Thập Niên 60: Mỹ Nhân Múa Ballet Trong Đại Viện

Chương 7: Em Trai Thối

Ngẩng đầu, mặt mày con nhóc ốm nhom kia hiện vẻ ăn năn, trong mắt cũng hiện vẻ thành khẩn.

Dù sao con cái mỗi nhà đều vậy, không biết làm người, cố chấp một chút cũng là chuyện bình thường, huống chi hôm nay nó cũng phải về quê rồi.

Vương Phân Phương nhận lấy chiếc mũ, thở dài nói: "Tư Vũ, dì biết cháu rất xinh đẹp, tất cả các chàng trai đều thích cháu, theo đuổi cháu, mà cháu thì tâm cao khí ngạo muốn gả vào nhà cao cửa rộng. Nhưng cháu nghe dì khuyên một câu, muốn gả cho những chàng trai như Cao Đại Quang, chỉ dựa vào một chiếc mũ thì vẫn chưa đủ."

Trần Tư Vũ nước mắt như mưa, gật đầu, rơi lệ: “Vâng, dì, cháu sai rồi."

Con bé sắp phải về quê chịu khổ, đã khóc thành như vậy rồi, còn có thể trách nó cái gì nữa?

Tất nhiên là chọn cách tha thứ rồi.

Vương Phân Phương lấy ra một phiếu kẹo 20 xu đi ra: "Cầm lấy, con gái, trên đường đi mua kẹo mà ăn."

Trần Tư Vũ rất xúc động vì mọi người trong thời đại này rất chất phác.

Sau ba lần phỉ nhổ tiểu mỹ nhân, lần này Vương Phân Phương nhìn cô với hai hàng nước mắt thì đã tha thứ cho cô, còn cho phiếu kẹo nữa.

Trần Tư Vũ không phải nguyên thân có thói quen tùy tiện lấy đồ của người khác, cô đương nhiên sẽ không lấy phiếu kẹo của Vương Phân Phương.

Hơn nữa, chồng của Vương Phân Phương làm việc trong hội ủy viên tư tưởng, nếu cô muốn tẩy trắng cho mình, cô bắt buộc phải khiến cho Vương Phân Phương thương hại cô hơn một chút, cho nên Trần Tư Vũ quyết không lấy phiếu, còn diễn đến mức tình ý thắm thiết.

Cô vẫy tay, lệ tuôn như mưa: "Dì Vương, vĩnh biệt dì."

Chỉ là xuống dưới quê thôi mà, cho dù con bé có hơi yếu đuối nhưng cũng không đến nỗi nào.

Sao lại nói vĩnh biệt cơ chứ, con bé này làm sao vậy cà?

Phụ nữ trung niên ấy mà, đừng thấy họ mồm mép điêu ngoa, nhưng họ từng sinh con đẻ cái, dễ mềm lòng lắm.

Vương Phân Phương gấp rồi: “Con bé này, sao lại khóc thành thế này rồi, hồi trước phách lối lắm kia mà, này, chạy chậm chút, cẩn thận té ngã, dưới quê chẳng có thuốc tốt mà dùng, cháu da mỏng thịt mềm chịu không nổi đâu, Tư Vũ…”

Trần Tư Vũ không nỡ lừa gạt tấm chân tình của người dì lương thiện này, càng chạy nhanh hơn.

Nhưng bóng lưng gầy gò đó, trong mắt mấy cô mấy dì càng có vẻ đáng thương.

Nhà của nguyên thân cách đây không xa, ở xưởng Mặc Thủy, phải qua bốn trạm dừng.

Phương tiện trên đường đều là xe tải Đông Phong, dòng người qua lại dập dìu như thoi đưa, tiếng ca hát ầm ĩ vang trời, toàn bộ xe buýt đình trệ.

Trần Tư Vũ – lần đầu tiên có cả hai chân, cũng không cần đi xe buýt, cũng từ chối ngồi xe đạp của mấy cậu chàng muốn theo đuổi mỹ nhân chạy theo cả con đường. Trời cao đất rộng, con đường như nối liền với bầu trời, cô muốn trải nghiệm niềm vui khi đi bằng chính đôi chân của mình.

Ba ruột của cô tên là Trần Gia Tường.

Trong thời kỳ chiến tranh, vợ chết dưới làn bom đạn, ông tìm thấy đứa con gái đang khóc oe oe của mình từ đống đổ nát của cuộc chiến, nhét nó vào tay Phùng Tuệ, rồi quay trở lại chiến trường, miệt mài chiến đấu cho đến khi thắng lợi toàn mặt trận, bởi vì tàn tật nên cũng đổi công việc, làm việc trong xưởng Mặc Thủy.

Rồi ông tái hôn, cưới con gái của một nhà tư bản lớn trong xã hội cũ.

Sau khi tái hôn, ông đón Trần Tư Vũ đến sống cùng mình, nhưng nguyên thân đã quen sống trong khu tập thể, quen có nhà vệ sinh ở trong nhà riêng, chê kiểu ngồi xí xốm như trong khu tập thể của xưởng Mặc Thủy, lại ghét mẹ kế của mình, thỉnh thoảng có đến ở, đến lần nào khóc lần nấy, sau cùng dứt khoát ở nhà ba nuôi trong một thời gian dài.