Phòng nhỏ, chỉ có hai giường đơn, một cửa sổ trổ ra hàng cây phía sau. Trình Lạc đặt balo lên giường trong góc, lặng lẽ vào nhà tắm trước.
Lúc ra ngoài, cậu thấy Khang Duy đang dùng khăn lau tóc ở bên giường kia, do dự nói:
“Anh Duy… tối nay em có thể đọc thoại một chút được không ạ? Cảnh ngày mai hơi khó.”
“Ừ.” Anh đặt khăn xuống, quay sang: “Đưa kịch bản đây.”
Cậu mang ra hai bản in, đưa một quyển cho anh.
Khi cả hai bắt đầu đọc, Trình Lạc nhận ra rằng Khang Duy không chỉ học thoại kỹ, mà còn phân tích rất rõ từng tâm lý nhân vật. Anh chỉnh sửa vài câu cho cậu, gợi ý vài cách nhấn nhá, khiến cậu bất ngờ vì sự tinh tế.
“Cảnh mai này…” Khang Duy chỉ tay vào một đoạn: “Cậu đừng cố diễn cho khán giả thấy cậu đau, chỉ cần như vừa rồi, rũ mắt xuống, giọng lạc nhẹ là đủ.”
Trình Lạc im lặng, lòng dậy sóng.
Khang Duy nhìn cậu: “Cậu có khiếu, đừng bỏ nghề sớm quá.”
Cậu ngẩng đầu, bối rối: “Sao anh biết em định bỏ nghề?”
“Cậu từng nói ở tiệm bánh hôm trước mà.”
Cậu bật cười: “Tưởng anh không để ý.”
“Tôi có để ý đấy.” Anh nói, giọng nhẹ nhưng rõ.
Im lặng bao trùm một lúc, gió đêm lùa qua khe cửa, làm rèm khẽ rung.
“Cũng muộn rồi, để mai tôi gọi cậu dậy.” Khang Duy đứng dậy, kéo chăn lên giường mình: “Ngủ đi, mai quay cảnh khó, giữ sức.”
“Vâng…”
Đèn tắt.
Trong bóng tối, Trình Lạc mở mắt nhìn trần nhà, tim đập từng nhịp rõ ràng.
Anh bảo để ý… là ý gì vậy?
Trình Lạc tỉnh dậy lúc sáu giờ sáng, ánh sáng bên ngoài cửa sổ lấp lánh phản chiếu lên trần nhà. Cậu dụi mắt, ngồi dậy, quay sang bên cạnh… Khang Duy vẫn đang ngủ.
Lần đầu tiên được thấy anh lúc không có ống kính, không có ánh đèn, không có khán giả. Gương mặt ấy, dưới ánh sáng sớm mờ nhạt, mang một dáng vẻ yên tĩnh lạ kỳ. Không còn là vẻ lạnh lùng mà công chúng hay gọi, cũng không phải sự chín chắn trên phim trường, mà là một loại mỏi mệt vừa đủ, khiến người đối diện muốn nhẹ giọng, muốn dịu dàng hơn một chút.
Trình Lạc chống cằm, ngắm anh thêm vài giây rồi lặng lẽ rời khỏi giường, ra ngoài hít thở.
Sáng sớm mù sương, hàng cây đứng yên, bầu không khí thoang thoảng mùi cỏ dại.
Cậu đưa tay vào túi áo khoác, lấy điện thoại định nhắn tin cho mẹ thì một bóng người từ xa tiến lại.
Là Khang Duy.
“Không ngủ thêm chút à?” Anh hỏi, vẫn còn giọng ngái ngủ.
Trình Lạc bật cười: “Anh nói sẽ đánh thức em mà?”
“Thấy cậu dậy trước tôi thì thôi.” Khang Duy bước tới, tay đút túi áo khoác, đứng cạnh cậu, cách chưa đầy một cánh tay.
Im lặng chốc lát, anh hỏi thêm: “Cậu thích không khí ở đây không?”
“Thích ạ. Em thích những chỗ như này, yên tĩnh, dễ thở.”
“Ừ, cậu giống mặt trời á.”
Trình Lạc quay đầu: “Sao lại nói vậy?”
“Cậu cứ thích mấy thứ đơn giản, sáng sủa, nhìn cậu giống kiểu người sống trong nắng.”
Cậu bật cười, quay đi che mặt: “Anh khen kiểu gì kỳ lạ ghê.”
“Thật mà.” Anh vẫn nhìn cậu: “Tôi ở thành phố lâu, nhìn người lúc nào cũng thấy lạnh. Cậu là một trong số ít người không làm tôi thấy phiền.”
Tim Trình Lạc như trật nhịp, cậu siết chặt điện thoại trong tay, không biết nên trả lời thế nào. May thay, trợ lý đạo diễn chạy ra gọi:
“Anh Duy, Trình Lạc! Chuẩn bị thay đồ ạ!”
“Đi thôi.” Anh xoay người, bước trước, giọng vẫn nhẹ như làn gió.
Hôm đó đoàn quay cảnh thị trấn nhỏ – nơi nhân vật của hai người từng sống lúc nhỏ. Đạo cụ được dàn dựng lại từ dãy nhà cũ ven hồ, có tiệm bánh, cửa hàng tạp hóa, vài con hẻm nhỏ.
Khi quay đến cảnh vào tiệm bánh – nơi nhân vật Trình Lạc làm việc – cả đoàn tranh thủ nghỉ giải lao vì phải đợi sắp đèn.
Trình Lạc đứng cạnh bàn, lơ đãng ngắm những chiếc bánh giả được bày trong tủ kính. Cậu nói nhỏ: “Thật ra em từng nghĩ… nếu không làm diễn viên, chắc em sẽ mở tiệm bánh thật.”
Khang Duy từ phía sau bước tới, chống tay lên mặt bàn: “Tại sao?”
“Vì cảm giác khi nướng bánh rất yên bình.” Cậu nhìn ra cửa kính: “Không áp lực, không ồn ào. Mình làm ra thứ gì đó thơm, ngọt, rồi nhìn người khác vui vì nó… là đủ.”
Anh im lặng, rồi bất ngờ hỏi: “Mở rồi, có gọi tôi đến ăn không?”
Trình Lạc ngẩng lên, chưa kịp phản ứng thì đạo diễn hô:
“Vào vị trí!”
Buổi quay tiếp tục.