Có lẽ là nhờ đúng mùa, cũng có thể là nhờ lực lượng quần chúng nòng cốt từ lễ hội lẩu ở Đông Thị lần trước, món lẩu ở tất cả các quán chi nhánh đều vô cùng đắt khách.
Thẩm Thiều Quang tận dụng thời cơ, mô phỏng lại tháng cua hồi mùa thu, tổ chức “tháng lẩu”, giơ cao khẩu hiệu “Mỗi ngày ăn, một vị mới”, cũng làm riêng một thực đơn lẩu, đếm qua một chút, đúng thật là có hơn ba mươi loại.
Lẩu của Thẩm Ký đúng là đa dạng thật, nhưng trong này cũng xen vào yếu tố mánh lới.
Trước kia Thẩm Ký đã có sẵn bảy, tám loại nước lẩu, bao gồm các loại canh sữa kinh điển, nước dùng trong vắt, nước hầm hải sản tươi ngon tạo nên thương hiệu, nước hầm đầu cá xương cá, nước hầm nấm, nước hầm táo đỏ câu kỷ tử long nhãn, đến mùa đông năm nay, gia tộc lẩu lại lớn mạnh thêm.
Trong đó có thêm một loại là lẩu dưỡng sinh. Người Đường khá chú trọng dưỡng sinh, chả biết bao nhiêu người hái thuốc luyện dược, đến cả người bình thường cũng thích ăn cơm gạo đen, uống cháo hoàng kỳ.
Cơm gạo đen, còn được gọi là cơm thanh tinh, dùng lá nam chúc giã nát lấy nước ngâm với gạo nếp, sau đó hấp lên – quá trình này rất cầu kỳ, phải “chín ngâm chín hấp chín phơi”. Hạt gạo trải qua quá trình này rồi thì có thể luộc lên ăn, cũng có thể ngâm ăn, có thể coi như đồ ăn liền. Thẩm Thiều Quang đã ăn mấy lần, cảm thấy mùi vị cũng không quá đặc sắc – nhưng mà thực phẩm trị liệu thì thứ quan trọng không phải là mùi vị, không phải Đỗ Phủ cũng đã từng nói sao, “Nào đâu cơm thanh tinh, cho người ta trẻ lại*.”
* Trích “Tặng Lý Bạch (Nhị niên khách Đông Đô)” của Đỗ Phủ, bản dịch của Nhượng Tống.
Thẩm Thiều Quang mời lang trung kê chừng mười thang thực phẩm trị liệu cuối mùa thu đông phù hợp với dân chúng, trong đó có một toa thật sự có nam chúc, vì nó có tác dụng cường gân ích khí, cố tinh trú nhan, quá hợp để bồi bổ thân thể trong mùa đông. Ban đầu Thẩm Thiều Quang còn lo là bỏ thêm lá nam chúc thì nước canh sẽ đen thui, ảnh hưởng tới khẩu vị, nào ngờ mọi người lại tiếp nhận món này khá tốt.
Có thực khách làm thơ khen “Canh sữa câu kỷ nhan như ngọc, nồi cơm thanh tinh sắc như đan”, y như quảng cáo cho sản phẩm làm đẹp vậy.
Ngoài những thứ nước lẩu có tác dụng trị liệu này thì một người xuyên không như nàng, một người đến từ thời đại ớt chiếm hơn nửa nồi lẩu như nàng, nếu không làm ra được một nồi lẩu vị cay thì thật sự không yên lòng nổi.
Thẩm Thiều Quang và Vu Tam thử đi thử lại năm, sáu lần, cuối cùng cũng làm ra được nồi lẩu cay vừa miệng.
Dùng dầu vừng và mỡ gà để chiên hoa tiêu, hành, gừng tạo mùi thơm, thêm các loại hương liệu hạt tiêu, hạt đậu khấu, chiên sơ lên, sau đó thêm thật nhiều tương sẻn và một lượng tương chao, cơm rượu và đường vừa phải vào trộn đều lên, mùi cay thơm nồng sặc mũi sẽ bốc lên cùng với hơi nóng.
Tiểu nhị vừa vào bếp đã hắt hơi một cái, vội vàng chạy ra, mà Thẩm Thiều Quang và Vu Tam đều trang bị khẩu trang kín mít – tất cả đều do A Viên khâu. Bọn họ châm nước hầm vào những nguyên liệu vừa mới rang xong, sau đó dùng vải mỏng lọc bã, lại thêm dầu hoa tiêu nóng hổi, thế là cũng có đôi nét của lẩu cay Tứ Xuyên thời hiện đại.
