Bạn có biết một người hay cãi phải nhịn cãi khó thế nào không? Tống Tri Nam biết.
Bạn có biết một người hay cãi có được một hệ thống cãi nhau thì sẽ xảy ra chuyện gì không? Tống Tri Nam cũng muốn biết.
Trên chiếc giường gỗ rộng vỏn vẹn một mét, chỉ nhúc nhích một tẹo mà đã kêu cót két, Tống Tri Nam đang nhắm mắt lim dim, chìm trong suy nghĩ.
Dân chuyên hẳn nhìn cái là biết ngay: cô xuyên không rồi, xuyên về những năm 1970, còn kéo theo bên mình một hệ thống tranh cãi siêu cấp.
Nghĩ đến hệ thống Tống Tri Nam lại thở dài, tổ chức đây là không định cho mình về hưu à?
Ở thế giới trước, sau khi “xử đẹp” ba ông sếp, Tống Tri Nam từ chức về làm blogger tự do. Chẳng ngờ vì cái miệng không thèm uốn lưỡi, nói toàn sự thật phũ phàng, lại khiến cô nổi như cồn.
Mà người nổi tiếng thì thường lắm thị phi, chỉ vì một lần cô lỡ nói mấy câu về đạo làm mẹ, khiến nhiều cư dân mạng giới tính nam xù lông. Bọn họ ùa đến công kích cô, thế là cô bật chế độ chiến thần xuyên đêm đánh trả lại. Cuối cùng, trận chiến quá ác liệt khiến vài ông trung niên có tiền sử cao huyết áp và tim mạch phát bệnh vì tức, suýt nữa thành ra án mạng.
Sau vụ đó, chị công an nhẹ nhàng bảo Tống Tri Nam: “Internet không phải nơi vô pháp, không phải cứ nói gì cũng được đâu em.”
Tống Tri Nam rất ức, rõ ràng họ gây sự trước! Nếu có bệnh thì cứ nói, cô sẽ nhắc họ uống thuốc trước rồi mới đấm nhau mà. Cứ nhìn mỗi khi cô nói chuyện với ông nội thì biết, trước khi hai người bắt đầu trao đổi cô luôn luôn nhắc ông uống thuốc trợ tim đó thôi.
Cóc ghẻ đớp người lại không cho người đập lại, đúng là nhạt nhẽo. Tống Tri Nam quyết định không cà khịa nữa, tuổi về hưu của cô có thể bị trì hoãn(*) nhưng miệng cô có thể nghỉ sớm rồi.
Cô nói nghỉ là nghỉ thật! Ví dụ như sáng nay bố bảo: "Chuyên gia khuyên buổi sáng không được ăn uống khi bụng đói, càng không được ăn đồ dầu mỡ" – Cô vẫn nhịn không trả treo.
Đã thế cô còn hiếm hoi phụ họa: “Bố nói đúng, chuyên gia càng nói đúng, tinh hoa phì nhiêu như nước sông Hằng. Vậy hamburger với trứng này con ăn nhé, bố không được ăn sáng khi bụng đói mà.”
Trong đôi mắt nho nhỏ của bố Tống có một sự nghi hoặc to to. Con bé này nói sao nghe cứ sai sai nhỉ, nhưng mà ông chưa nghĩ ra sai ở đâu.
Ăn xong, cô mở bí kíp đồ long “Tuyển tập các tác phẩm của Lãnh Đạo” mà bà nội để lại rồi bắt đầu nghiên cứu.
Ở lại trong nước phát triển thì không suôn sẻ, toàn người quá nhạy cảm, đυ.ng vào là thấy bị xúc phạm liền tự nổ oành oành. Họ vừa không biết đùa vừa bày toàn quy định cứng nhắc, không thể thở nổi.
Vì vậy Tống Tri Nam quyết định “ra khơi”, cụ thể là đến châu Phi thử sức.
Nghe nói bên đó tha hồ phát huy tài năng, có một tiền bối từng vừa đi làm, vừa đảm nhận vai trò quân sư cho một bộ tộc, đánh trận nào thắng trận ấy. Tống Tri Nam nghĩ, mình lên thì cũng làm được thôi, cô từng đọc “Binh Pháp Tôn Tử” mà.
Nhưng trước khi đi cô phải trau dồi thêm tư tưởng đã, biết đâu thuận lợi được làm luôn tù trưởng thì sao?
Ai dè, Tống Tri Nam chưa kịp chuẩn bị xong tư tưởng thì đã bị xuyên đến nơi này.
“Nơi này” là một cuốn tiểu thuyết có tên “Cuộc sống mỹ mãn của mỹ nhân trà xanh ở thập niên 70”, mà vai của cô là nữ phụ hạng bét chuyên dùng để làm nền tôn lên nữ chính.
Nữ chính là cục cưng quốc dân, vừa trong sáng ngây thơ, lại vừa duyên dáng khéo léo, ai ai cũng nâng niu như báu vật. Còn cô là cái hố đen vũ trụ, luôn xui xẻo bất hạnh, ai ai cũng ra sức dẫm đạp không thương tiếc.
Nữ chính có chuyện tình đẹp mộng mơ với nam chính, sống đời như tiên. Còn cô thì cưới phải một gã cặn bã, thoát ra được rồi, tái hôn thì đâm vào một tên xảo quyệt, cả cuộc đời đầy nước mắt.
Tống Tri Nam nhăn trán cố hồi tưởng nội dung cốt truyện. Nhưng xui xẻo là vì thói quen đọc lướt nên cô chỉ nhớ được đại khái nội dung và vài đoạn vụn vặt, còn lại thì mù tịt. Chắc chỉ có thể chờ đến khi đυ.ng vào tình huống cụ thể thì mới gợi ra được.
Thôi kệ, không nhớ thì thôi, bây giờ lo chuyện trước mắt đã. Giờ tình hình hiện tại của cô là gì nhỉ?
Nguyên chủ cũng có tên là Tống Tri Nam, là con thứ tư trong nhà. Trên có hai chị gái và một anh trai, dưới có một cậu em út. Tên các anh chị em lần lượt là Tống Tri Xuân, Tống Tri Hạ, Tống Thu Thực, và Tống Đông Bảo.
Cô bị đặt tên là Tống Tri Nam vì bố mẹ thấy nhà quá nhiều con gái. Ngày xưa các cụ dạy “đa tử đa phúc” thì dù sao cũng chỉ tính “tử” – con trai mà thôi.
Vì vậy lúc nguyên chủ chào đợi họ định đặt tên cô là “Tri Nan”(**) với hàm ý mong con gái biết khó mà lui, đừng đầu thai vào nhà này nữa. Nhưng khi làm hộ khẩu, cán bộ đăng ký thấy cái tên này quá khó nghe nên sửa thành “Tri Nam”.
–
(*) Luật mới ban hành của Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 1/2025: trong vòng 15 năm, Trung Quốc sẽ dần điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu với người lao động, trong đó nam giới từ 60 tuổi lên 63 tuổi; nữ giới từ 50 tuổi hoặc 55 tuổi lên 55 tuổi hoặc 58 tuổi.
(**)Tri (知) = “Hiểu, biết”; Nan (难) = “nan giải, khó khăn”. Hàm ý “hiểu khó mà lui, biết khổ đừng tới”.