Thời gian thấm thoắt mười ngày trôi qua.
Tin tức từ triều đình truyền đến. Phạm nhân bị tuyên án phải tập trung ngoài cổng thành vào ngày mai, khởi hành vào giờ Ngọ.
Tại Chiếu Ngục, Tạ Dự Xuyên là người cuối cùng nhận được tin. Khi hắn đứng dậy, tiếng xích sắt kêu lách cách vang lên trong không gian lạnh lẽo, từng bước chân nặng nề vang vọng.
Bên cạnh, viên quan áp giải với vẻ mặt không kiên nhẫn, cất giọng hối thúc: “Phạm nhân Tạ Dự Xuyên, Hoàng thượng khai ân cho ngươi được rời khỏi Chiếu Ngục. Đừng không biết điều! Mau nhanh chân lên! Ta cũng không rõ ngươi làm sao mà phúc khí lớn như vậy, có thể sống sót rời khỏi đây”.
“Tạ Dự Xuyên quả thật có phúc lớn”.
Nhưng về “ân điển” mà Hoàng thượng ban, trong mắt hắn, Hạ Hầu Kiệt chẳng hề xứng đáng để nhắc đến.
Với cách đối xử mà Long Khánh Đế dành cho nhà họ Tạ, hắn thề rằng một ngày nào đó nhất định sẽ đích thân đòi lại tất cả.
Khi gông cùm tròng lên cổ, Tạ Dự Xuyên bước lên xe tù. Chiếc xe lăn bánh, từ từ rời khỏi Chiếu Ngục nghiêm ngặt. Tòa ngục tối âm u dần khuất sau lưng, nhưng dáng ngồi thẳng tắp của hắn vẫn giữ nguyên, ánh mắt nhìn về phía trước. Từ phong thái đến cốt cách, hắn đều toát lên khí chất bất khuất của một danh môn trăm năm.
***
Trên phố Ngự Nhai, người dân chen chúc hai bên đường để chứng kiến. Trong đám đông ấy, không ít gia đình quan lại và thương gia cũng hòa vào dòng người, lặng lẽ tiễn đoàn lưu đày.
“Haiz, đáng tiếc thay cho nhiều thế hệ trung lương nhà họ Tạ”.
“Lời này không được nói bừa! Nhà họ Tạ đã bị triều đình định tội. Đánh trận thua mà không bị tru di cửu tộc chính vì Thánh Thượng đã khai ân”.
“Hừ, ngươi thì biết gì? Là nhà họ Tạ muốn thua sao? Chẳng lẽ triều đình không có trách nhiệm gì cả?”.
“Câm miệng! Không muốn sống nữa sao? Đừng nói bậy!”.
“Nghe nói các gia tộc đứng ra nói đỡ cho nhà họ Tạ cũng bị liên lụy”.
“Đúng đúng, ta cũng nghe nói vậy. Đông Bá Hầu và đại nhân Trương của Hàn Lâm Viện cũng khiến Hoàng thượng nổi giận. Hình như cũng có tên trong danh sách lưu đày lần này”.
“Lời này sai rồi. Các ngươi chỉ biết một mà không biết hai. Đông Bá Hầu không chỉ vì nói giúp cho Tạ Quốc công mà đắc tội. Nghe đồn Hoàng thượng muốn chọn phò mã cho công chúa Thiệu Dương, người nhìn trúng thế tử phủ Đông Bá Hầu, nhưng Hầu gia lại nhanh chân để thế tử cưới vợ trước. Ngươi nghĩ Hoàng thượng có thể vui sao?”.
“Cũng dễ hiểu, làm phò mã của công chúa điên như Thiệu Dương chẳng dễ gì. Nhưng còn đại nhân Trương thì chuyện như thế nào?”.
“Ồ, chuyện này… khó nói. Nghe đâu triều đình muốn đại nhân Trương ghi chép vào sử sách việc thần minh nhà họ Tạ chỉ là lời đồn bịa đặt. Nhưng đại nhân Trương lại lấy sử ký của Thái Tổ ra tranh luận, khiến Hoàng thượng tức giận, bèn đày ông ấy lên Mạc Bắc”.