Vị cay thật đúng là một thứ mùi vị thần kỳ, chỉ cần chạm vào nó, không cần biết nó kí©ɧ ŧɧí©ɧ khoang miệng hay là niêm mạc mũi, trong miệng đều sẽ nhịn không được mà tiết nước bọt.
Vị cay của sẻn lại không giống với vị cay của ớt, nó không bá đạo như vậy, lại có hương vị riêng của mình, cũng có thể khử mùi tanh, thật sự rất hợp với thịt dê và tôm cá nhúng lẩu.
Nhờ chuyện thực đơn lẩu mới mà buổi trưa tất cả mọi người ở quán Thẩm Ký cũ đều được thử món lẩu. Về món lẩu cay này, người thích thì thích chết đi được, người không thích thì phải chạy khắp nơi tìm nước lạnh súc miệng.
Thẩm Thiều Quang từng tiếp nhận sự tàn phá của “quỷ cay”, cảm thấy chút vị cay này chẳng đáng là gì, ăn cũng không tệ, công chúa Vu Tam nhìn thế mà cũng ăn cay khá tốt, bình thường chẳng mấy khi nghe thấy hắn nói một chữ “tốt”, vậy mà lần này lại đánh giá là “cũng rất tốt”, Thẩm Thiều Quang nghe mà cảm động muốn rơi nước mắt. A Viên thì vẫn thuộc phe “cô nương làm gì cũng ngon hết”, mặc dù cũng kêu cay nhưng lại ăn không ít – sau đó buổi chiều phải chạy vào nhà cầu mấy chuyến.
Tình cảnh của A Viên khiến Thẩm Thiều Quang cố ý ghi chú thêm vào thực đơn là “Món lẩu mới này mùi vị rất tốt, nhưng lại kí©ɧ ŧɧí©ɧ dạ dày, chư vị thận trọng trước lúc chọn.”
Nào ngờ lại không ít thực khách có “bệnh trung nhị”, câu này giống như có tác dụng quảng cáo, chủ quán đã nói thế này thì ắt phải nếm thử xem sao… Thế là sau đó mặt mũi đỏ bừng.
* Bệnh trung nhị hay còn gọi là hội chứng hoang tưởng tuổi dậy thì chỉ hội chứng tâm lý thường gặp ở lứa tuổi dậy thì với các triệu chứng như nhút nhát, hướng nội, sợ bị xem là trẻ con, tin vào các sức mạnh siêu nhiên và tự cho là mình có các khả năng đó. Ở đây “bệnh trung nhị” dùng với ý chỉ tâm lý thích phản kháng ở lứa tuổi dậy thì.
Thẩm Ký rất chu đáo, tiểu nhị sẽ dâng cháo gạo thơm lên, không nói là để giải quyết tình trạng lúng túng, chỉ bảo là tốt cho dạ dày.
Ngoài những loại nước lẩu mới này thì Thẩm Ký còn thêm các loại canh thịt đã hầm như lẩu dê, lẩu thịt luộc dưa chua, lẩu gà, lẩu bồ câu, xương xốp thịt mềm, nóng hôi hổi, có thể để nhúng thức ăn mà cũng có thể để ăn luôn. Mùa đông vốn lưu hành các món hầm, nước lẩu thịt hầm kiểu này rất được các thực khách bảo thủ hoan nghênh.
Để phối hợp với khẩu hiệu “Mỗi ngày ăn, một vị mới”, trên bức tường đề thơ trước mỗi quán đều là tranh hoạt hình “Lẩu tranh cãi” – rõ ràng là bị ảnh hưởng bởi tiểu phẩm “Ngũ quan tranh công”.
Mấy nồi lẩu có tay có chân vây quanh nhau.
Một nồi lẩu mặc áo dài sĩ tử “mặt mày thanh tú” nói: “Nước canh ta đây mùi vị tươi ngon.”
Một nồi lẩu mặc áo dài đạo sĩ với chòm râu dài nói: “Ăn ta có thể sống lâu trăm tuổi.”
Một nồi lẩu tròn vo cười híp mắt nói: “Thịt hầm ta đây mới thật là xương xốp thịt mềm.”
Một nồi lẩu mặc váy màu lựu với vẻ ngoài khá xinh đẹp: “Đã ăn lẩu cay ta đây thì không thèm nhìn các ngươi nữa!”
Rõ ràng đều mang hình nồi mà lại đều có mắt có mũi, vẻ mặt sinh động, người thời Đường chưa từng nhìn thấy tranh quảng cáo kiểu này, ai nấy nhìn thấy đều ôm bụng cười.
