“……” Tôn Thiết Anh bị nghẹn họng, sắc mặt trở nên cực kỳ khó coi.
Bà có ý tốt khuyên bảo, vậy mà đối phương lại nói những lời như thế, chẳng khác gì biến bà thành kẻ cố tình oan ức người khác.
Tôn Thiết Anh làm công tác phụ nữ đã lâu, đây là lần đầu tiên bị người ta đáp trả thẳng thừng như vậy, thiệt khiến bà mất hết thể diện.
Văn Chiêu Đệ trừng mắt, nói lớn: “Cô nói gì vậy? Ai oan ức cô chứ? Đó vốn là sự thật, chẳng lẽ Đông Đông và Nam Nam lại đi bịa chuyện sao?”
Người ta thường nói trẻ con không biết nói dối, nên những lời chúng nói ra đều được tin tưởng tuyệt đối. Nhưng thực ra, có những đứa trẻ vẫn biết nói dối.
“Con cô chưa từng nói dối bao giờ sao?” Dư Huệ hỏi lại.
“Con tôi đương nhiên…” Văn Chiêu Đệ nói được nửa câu thì khựng lại, lén liếc sang nhìn đứa con trai bảo bối Hồng Binh đang nằm trên giường bệnh bên cạnh, tay vẫn đang truyền nước.
Thằng nhóc này chẳng phải vừa mới lấy trộm tiền cô định đi chợ, sau đó chẳng phải còn đổ lỗi cho chị gái nó lấy hay sao? Kết quả là nó lấy trộm tiền đi mua năm cây kem, ăn đến mức đau bụng nhập viện, giờ mới nằm đây truyền nước.
Hồng Binh còn nhỏ hơn Đông Đông nhà Dư Huệ nữa đấy!
Tôn Thiết Anh không muốn nói chuyện với Dư Huệ thêm nữa. Dư Huệ chính là loại “hòn đá trong hầm cầu,” vừa hôi vừa cứng, chẳng chịu thừa nhận, lại còn đổ lỗi cho người khác.
“Tiểu Dư này, cô đã làm mẹ kế thì phải có trách nhiệm, chăm sóc tốt bốn đứa trẻ thật tốt vào. Nếu còn xảy ra chuyện như hôm nay, tôi sẽ báo lên trên. Tội danh ngược đãi con cái của quân nhân không phải chuyện đùa, tổ chức sẽ không bỏ qua đâu.”
“Nếu cô đã tỉnh rồi thì về nhà đi. Mấy đứa trẻ hiện đang nhà họ Vu đấy.” Nói xong Tôn Thiết Anh cầm chiếc túi đeo chéo màu xanh quân đội trên ghế mặt lạnh rời đi.
Ban đầu bà muốn giữ bà ngoại bọn nhỏ ở lại vài ngày chăm nom bọn họ, đồng thời trông chừng Dư Huệ, nhưng bà ấy cũng phải về quê chăm sóc hai đứa cháu nội của mình nên sáng nay đã rời đi. Thành ra bốn đứa trẻ tạm thời được gửi sang nhà họ Vu bên cạnh nhà của Dư Huệ.
Hồng Binh tỉnh dậy, Văn Chiêu Đệ cũng không buồn để ý tới Dư Huệ nữa.
Dư Huệ nằm trên giường bệnh, cảm nhận ánh mắt khinh bỉ của hai bệnh nhân khác trong phòng, thở một hơi dài mới chậm rãi rời khỏi bệnh viện, dựa vào ký ức của nguyên chủ mà lần mò đường về.
Trên đường đi, cô bị không ít người chỉ trỏ. Rõ ràng câu chuyện về mẹ kế ác độc ngược đãi con cái đã lan truyền khắp đại viện.
Dọc đường, Dư Huệ vừa đi vừa suy nghĩ, bắt đầu tính toán cho tương lai.
Ở thập niên 70 này, một thời đại mà mọi mặt đều tương đối lạc hậu, vật chất khan hiếm, cô – một người phụ nữ nông thôn không có công việc chính thức – nếu ly hôn với Cố Hoài, chắc chắn sẽ phải về quê.
Tuy cô là trẻ mồ côi, lớn lên trong cô nhi viện, thành thạo việc nhà và các công việc thủ công, nhưng chuyện đồng áng, cày cấy thì hoàn toàn không biết.
Hơn nữa, vì nguyên chủ là trẻ mồ côi, ở làng không có đất tự canh tác. Nếu về quê, cô chỉ còn cách đi làm công để kiếm công điểm. Còn việc mình có chịu nổi khổ cực của nghề nông hay không thì cô không dám chắc.
Mặc dù lao động nông nghiệp là vinh quang, nhưng đúng là rất vất vả.
Dù xét về phát triển lâu dài hay trước mắt, việc ở lại đây rõ ràng là lựa chọn tốt nhất.
Ít nhất ở đây, cô không thiếu ăn mặc.
Cố Hoài là một doanh trưởng, hưởng lương cấp 17, mỗi tháng nhận được 101 đồng.
Trong thời kỳ mà mức lương trung bình chỉ khoảng hai, ba chục đồng thì mức thu nhập này thực sự rất cao.
Dù Cố Hoài không thích nguyên chủ, nhưng mỗi tháng sau khi nhận lương, anh đều đưa cho cô 90 đồng, chỉ giữ lại 10 đồng để dùng.
Ngoài ra, mỗi tháng quân đội còn phát một số nhu yếu phẩm sinh hoạt.
Với điều kiện như vậy, hiện tại ở lại đây cô không chỉ ăn ngon, mặc đẹp mà còn có chỗ dựa.
Dư Huệ từ nhỏ lớn lên trong cô nhi viện, đã chịu đủ khổ sở. Ước mơ lớn nhất khi còn bé của cô chính là được ăn thật nhiều món ngon.
Thế nhưng, sau khi đi làm, cô chưa kịp hưởng thụ cuộc sống bao lâu thì mắc bệnh, phải chia tay các món ăn yêu thích, sống những ngày chỉ có thể nhìn mà không thể ăn.