“Kết hôn muộn cũng tốt, cũng tốt mà! Bảy năm sau, thằng Phong nhà ta mới 28, đúng độ tuổi chín chắn, phong độ. Khi ấy cưới vợ là vừa đẹp. Còn Xu Xu cũng vậy. Bảy năm sau mới 22, còn trẻ, đâu cần gì phải vội.” – Thím Hai tự an ủi mình.
Tuy nhiên, vận tình cảm của Điền Phong quá tệ, khiến thím Hai không khỏi hoang mang. Còn nhân duyên của Điền Xu thì sao… bà ta đã không dám hỏi nữa.
Không hỏi! Không hỏi! Dù sao tương lai vẫn có thể thay đổi mà!
Thấy phản ứng của thím Hai quá mức dữ dội, trong lòng Điền Kiều cũng thấy có chút áy náy. Cô cảm thấy hình như mình "diễn hơi sâu", dọa thím đến phát hoảng rồi.
Sợ thím Hai đêm ngủ gặp ác mộng, Điền Kiều vội tìm cách đánh lạc hướng, đổi sang chủ đề khác:
“Thím Hai à, chuyện cưới xin không cần vội đâu. Giờ quan trọng nhất là phải lo việc làm cho anh Phong.”
“Anh ấy bao năm nay cứ nghĩ mình sẽ kế thừa sự nghiệp, làm tộc trưởng. Giờ mình đã quyết định quyên góp tài sản, vậy vị trí ấy không còn nữa. Nhưng dù không làm tộc trưởng thì anh ấy cũng không thể cứ mãi ở nhà nhàn rỗi. Dạo gần đây, trong thành phố bắt đầu thiếu lương thực, bên trên đã kêu gọi thanh niên trí thức xuống nông thôn tự trồng. Nếu không có công ăn việc làm, bị điều đi nông thôn thì khổ lắm!”
Vụ thanh niên trí thức xuống nông thôn, thím Hai cũng từng nghe qua. Khổ thế nào bà ta biết rất rõ. Bà ta thầm nghĩ: Điền Phong mà bị đẩy đi chắc chắn chịu không nổi. Nhưng tìm việc cho nó thì…
Thím Hai bị hỏi trúng điểm yếu, nhất thời nghẹn lời.
“Nếu không… hay là để nó vào làm trong nhà máy? Tuy giờ nhà máy đã quyên góp rồi, nhưng nếu nó làm tốt, chắc vẫn có thể tiếp quản vị trí của chú Hai, làm giám đốc?” – Thím nói với vẻ không chắc chắn.
Điền Kiều thì không lạc quan như vậy.
Cô lắc đầu rồi nói thẳng: “Nhà máy đã quyên lên trên rồi, kiểu gì họ cũng sẽ cử người của họ xuống tiếp quản. Trước mắt, để ổn định tinh thần công nhân, chú Hai vẫn có thể tiếp tục làm giám đốc. Nhưng một khi người mới từ trên đưa xuống đứng vững chỗ, thì liệu anh Phong có cơ hội làm giám đốc nữa không… rất khó nói.”
“Anh Phong còn quá trẻ. Chú Hai làm thêm mười năm nữa thì lúc đó anh ấy mới có 31 tuổi. Tuổi đó mà làm giám đốc – nếu không phải doanh nghiệp gia đình thì chẳng ai giao cả nhà máy cho người trẻ như vậy.”
Nghe Điền Kiều phân tích xong, thím Hai cũng cứng họng.
Đúng thật, 31 tuổi vẫn còn quá trẻ. Nếu không phải vì đó là con trai ruột của bà ta, thì bà ta cũng không yên tâm giao cả nhà máy vào tay nó.
Không thể đảm nhận vị trí giám đốc, hoặc ít nhất cũng phải đợi hai ba mươi năm sau mới có cơ hội, thì rõ ràng Điền Phong không còn lý do gì để tiếp tục ở lại nhà máy chờ thời.
