Giản Minh còn nhớ rằng, để tiết kiệm tiền, cô đã từng làm một việc cực kỳ mất mặt. Gần nhà cô có một siêu thị lớn đang có khuyến mãi, lấy hóa đơn đổi mì sợi. Giản Minh ôm con đứng đợi ở cổng siêu thị, nhìn thấy khách hàng nào làm biếng lấy hóa đơn đi đổi mì sợi, cô liền chạy theo người ta xin hóa đơn đó. Cuối cùng cô đổi được rất nhiều rất nhiều mì sợi, ôm Đông Đông trong lòng, bước thấp bước cao, lấy cái túi to nhất của siêu thị đựng đầy mì sợi tha về nhà, mệt đến đứt hơi. Những gói mì sợi đó, một mình Giản Minh ăn được trong một thời gian rất dài, rất dài. Mỗi ngày, cô đều chuẩn bị cho La Thế Triết và con trai những món ăn đủ rau xanh, thịt, trứng và cá. Buổi trưa khi La Thế Triết không có nhà, hoặc những thời gian anh đi công tác, cô chỉ nấu cho mình một bát mì suông, cho vài giọt nước tương vào cho có mùi vị. Ăn nhiều đến nỗi bị ốm luôn, cho đến tận bây giờ, mỗi lần Giản Minh ngửi thấy mùi mì sợi vẫn còn thấy buồn nôn.
Gần như là một loại bản năng sinh tồn, Giản Minh từ bỏ những yêu cầu cao đối với chất lượng đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, không mua mỹ phẩm và quần áo đắt tiền, ăn những món ăn rẻ nhất, không lãng phí, không kén cá chọn canh, thức ăn thừa mứa của chồng và con trai, cô có thể xúc hết từng thìa, từng thìa cho vào miệng, chỉ cần no cái bụng là được, không cần điều gì khác. Nhưng đối với con trai và La Thế Triết, cô lại chọn những thứ tốt nhất trong phạm vi có thể. Lý do rất đơn giản, con trai còn nhỏ, cần phải nâng niu; La Thế Triết ra vào những nơi sang trọng, cần phải ăn mặc cho chỉnh tề, sạch sẽ một chút mới đi gặp người ta được chứ.
Còn nhớ thời gian La Đông tập đi, Giản Minh mệt đến nỗi lưng đau không đứng thẳng lên được. Buổi tối, để chồng có thể ăn ngay những bữa cơm nóng hổi khi về đến nhà, cô ôm Đông Đông đứng nấu cơm ở bếp. La Đông nghịch ngợm, quậy phá liên tục, cô đành phải thả con trai vào xe tập đi, chẳng hiểu La Đông loay hoay kiểu gì mà cả người lẫn xe cùng té cái rầm, trên đầu u lên một cục, La Đông khóc thét lên, Giản Minh xót xa ôm con vào lòng, khóc hu hu theo con, khóc xong lau khô nước mắt tiếp tục nấu cơm.
Tiền bạc luôn thiếu trước hụt sau, hình như không bao giờ biết thế nào là đủ. Mới đó mà La Thế Hoa đã vào đại học, bà La ướm lời rằng, La Thế Triết và anh trai góp tiền vào đóng học phí cho em gái, Giản Minh không phản đối tiếng nào, không những gửi tiền vào tài khoản đúng thời hạn, đôi khi còn gửi cho Thế Hoa những món quà nho nhỏ mà con gái chắc chắn sẽ thấy thích thú.
Điều đáng được an ủi nhất là, phúc lợi của đơn vị La Thế Triết rất tốt, những thứ như trứng gà, dầu ăn, gạo tẻ, phiếu mua hàng được phát liên tục, còn mỗi lần anh đi họp hoặc học hành, cũng hay mang về mấy món quà lưu niệm, mặc dù toàn những đồ dùng cho nhà bếp, ấm chén pha trà, chăn ga gối nệm, nhưng những món quà nhỏ song thực dụng này đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình nhỏ của họ, đủ để làm cho Giản Minh cảm thấy hân hoan trong lòng. Ừ, thì người nghèo nên chí hướng ngắn.
Vốn nghĩ rằng Đông Đông lớn lên sẽ đỡ mệt hơn một chút, nhưng suy nghĩ này cũng quá ư là ngây thơ. Sau khi thôi nôi con trai, hệ thống miễn dịch có được từ người mẹ cũng hết dần, sức đề kháng kém đi, rất hay mắc bệnh, La Đông cũng không ngoại lệ. Từ ngày đó, Giản Minh cứ ôm con trai, bắt đầu những ngày tháng chạy như thoi đưa giữa nhà và bệnh viện.
Không biết bao nhiêu đêm, con trai sốt cao không hạ, La Thế Triết đi công tác bên ngoài, Giản Minh một mình, vô cùng sợ hãi, nước mắt ròng ròng, ôm Đông Đông chạy vào bệnh viện. Mà TruyenHD cũng chỉ tiêm mỗi một mũi thuốc hạ sốt, hoặc nói với Giản Minh, việc hạ sốt của bé cũng có cả một quá trình, bảo cô đừng căng thẳng quá. Vấn đề ở chỗ, có người mẹ nào không sốt ruột được cơ chứ? Giản Minh ôm con, không dám rời khỏi khu vực khám bệnh, nhiều lúc khẽ hát mấy bài hát của thiếu nhi, dỗ dành Đông Đông quấy khóc ngoài hành lang phòng cấp cứu, cứ như thế hết một đêm dài. Cũng may có một lần, Giản Minh thực sự chống chọi không nổi nữa, thổ lộ với La Thế Triết vừa đi công tác về, thực ra cô nói với giọng rất đỗi bình thường, “Mỗi lần con trai bệnh, em đều rất sợ sẽ không cứu sống được con, nghĩ mà như muốn xé hết cả tim gan.” Cô vừa nói xong, người muốn xé hết tim gan lại là cha nó, La Thế Triết không nói không rằng, ôm lấy Giản Minh, nước mắt lăn dài, hai vợ chồng tinh thần bất ổn, ôm nhau khóc lóc thảm thiết.