Đặc biệt là chi nhánh ở Đông Thị, vách tường đề thơ bên ngoài siêu rộng, Thẩm Thiều Quang vì vẽ nó mà tốn không ít công sức. Công sức bỏ ra cũng không uổng, không ít người vì thấy tranh mà vào, vừa vào đã gọi “Cho ta một nồi có thể sống lâu trăm tuổi!” hoặc là “Ta thử món lẩu nhìn xong rồi không muốn nhìn những thứ lẩu khác nữa.”
Thẩm Thiều Quang ngẫu nhiên nghe thấy, khá là đắc ý.
Quán rượu ở Đông Thị mới khai trương chưa lâu, khách khứa lại đông đúc phức tạp, thời gian nàng ở đây trông nom chiếm phần lớn.
Ở đây gặp phải mấy vị cố nhân, ví dụ như vị giáo úy cấm quân từng bỏ hai mươi lạng bạc mua công thức nấu nước ô mai. Hắn đi vào cùng mấy vị đại hán khác, mặc dù đều mặc thường phục nhưng nhìn vóc người dáng đi đã biết ngay mấy người này đều là người trong cấm quân.
Thẩm Thiều Quang đi ra chào hỏi, vị giáo úy kia ngẩn ra, cũng nhớ ra nàng, lại nghĩ tới cái tên “Thẩm Ký” này, thì ra cô nương trước kia còn bày sạp nhỏ giờ đã mở quán rượu lớn ở Đông Thị!
Người cầm đầu trong số mấy người cấm quân nhìn Thẩm Thiều Quang, lại nhìn vị giáo úy kia.
Giáo úy nhẹ giọng nói: “Đây chính là cô nương bán công thức nước ô mai mà chúng ta uống.”
Người cầm đầu mỉm cười: “Cô nương nấu nước ô mai ngon lắm, hai năm nay huynh đệ bọn ta toàn dựa vào nó để giải khát.”
Vị giáo úy kia giới thiệu với nàng: “Đây là Ngô tướng quân.”
Thẩm Thiều Quang vội vàng cúi người với vị tướng quân này, khách khí chào hỏi. Bởi vì chút duyên phận này mà Thẩm Ký tặng mấy món ăn, cũng coi như lại tiếp nối thiện duyên.
Thẩm Thiều Quang còn gặp được tể tướng Lý Duyệt.
Hôm đó là ngày nghỉ, thời tiết khá tốt, đã quá giờ cơm, lão tướng công dẫn hai người nô bộc bước vào.
Thẩm Thiều Quang vốn đang nói chuyện với quản sự ở sau quầy, ngước mắt thấy hắn thì vội vàng mỉm cười đi tới nghênh đón: “Tướng công vạn phúc.”
Lý Duyệt nhớ lại chuyện mình than già, cô nương này đổi cách gọi thành “lang quân”, không khỏi bật cười nói: “Không cần nhìn biển tên Thẩm Ký, chỉ cần nhìn tranh bên ngoài tường đã biết ngay là cô nương Thẩm Ký ở phường Sùng Hiền.”
Thẩm Thiều Quang vội vàng đệm lời: “Tướng công thật tinh mắt.”
Lý Duyệt khẽ gõ đầu nàng, bật cười.
Lý Duyệt không chọn một gian phòng bao mà chỉ ngồi xuống bên bàn cạnh lan can ở lầu hai, Thẩm Thiều Quang tự mình tiếp đãi, dâng nước uống lên cho hắn, đề nghị hắn nếm thử món lẩu nhân sâm hoàng kỳ trong nhóm lẩu dưỡng sinh.
Lý Duyệt gật đầu: “Được.”
Toàn bộ đồ nhúng cũng đều theo đề nghị của Thẩm Thiều Quang, có lẽ ở trên triều cũng là một vị tể tướng có thể nghe lọt ý kiến của người khác.
Lý Duyệt dựa vào lan can, rất hứng thú nhìn màn biểu diễn của hai người diễn trò bên dưới.
Một người trong đó than thở mình làm thơ làm văn không hay, người còn lại nói: “Nhị lang, ngươi đã từng nghe câu “ăn gì bổ nấy” chưa?”
“Cái này thì mỗ biết, ví dụ như bị thương chân thì sẽ ăn các loại chân dê chân lợn để bồi bổ xương cốt.”
“Nếu đã như thế, trong bụng ngươi thiếu mực nước*, cũng có thể lấy nó mà bồi bổ.”
* Mực nước còn dùng để ẩn dụ học vấn, tri thức.
“Nhị lang” kia có vẻ ngạc nhiên lắm: “Mực nước thì làm sao mà ăn được?”
“Ngươi tới quán rượu Thẩm Ký ăn lẩu nam chúc ấy, bên ngoài màu như mực, vừa thơm lại vừa bổ. Chưa biết chừng ngày nào ngươi cũng tới, năm nay lại thi đậu cũng nên.”