Điền Phong không phải người kém cỏi. Học hành bài bản, lại thêm tính cách kiêu ngạo, đương nhiên cậu không thể cam lòng cứ mãi sống dưới bóng người khác, chịu cảnh lu mờ.
“Vậy thì nó phải làm sao bây giờ? Hay là... nhà mình bỏ tiền cho nó ra ngoài làm ăn, tự gây dựng sự nghiệp riêng? Anh con cũng giỏi mà, mấy năm học đại học đâu có chịu ngồi yên.” – Thím Hai nói, giọng xen chút tự hào.
Dù bình thường mỗi lần phải bỏ tiền là thím như bị "cắt thịt", nhưng chỉ cần Điền Phong có thể kiếm được tiền cho gia đình, thím vẫn rất vui lòng đầu tư.
Niềm vui đó không kéo dài lâu, vì Điền Kiều thẳng thắn đáp: “Không được đâu thím ạ.”
“Sao lại không?” – Thím Hai ngạc nhiên.
“Sau này nhà nước sẽ siết chặt việc đầu cơ trục lợi. Tư nhân làm ăn sẽ bị coi là phạm pháp. Nếu anh cả ra ngoài mở việc riêng, chắc chắn không trụ được lâu.”
“Hả?” – Thím Hai há hốc miệng. “Đầu cơ trục lợi... là phạm tội sao?”
“Vâng.” – Điền Kiều gật đầu chắc nịch.
Thím Hai hít sâu một hơi.
Đáng sợ thật. Thời thế sau này hóa ra còn khắt khe hơn bà ta tưởng. Không trách được mà Điền gia lại dần đi xuống. Một khi tội đầu cơ trục lợi bị đưa ra, thì thương nhân lớn nhỏ còn ai thoát khỏi liên lụy? Đừng nói là đại thương gia, ngay cả những người buôn bán nhỏ lẻ cũng sống dở chết dở!
“Vậy... giờ phải làm sao?” – Thím Hai hoang mang nhìn Điền Kiều.
Lúc này, trong lòng thím chẳng khác gì tơ vò. Mà Điền Kiều lại như người duy nhất bà ta có thể bám víu, trông cậy.
Điền Kiều vẫn giữ dáng vẻ điềm tĩnh, chậm rãi lên tiếng: “Có hai con đường. Một là theo như cháu – đi lính. So với xã hội bên ngoài thì quân đội vẫn ổn định hơn. Nếu anh cả có gan thử sức, chưa chắc không có đường tiến thân. Nhưng... con đường này khá nguy hiểm. Cháu không khuyến khích anh ấy đi.”
“Đúng, đúng, đúng!” – Thím Hai gật đầu lia lịa “Anh con sức khỏe đâu có tốt, sao chịu nổi môi trường quân ngũ.”
“Con đường thứ hai là mình đầu tư góp vốn chung với Nhà nước, cùng làm một trung tâm thương mại. Khi đó, anh cả làm giám đốc – giống như chú Hai bây giờ – ăn lương Nhà nước, làm trong doanh nghiệp quốc doanh thì việc buôn bán cũng trở nên hợp pháp.”
“Cái này hay! Cái này rất hay!” – Thím Hai mừng rỡ, vội gật đầu đồng ý.
Điền Kiều cũng thấy đây là hướng đi ổn thỏa. Trung tâm thương mại này tuy cần bỏ tiền lớn, nhưng nếu xét mọi mặt thì khá an toàn.
Có điều...
“Thím Hai, đầu tư vào trung tâm thương mại không hề nhỏ. Mình phải bỏ ra vốn gốc mà giờ không tiện rút tiền.”
