Sống Lại Làm Dâu Thôn Núi

Chương 2

Giai Tuệ còn nhớ, trong giấc mơ vừa rồi, cô vô cùng đau lòng. Nhìn khuôn mặt vốn nên tuổi trẻ phơi phới kia của con gái lại ngập tràn chán nản, cô có rất nhiều lời vọt tới bên miệng. Tại sao con người phải sống? Đương nhiên là vì thế giới này đáng giá. Con gái, con còn nhỏ như vậy, cuộc sống tương lai còn dài như thế, có rất nhiều người và sự vật tốt đẹp đang chờ con đi gặp gỡ đi phát hiện mà! Bé cưng, chúng ta phấn chấn lên có được không...

Nhưng cô lại nghẹn lời, không nói nên một lời nào. Trong ánh mắt gần như đã trở nên lạnh lùng của con gái, sự bi thương, ấm ức và phẫn nộ mà Giai Tuệ kiềm chế đã lâu cũng dâng trào, trong mơ, cô nghẹn ngào gào khóc.

Tại sao con người phải sống, mẹ cũng không biết.

Trong giấc mơ dài đằng đãng mà chân thực kia, La Giai Tuệ đã sống hết nửa đời trước của mình, trải qua rất nhiều cuộc thi đồng thời giành được thành tích xuất sắc, nhưng vẫn không có cách nào đưa ra đáp án chính xác cho câu hỏi này.

Tại sao con người phải sống? Đối với cô mà nói, có lẽ ban đầu là vì muốn thoát khỏi gia đình mục nát kia nên bắt buộc phải cố gắng học hành; sau đó là vì có một gia đình nhỏ ở thành phố, bắt buộc phải chăm chỉ làm việc; sau đó nữa là vì trả nợ, vì mua nhà, vì để Thất Bảo được học ở trường tốt hơn, nhận được nền giáo dục tốt hơn...

Sau này mọi người gọi chung những người như bọn họ là "học sinh nghèo vượt khó". Nhưng rất nhiều người không hề biết bọn họ đã trải qua những gì, phần lớn thời điểm, cuộc đời của những học sinh nghèo như họ không phải là con đường bằng phẳng với nhiều lựa chọn. Có lẽ thời đại sẽ trao cho mọi người rất nhiều cơ hội, nhưng đối với người không có lối thoát mà nói thì luôn chỉ có một hai con đường để lựa chọn.

Nhưng, La Giai Tuệ hơn bốn mươi tuổi ở trong mơ kia có thể nói gì với con gái mười mấy tuổi đây?

Cô chỉ cảm thấy, đã rất lâu rồi cô và Thất Bảo của cô chưa tâm sự với nhau. Công việc bận rộn như vậy, giá nhà cao như thế, bài tập của con nặng như vậy, thời gian quý giá... Có thời gian trò chuyện chi bằng làm thêm hai bài tập, nhận thêm hai công việc để kiếm tiền. Cô liều mạng như vậy chẳng phải cũng là vì để con gái được học ở một trường cấp ba tốt hơn, có một tương lai tốt hơn sao?

Cách chung sống của hai mẹ con cô được hình thành từ các loại quát mắng và thúc giục. "Mặc quần áo nhanh lên! Sao mà lề mề như thế!, "Đề này đã làm đến lần thứ ba rồi, tại sao vẫn không biết làm?", "Ăn táo đi! Lớn vậy rồi còn kén ăn!", "Cô giáo nói con không tập trung trong giờ học, có chuyện gì vậy?"...

Khi Thất Bảo vừa chào đời, La Giai Tuệ cảm thấy con gái là món quà tốt nhất mà ông trời đã ban cho cô, là sự bù đắp cho những cực khổ mà khi còn bé cô phải chịu. Tuổi thơ của cô ngập tràn những trận cãi nhau thậm chí là đánh chửi của cha mẹ, sau khi cha mẹ ly hôn, cô được tòa án phán quyết cho cha, sau khi người đàn ông kia phủi tay đi thẳng, cô bị vứt bỏ ở quê nhà sống một khoảng thời gian cùng ông bà nội. Trong sự mắng chửi của bà nội và lạnh nhạt của ông nội, cô trải qua thời niên thiếu vừa khó xử vừa khó khăn nhất. Nếu như không phải sau đó ông bà ngoại đón nhận cô, bất chấp phản đối đưa cô đi học trung học, rất có khả năng cô sẽ phải nghỉ học từ lúc đó, trở thành một trong những thiếu nữ nông thôn tuổi còn nhỏ đã ra ngoài làm công.

Có thể là do lúc nhỏ trải qua quá nhiều đau khổ, sau khi có con, Giai Tuệ từng thề nhất định phải cho con gái những gì tốt nhất, để con bé lớn lên trong hạnh phúc. Nhưng mà, nhưng mà...

Rốt cuộc là bắt đầu từ khi nào, giữa hai mẹ con cô đã không còn tâm sự, đã không còn thủ thỉ riêng, chỉ có trách móc, phàn nàn và cãi nhau?

Có lẽ vết nứt giữa hai mẹ con đã bắt đầu từ khi Thất Bảo thi cấp hai lần đầu thất bại; cũng có lẽ là sớm hơn, bắt đầu từ khi con học tiểu học mà cha mẹ thường xuyên vắng mặt; thậm chí là đã bắt đầu từ năm hai mươi chín tuổi, khi bọn họ giúp người ta bảo lãnh khoản vay?

Vì trả nợ, cô và Phùng Tiểu Hà bán căn nhà mới mua không bao lâu. Phùng Tiểu Hà không ngừng tăng ca kiếm tiền, còn cô thì ban ngày đi làm, ban đêm thức đêm viết bản thảo kiếm thêm thu nhập. Đến khi khó khăn lắm mới trả hết nợ, ngay sau đó lại phải tích góp tiền mua nhà, tích góp tiền để con học trường tốt, tích góp tiền để con học các loại lớp bồi dưỡng...