“…”
“Đúng là thời thế điên đảo”.
***
Bên ngoài cổng thành phía Bắc, gió rét buốt thổi qua, lạnh đến cắt da cắt thịt.
Đội vệ binh gác cổng dành riêng một bên cho thân quyến đến tiễn biệt các phạm nhân bị lưu đày. Có người lén lút dúi vài đồng bạc để được đứng gần hơn, còn lính canh thì nhận xong liền mắt nhắm mắt mở, chẳng buồn ngăn cản.
Tả Thị Lang Bộ Lại, Nguyễn Hành Chi, cùng phu nhân Tôn thị và con trai Nguyễn Bùi Ninh đã chờ đợi rất lâu.
Hai cha con vừa hạ triều liền vội vã đến cổng thành, không kịp về phủ thay y phục. Trên xe ngựa, họ đã cởi bỏ triều phục, vừa xuống xe liền chạy tới bên cạnh Tôn thị. Nguyễn Hành Chi lo lắng hỏi: “Đồ chuẩn bị cho A Nam và Duệ ca nhi đã mang đủ chưa? Đường lên Bắc địa lạnh lẽo vô cùng, áo ấm chống lạnh và dược liệu nhất định không được quên”.
Tôn thị khẽ gật đầu, nhẹ giọng đáp: “Đều mang đủ cả rồi. Sáng nay còn dậy sớm làm chút bánh đậu xanh mà A Nam rất thích ăn khi còn nhỏ. Nhưng đã đến gần giờ Ngọ, sao họ vẫn chưa tới?”.
Tôn thị ngẩng đầu nhìn vào bên trong cổng thành. Lác đác vài phạm nhân đã được dẫn ra gặp thân nhân, nhưng người nhà họ Tạ vẫn chưa thấy bóng dáng đâu.
Không nhịn được, bà sốt ruột quay sang hỏi chồng và con trai: “Chẳng lẽ triều đình lại đổi ý, muốn xử tử cả nhà họ Tạ sao?”.
Tiểu Nguyễn đại nhân trấn an mẹ mình: “Nương, đừng lo lắng, đại tỷ và mọi người sắp đến rồi”.
“Được, được”.
Đôi mắt Tôn thị đỏ hoe, siết chặt bọc hành lý đã chuẩn bị sẵn trong tay.
May mắn không lâu sau, đoàn người nhà họ Tạ cũng ra khỏi cổng thành. Hai mươi mấy người, mỗi người đều mang gông cùm trên cổ, bước đi nặng nề. Dẫu quần áo rách rưới, tóc tai bù xù, nhưng ánh mắt của họ không hề lộ vẻ cam chịu hay suy sụp.
Nguyễn đại nhân từ xa nhìn lại, trong lòng không khỏi cảm thán nhà họ Tạ quả nhiên không hổ danh danh môn trăm năm, dù trong cảnh lao ngục vẫn giữ được khí chất kiêu hùng.
Khi ánh mắt ông dừng lại trên người con gái Nguyễn thị và đứa cháu ngoại nhỏ tuổi Duệ ca nhi, ông không cầm được nước mắt, hai hàng lệ dài lặng lẽ tuôn rơi.
“A Nam!”. Tôn thị ôm mặt khóc nghẹn.
Nghe thấy giọng nói quen thuộc, ánh mắt u buồn của Nguyễn thị, con dâu trưởng nhà họ Tạ, bỗng sáng lên!
Nhìn theo hướng giọng nói, nàng nhận ra cha mẹ và em trai đang đứng đó. Trong khoảnh khắc, nước mắt nàng rơi như mưa, bàn tay đang nắm lấy con trai nhỏ run lên không ngừng.
“Nương —”.
Tạ lão phu nhân cũng nhận ra người nhà họ Nguyễn. Bà quay đầu, dịu dàng nói với Nguyễn thị: “A Nam, dẫn Duệ ca nhi qua đó đi”.