Khóc lóc thảm thiết kiểu đó, Giản Minh chỉ cho phép khóc một lần thôi, dè bỉu nó làm nhụt ý chí người khác. Phần lớn thời gian, cô đều mỉm cười với La Thế Triết mỗi lần anh mệt mỏi đi làm về, không biết anh có thích hay không, cô kể một đống truyện cười hòng làm cho anh vui vẻ. Một người từ trước đến nay luôn nghiêm nghị, ít nói ít cười như La Thế Triết bỗng một đêm nào đó trở mình tâm tình, nằm trên giường ôm lấy Giản Minh nói: “Mỗi lần nghe em nói chuyện, đều cảm thấy rất tuyệt, vì giống như được sống lại.” Giản Minh trả lời, hai chữ thôi, “Hạnh phúc.”
Thời điểm đó, cho dù vất vả như thế, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc, bởi vì họ biết họ đang yêu nhau, trái tim của họ hướng về nhau, mỗi một nỗi vất vả đều rất đáng giá. Những tháng ngày vất vả rồi cũng trôi qua, căn hộ đã xây xong, sửa sang lại nội thất, Đông Đông cũng lớn hơn, không hay ốm vặt nữa. Sự cố gắng của La Thế Triết cũng dần dần được đền đáp, được thăng chức và tăng lương, cũng có chút sự nghiệp rồi. Năm Đông Đông lên bốn, đơn vị của La Thế Triết phân xe cho công nhân viên, La Thế Triết thế mà cũng có tiền để đăng ký một suất, những tháng ngày này cũng đã dễ thở hơn đôi chút. Sau đó La Thế Triết nói, Giản Minh à, về quê thăm cha mẹ em đi.
Lời đề nghị của La Thế Triết về quê thăm cha mẹ vợ làm Giản Minh rất vui, xét cho cùng, những chuyện không vui chẳng qua là những buồn phiền nhất thời lúc đó mà thôi, thời gian đã trôi qua rồi, những chuyện không vui rồi cũng sẽ qua, đều là người một nhà, đâu cần phải so đo, tính toán làm gì? Vội vàng chuẩn bị hành lý, La Thế Triết chuẩn bị sẵn rượu ngon thuốc thơm cho cha vợ, lái xe chở vợ con về nhà cha mẹ vợ ăn Tết.
Lần này, thái độ của cha mẹ Giản Minh, khác hẳn hoàn toàn với lần đầu tiên La Thế Triết đến đây, họ dọn dẹp nhà cửa, xịt nước lau chùi sân vườn, ngoài cổng còn treo hai l*иg đèn màu đỏ tượng trưng cho ngày vui, khuôn mặt của cha Giản Minh tràn ngập niềm vui, ra tận đằng xa để đón, gặp ai cũng thông báo, người con rể thành đạt về thăm nhà. Thực ra, chiếc xe La Thế Triết mua rất bình thường, nhưng cha của Giản Minh cứ bắt con rể phải cố gắng lái xe đến đậu trước cổng nhà. Mẹ Giản Minh nói: “Ui chao, lần này cứ gọi là nở mày nở mặt nhá, mấy ngày trước, con rể của ông Triệu nhà trên lái xe về đậu trước cổng nhà, cha con cứ tức điên hết cả người…”.
Đầu óc u mê của Giản Minh vẫn luôn không hiểu được, người ta đậu xe trước cừa nhà thì có gì tốt, nhưng mấy năm nay được rèn luyện quen rồi, dù gì cũng có một chút tiến bộ, phụ họa theo: “Để xem mấy năm tới bọn con có tiết kiệm được tiền mua một chiếc tốt hơn không.” Cũng chỉ nói thế thôi mà cha mẹ mặt mày hớn hở hết cả lên, “Ừ, đổi một chiếc đắt hơn đi.” Giản Minh không biết phải nói tiếp thế nào, chỉ biết bĩu môi cười ngốc nghếch.
Bữa cơm đêm giao thừa, Giản Minh và mẹ cùng vào bếp, cha mẹ Giản Minh còn lì xì cho cháu ngoại một phong bao lì xì dày cộm, sau đó La Thế Triết mừng tuổi cho cha mẹ vợ một bao lì xì to hơn, chẵn bốn vạn tệ tiền mặt, việc làm này La Thế Triết nói với cha mẹ vợ: “Mấy năm nay cha mẹ cũng lo lắng cho bọn con nhiều, chẳng có gì để báo đáp cha mẹ, chút tiền này cha mẹ cầm lấy, đi du lịch cho thoải mái, cứ coi như chút lòng thành của chúng con.”
Bốn vạn, là gấp đôi số tiền hai vạn năm xưa, Giản Minh nhìn thấy nụ cười khiêm tốn, lễ độ của La Thế Triết, ẩn chứa sau đó là ý đồ không trong sáng lắm, khuôn mặt cô bỗng nóng lên từng đợt. Cô nghĩ rằng cha mẹ sẽ cảm thấy mất mặt, lại làm ầm lên không vui vẻ gì, trong lòng căng thẳng chết đi được. Nhưng thực ra cha mẹ Giản Minh chẳng thấy có vấn đề gì cả, nhận lấy số tiền, cười tươi rạng rỡ, bầu không khí rất đầm ấm.