Lý Duyệt bật cười, thực khách dưới lầu cũng cười ầm lên, còn có người lên tiếng bảo tiểu nhị: “Nếu năm nay thi đậu thật thì chắc chắn sẽ tới chỗ các ngươi tạ lễ.”
Qua năm mới chính là kỳ thi của bộ Lễ, sau đó là kỳ chọn lọc của bộ Lại, đám sĩ tử tập trung về kinh thành, phần lớn lại ở phường Sùng Nhân gần đây, người vừa lên tiếng hẳn là sĩ tử khoa thi năm nay.
Hiếm thấy một màn hí lộng hợp tình hợp cảnh như vậy, Lý Duyệt cảm thấy cái này tới tám phần mười là do cô nương tinh ranh kia viết ra.
Thẩm Thiều Quang dẫn tiểu nhị bưng nồi và đồ nhúng tới, tự tay giúp đỡ bắc nồi.
“Hí lộng trong quán cô nương hay lắm, lần trước được xem màn biểu diễn hay thế này là trong tiệc hạ chí năm ngoái của thánh thượng đấy.”
Thẩm Thiều Quang cười cong mặt mày: “Hí lộng trong quán sao có thể so với trong cung chứ?”
Lý Duyệt thấy dáng vẻ đắc ý nghĩ một đằng nói một nẻo như vậy của nàng thì càng cười lớn hơn.
Lại nói thêm vài câu về màn hí lộng bên dưới, Thẩm Thiều Quang giúp hâm rượu xong mới lui xuống.
Lý Duyệt lại hơi buồn bã, đột nhiên nghĩ tới nữ nhi mất sớm của mình, nếu A Sướиɠ còn sống thì chắc là lớn hơn cô nương trước mặt này một chút, cũng có thể cùng người cha già này uống chén rượu…
Về chuyện nói sao với Lý tướng công về thân thế của mình, Thẩm Thiều Quang hơi do dự, lại hơi xấu hổ – Lý tướng công là bằng hữu thân thiết của phụ thân lúc sinh tiền, nàng lại gả cho Lâm Yến, muốn lăn lộn trong vòng gia quyến của quan viên kinh thành thì không tiện không qua lại với Lý tướng, nhưng trước kia vẫn chưa nói…
Lúc gặp Lâm Yến, Thẩm Thiều Quang bàn với hắn chuyện này. Lâm Yến cười xoa đầu nàng, tiện tay gỡ cây trâm trên búi tóc, cả mái tóc đen nhánh của Thẩm Thiều Quang đều xõa xuống.
Thẩm Thiều Quang bày ra vẻ hung dữ: “Hôm đó ta say, có phải chàng đã tháo tóc ta xuống không?”
Lâm Yến cười nói: “Lý tướng công là người thoải mái hào sảng, chẳng lẽ lại đi để bụng chút chuyện giấu giếm nho nhỏ này? Hôm đó nàng gặp hắn là lúc hắn vừa từ Sơn Nam Tây Đạo về, cũng chỉ nghỉ được một buổi rồi lại bận rộn. Hội triều năm mới do hắn phụ trách. Chúng ta chờ tới năm mới lại tới nhà hắn bái phỏng, nàng không tiện mở miệng thì để ta nói.”
Thẩm Thiều Quang nghĩ ngợi một lúc: “Thôi, cứ để ta tự nói.”
Lâm Yến ngẫm nghĩ, gật đầu: “Cũng được.”
Lâm Yến lại ngẩng đầu vuốt tóc mai bên trán nàng, tóc A Tề rất đẹp, trơn mềm, êm như tơ tằm.
Cách một chiếc bàn nhỏ, Thẩm Thiều Quang dịch lại gần hắn: “Này, Lâm thiếu doãn, chàng cũng thử đi nếm món lẩu nam chúc của bọn ta đi?”
Lâm Yến cười hỏi: “Sao vậy? Chê trong bụng ta không có mực nước sao?”
Thẩm Thiều Quang nằm nhoài lên mặt bàn, vẻ mặt đùa cợt: “Chàng chỉ biết lẩu nam chúc có thể bổ mực nước, không biết là nó còn có công dụng khác sao?”
Vành tai Lâm Yến hơi nóng lên, trong sách thuốc có nói nam chúc có thể “bổ thận thêm tinh”… Nhìn đôi môi đỏ mọng ngay trước mặt của nàng, Lâm Yến nhếch môi.
“Ý ta là dạo này chàng bận quá, sắc mặt không tốt, nên ăn đôi thứ để bồi bổ cho sắc mặt tốt hơn.” Thẩm Thiều Quang ngồi thẳng dậy, cười như ám chỉ: “Thiếu doãn nghĩ đi đâu vậy?”