Đại phu nhân Chu thị cũng nhẹ gật đầu, khích lệ con dâu: “Đi thôi”.
Nguyễn thị nắm tay con trai Tạ Gia Duệ chậm rãi bước về phía cha mẹ mình. Những người khác trong đoàn đều dõi theo, ánh mắt tràn đầy hâm mộ. Ánh mắt mong mỏi của họ cũng lướt tìm trong đám đông, hy vọng nhìn thấy bóng dáng người thân. Nhưng niềm mong chờ dần dần bị thay thế bằng sự thất vọng.
Không phải ai cũng may mắn như Nguyễn thị.
Cha mẹ Nguyễn thị ôm lấy con gái và cháu ngoại, lòng đau xót khôn cùng. Tôn thị run rẩy vuốt ve đôi tay nứt nẻ của con gái, nước mắt tuôn rơi không ngừng: “A Nam, con chịu khổ quá rồi. Giờ phải làm sao mới tốt đây?”.
“Nương, đừng khóc, A Nam vẫn ổn”.
“Làm sao bây giờ? Con và Duệ ca nhi không thể không đi Bắc địa được sao?”.
“Phu nhân!” Ông gấp gáp cắt lời vợ, lo rằng những lời nói ra sẽ chỉ khiến con gái thêm khó xử.
Phu nhân Tôn thị lau nước mắt, nghẹn ngào nói: “Mẹ biết, mẹ biết mình không nên nói vậy. Nhưng mẹ không đành lòng...”
Nguyễn đại nhân thở dài, nhẹ nhàng vỗ vai con gái, rồi cúi xuống nhìn cháu ngoại: “Gia Duệ đi cùng mẹ nói chuyện với ngoại tổ mẫu* nhé”.
(*Ngoại tổ mẫu: Cách gọi bà ngoại ở Trung Quốc thời xưa)
“Vâng, ngoại tổ phụ*, Gia Duệ biết rồi ạ”.
(*Ngoại tổ phụ: Cách gọi ông ngoại ở Trung Quốc thời xưa)
Nguyễn đại nhân xoa đầu cháu ngoại với ánh mắt đầy yêu thương, sau đó bước đến trước Tạ lão phu nhân, chắp tay cúi mình hành lễ: “Tạ lão phu nhân, Nguyễn mỗ bất tài, không thể che chở cho nhà họ Tạ. Đường xa vạn dặm, mong lão phu nhân bảo trọng”.
Người nhà họ Tạ cùng Tạ lão phu nhân cúi người đáp lễ.
“Nguyễn đại nhân nói quá lời rồi. Ngài hôm nay thật sự không nên đến đây, e rằng chẳng mang lại điều gì tốt cho nhà Nguyễn”. Tạ lão phu nhân cảm kích nói.
Nguyễn Hành Chi không để tâm, khẽ cười: “Không sao, công việc vặt vãnh ở Bộ Lại khiến người mệt mỏi, đâu bằng sự thanh nhàn khi giảng dạy tại thư viện”.
Tạ lão phu nhân nhíu mày khẽ, trong lòng hiểu rằng nhà họ Tạ suy yếu đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến những người xung quanh.
Nhìn thấy vẻ áy náy của bà, Nguyễn Hành Chi nhẹ giọng an ủi: “Tòa nhà lớn sụp đổ, một thân cây cũng không thể chống đỡ. Quân tử không đứng dưới bức tường sắp đổ, Nguyễn mỗ chỉ thuận theo thời thế mà thôi. Lão phu nhân không cần bận lòng. Nhưng A Nam từ nhỏ được nuông chiều, nay phải chịu đường xa cực nhọc, phu nhân nhà ta đã chuẩn bị thêm ít y phục và thuốc men, mong lão phu nhân đừng từ chối”.
“Dệt hoa trên gấm thì dễ, nhưng đưa than giữa trời tuyết mới khó. Nguyễn phu nhân đã nhọc lòng rồi.” Tạ lão phu nhân xúc động nói, ánh mắt đầy cảm kích. “Nguyễn đại nhân yên tâm, nhà họ Tạ tuy gặp nạn, nhưng con cháu vẫn luôn đùm bọc lẫn nhau. Chúng ta nhất định sẽ chăm sóc tốt cho A Nam và Duệ ca nhi”.