Lời nhắc của Điền Kiều khiến thím Hai giật mình nhớ ra tình hình hiện tại của gia đình. Nhà họ đang chuẩn bị quyên góp tài sản để hỗ trợ vùng thiên tai. Nếu trước thì vừa quyên tiền xong, sau đã rót vốn làm trung tâm thương mại, chẳng phải tự vạch áo cho người xem lưng? Chẳng khác nào tuyên bố to cho thiên hạ biết: “Nhà chúng tôi nhiều tiền lắm, tới mà xin đi!”
Chuyện này đúng là không ổn thật. Dù là mở trung tâm thương mại trước hay quyên góp tài sản trước, hai việc sát nhau thế này thì không hay chút nào.
Muốn kế hoạch thành công, chỉ có một cách – là trung tâm thương mại ấy không dùng tiền của Điền gia.
“Kiều Kiều, hay là... thế này nhé, đổi lại, để nhà mình lo phần mặt bằng, còn Nhà nước chịu vốn đầu tư xây cửa hàng?” – Thím Hai bắt đầu tính kế “đường vòng cứu nước”. – “Hồi năm năm trước, chú Hai cháu có mua theo lời ông nội hai mảnh đất, đến giờ vẫn chưa đυ.ng tới.”
Trung tâm thương mại giờ thiếu một là đất, hai là vốn. Nếu nhà không bỏ tiền, mà chỉ bỏ đất – chắc cũng hợp lý?
“Cũng được ạ.” – Điền Kiều gật đầu, rồi chậm rãi nói tiếp – “Nhưng quan trọng là... hiện giờ Nhà nước không có tiền đâu thím ạ.”
“Bây giờ tình hình kinh tế đang khó khăn, để Nhà nước chi tiền làm trung tâm thương mại là chuyện khó lắm. Khả thi nhất là Nhà nước kêu gọi đầu tư từ tư nhân – tức là tìm người có tiền góp vốn. Nhưng nếu là tiền người ta bỏ ra, họ nhất định phải nhận được lợi ích. Trong khi đất thì Nhà nước không thiếu. Đến lúc đó, họ bắt tay với nhau, còn đất nhà mình thì bị gạt ra ngoài cuộc.”
“Một khi không tính toán kỹ, chẳng khác nào mình bỏ đất ra làm áo cưới cho người khác. Cuối cùng, anh Phong có khi còn bị đẩy ra ngoài.”
Nghe đến đây, thím Hai giật mình, trong lòng lo lắng, định từ bỏ luôn ý định ban đầu.
Nhưng bỏ cũng không cam tâm. Thím lại ngước mắt nhìn Kiều Kiều đầy kỳ vọng, chờ cô nghĩ ra một hướng đi mới.
Điền Kiều cũng đã có chút suy tính. Nghĩ ngợi một lúc, cô chậm rãi lên tiếng: “Còn một con đường thứ ba, là để anh cả đăng ký vào Viện nghiên cứu nông nghiệp, làm trưởng phòng nghiên cứu.”
“Nông nghiệp là ngành lúc nào cũng cần thiết, ở đâu cũng có thị trường. Nhất là nước mình là quốc gia nông nghiệp. Những lúc cả nước chịu hạn, nếu anh cả đi tiên phong nghiên cứu giống cây chống hạn, chắc chắn sẽ có chỗ đứng. Mình có hàng triệu nông dân. Nếu anh cả tìm ra được giống cây tốt, phân bón hiệu quả, thì chắc chắn sẽ thành công – vừa giúp được nông dân, vừa có lợi cho Nhà nước.”
“Chỉ có điều là... nghiên cứu nông nghiệp ở giai đoạn đầu cần đầu tư rất nhiều. Dù anh ấy có vào biên chế, làm việc trong cơ quan nhà nước, thì kinh phí cấp cho viện nghiên cứu nhỏ như vậy cũng chẳng đáng là bao.”
“Khoản này, để cháu tự bỏ tiền.”
Cùng là tiêu tiền, nhưng tiêu vì lợi ích của người dân cả nước thì khác hẳn với tiêu vì chuyện riêng. Ý nghĩa cũng khác, và cảm giác cũng không giống nhau.