, Tiết Định Sơn liền đưa tay bế cô bé vào lòng, sau đó bắt đầu tỉ mỉ giảng giải những điều ông đã nghiên cứu suốt bao năm qua:
“Chỉ khi lòng không vướng bận điều gì, con mới có thể thấu hiểu được những điều kỳ diệu mà người thường không nhận ra. Vì vậy, con cần học cách tự kiềm chế, tự hạn chế bản thân. Trời đất vốn dĩ vận hành theo trật tự tự nhiên, chúng ta sống trong đó, nên học cách thuận theo thiên mệnh.”
“Con người biết thế nào là đẹp, từ đó cái xấu mới xuất hiện. Họ hiểu thế nào là thiện, từ đó sinh ra cái ác. Vạn vật trên đời đều có hai mặt đối lập. Dương một mình không thể sinh, âm đơn độc không thể trưởng. Chỉ khi âm dương hòa hợp mới là đạo của tu hành…”
Đối với Huyền Ngư và Lão Quân, hai chữ “Đạo” và “Pháp” đã đủ để diễn giải các quy tắc của đại đạo. Họ không cần phải nói thêm điều gì.
Chỉ cần lướt qua, họ ngay lập tức có thể hiểu được tất cả vạn vật ẩn chứa trong đó.
Nhưng với những người tu hành chưa đủ mức như loài người, thì không phải như vậy.
Ngồi yên lặng lắng nghe được khoảng hai phút, trong đầu Huyền Ngư bất chợt nảy ra một ý nghĩ kỳ quặc:
Rõ ràng đây là một quyển sách chỉ cần hai chữ là đủ để khái quát, vậy mà cuối cùng lại phát triển thành hàng ngàn từ.
Ngoài hai chữ “Đạo” và “Pháp”, chẳng lẽ năm nghìn chữ còn lại trong Đạo Đức Kinh là do Lão Tử sợ người khác không hiểu nên cố tình viết thêm?
Nếu đúng như vậy thì…
Quả thực ông ấy rất chu đáo.
Năm phút sau, khi đã giảng đến khô cả cổ, Tiết Định Sơn nhấp một ngụm trà rồi hỏi: “Con hiểu chưa?”
Sau vài giây im lặng, Huyền Ngư quả quyết gật đầu: “Hiểu rồi ạ!”
Nếu sau này có cơ hội, cô nhất định sẽ mời Lão Quân xuống đây giảng một buổi cho ông ngoại mình, để ông hiểu thế nào là “Đại đạo tối giản”.
Ban đầu cô cũng định tự mình làm, nhưng thứ nhất, phương pháp tu luyện ở quê nhà cô vốn thiên về sát phạt, hoàn toàn trái ngược với triết lý hòa hợp ở đây. Thứ hai, cô không biết cách giảng dạy, dù có cảnh giới cao, nhưng việc diễn đạt cảm nhận của bản thân thì cô lại không giỏi chút nào.
Còn Lão Quân, xét cho cùng, cũng có thể xem là nửa vị tổ sư của Đạo gia. Hơn nữa, chuyên môn của ông ấy còn rất phù hợp với Tiết Định Sơn. Những lời ông ấy nói chắc chắn sẽ thuyết phục hơn nhiều.