Nguyễn đại nhân đỏ hoe, mắt nghẹn ngào gật đầu.
Làm cha mẹ, điều mong mỏi duy nhất chẳng qua là con cái được bình an.
Không có chồng và con trai ở bên, Tôn thị dằn lòng rất lâu, cuối cùng vẫn không kìm được, nhỏ giọng nói với con gái:
“A Nam, hay con mang Duệ ca nhi về nhà mẹ đi?”.
Nguyễn thị ngước lên, đôi mắt đẫm lệ nhưng ánh nhìn kiên định. Nàng khẽ lắc đầu: “Nương, A Nam không thể rời khỏi nhà họ Tạ. Phu quân đã mất, nhưng Duệ ca nhi vẫn ở đây. Dù còn nhỏ, nó vẫn là con cháu nhà họ Tạ. Con trai nhà họ Tạ chỉ có thể chết trên chiến trường, không thể trốn chạy. Từ khi con gả vào nhà họ Tạ, họ chưa từng bạc đãi con. Phu quân lại càng yêu thương con hết mực. Nay nhà họ Tạ gặp nạn, cũng chính là con gặp nạn. Sóng to gió lớn đến đâu, con cũng không sợ. Hơn nữa, Duệ ca nhi còn có lục thúc ở bên, mẹ hãy yên tâm”.
Nhìn ánh mắt kiên quyết của con gái, Tôn thị hiểu rằng mình không thể thay đổi ý định của nàng, liền không nói thêm gì nữa. Bà chỉ lẳng lặng đưa bọc hành lý trên tay cho con: “Phía bắc giá rét, trên đường con nhất định phải bảo trọng. Mẹ còn chuẩn bị thêm ít bạc. Nhà họ Tạ nhiều người già yếu, lúc cần thiết đừng tiếc mà dùng. Chỉ cần mọi người còn sống là điều quý giá nhất”.
Nguyễn phu nhân chỉ cảm thấy lời dặn dò vẫn chưa đủ, trong lòng lo lắng không yên. Nguyễn Bùi Ninh bước tới, khom lưng bế cháu ngoại Tạ Gia Duệ lên.
“Duệ ca nhi, cháu có muốn theo cữu cữu* về phủ Thị lang không?”.
(*Cữu cữu: Cách gọi cậu ở Trung Quốc thời xưa)
Lời này tuy hỏi đứa trẻ, nhưng cũng là nói để trưởng tỷ Nguyễn thị nghe.
Tạ Gia Duệ ngước nhìn mẹ mình, đôi mắt thơ ngây. Dẫu chưa đủ lớn để hiểu hết những mối quan hệ của người lớn. Nhưng chỉ cần mẹ chưa gật đầu, cậu sẽ không tùy tiện trả lời, dù người hỏi là cậu ruột mà cậu rất yêu quý.
Nguyễn thị nhìn em trai, khẽ nói: “Đệ hãy giúp ta chăm sóc tốt cho phụ thân và mẫu thân”.
Nguyễn Bùi Ninh gật đầu đồng ý.
“Tỷ, nghe nói thần minh nhà họ Tạ đã hiển linh. Chuyện này có thật không?”.
Nguyễn thị đưa mắt nhìn xung quanh, khẽ rũ mắt, không trả lời.
Hai mẹ con nhìn nhau, Nguyễn Bùi Ninh như ngầm hiểu điều gì, vẻ mặt giãn ra đôi chút. Bên cạnh, Tôn thị lặng lẽ chắp tay trước ngực, âm thầm cầu phúc cho con gái.
Đột nhiên, đám đông quanh đó bắt đầu xôn xao. Có người lớn tiếng hô:
“Đến rồi, đến rồi! Là Tạ Dự Xuyên! Trời ạ, hắn vẫn còn sống!”.
HẾT CHƯƠNG 5