Sau khi xuất hiện ở nhà mình, Lương Hàm Nguyệt nhận ra bố mẹ vẫn chưa về. Cô vừa lẩm nhẩm vừa liệt kê các vật dụng cần thiết cho cuộc sống trên hòn đảo sinh tồn của mình.
Đầu tiên là… một chiếc xe điện hoặc xe đạp. Lương Hàm Nguyệt đã khảo sát xong địa hình. Tương lai, ngôi nhà trên đảo của cô sẽ nằm giữa hồ nước và biển, phía ngoài khu rừng, trên một đồng cỏ bằng phẳng. Từ đó ra hồ lấy nước hay ra biển câu cá đều phải đi một đoạn đường kha khá. Có một phương tiện di chuyển thì sẽ tiết kiệm được không ít thời gian.
Nhưng đây không phải thứ cấp bách lắm, Lương Hàm Nguyệt liền đánh dấu nó với ưu tiên thấp.
Nghĩ đến xe điện, cô lại bị nhắc nhở về vấn đề điện. Bất kỳ thảm họa nào cũng sẽ phá hủy cơ sở hạ tầng, mà nhà không có điện thì làm gì cũng khó. Cô bắt đầu viết vào danh sách: "máy phát điện diesel". Nghĩ lại, cô lại gạch đi. Người bình thường làm sao mà kiếm được nhiều dầu diesel? Máy phát điện diesel cũng chẳng rẻ.
Nhưng rồi cô suy tính, hiện tại không mua được dầu diesel không có nghĩa là sau này cũng không mua được. Thế là cô khoanh tròn mấy chữ đó, ghi thêm một dấu chấm hỏi, quyết định sẽ bàn bạc với bố mẹ sau.
Nhất định phải mua vài tấm pin năng lượng mặt trời. Hiện giờ năng lượng mặt trời đang ngày càng phổ biến. Có cả loại tấm pin nhỏ gọn dùng để sạc điện thoại, rất hợp cho những ai thích cắm trại hoặc du lịch ở nơi xa xôi hẻo lánh.
Dù to hay nhỏ, cô cũng muốn sắm vài cái. Ánh nắng trên hòn đảo này rất tốt, pin năng lượng mặt trời có thể lắp trên mái nhà để tích điện.
Tiếp đó là máy bơm nước và các đường ống đi kèm. Ngôi nhà trong tương lai không thể xây quá gần hồ, vì cô không biết liệu không gian trên đảo có vấn đề gì về độ ẩm và muỗi mòng hay không. Nhưng ít nhất cũng phải tránh sáng sớm mở cửa sổ đã thấy… một con hổ thò đầu vào ngó nghiêng. Gần hồ quá thì dễ thu hút thú hoang lắm!
Tuy nhiên, nếu xa hồ quá thì lấy nước cũng bất tiện. Nếu có thể lắp đặt máy bơm nước, thêm một đoạn đường ống được bảo vệ khỏi việc thú hoang cắn phá, thì cũng là một ý kiến không tồi.
Đang viết dở dang, điện thoại của Lương Hàm Nguyệt sáng lên. Là tin nhắn của bố cô, Lương Khang Thời:
“Nguyệt Nguyệt, con về nhà chưa? Nếu ở nhà thì xuống phụ bố chuyển ít đồ.”
Lương Hàm Nguyệt chộp lấy điện thoại rồi chạy ngay xuống.
Dưới nhà, xe của bố cô đang đỗ sẵn. Cốp xe hé mở, đồ đạc chất đầy đến mức không đóng lại được. Lương Hàm Nguyệt bước tới, bê ra mấy túi, nghe tiếng kim loại va vào nhau bên trong.
Cô hạ giọng hỏi:
“Bố, bố đi mua dao à?”
Lương Khang Thời trả lời rất đàng hoàng:
“Đâu có, dao lớn là đồ bị cấm mua, bố chỉ mua vài cái xẻng công binh thôi. Đừng xem thường xẻng công binh nhé! Cái này đa dụng lắm, đào đất thì nhanh, vừa làm nông cụ, vừa dùng làm búa, xà beng. Thậm chí, mài sắc rồi thì chặt cây hay đẽo gỗ cũng ngon lành.”
Lương Hàm Nguyệt đã từng nghe danh tiếng của xẻng công binh. Khi chiến tranh, chúng vừa đào chiến hào vừa làm lưỡi lê cận chiến. Cô kéo túi ra, liếc nhìn một lượt, thầm thì:
“Sao nhìn cái này không giống loại mà con từng thấy trên mạng nhỉ? Lòe loẹt quá.”
Lương Khang Thời giải thích:
“Bố vào cửa hàng, ông chủ giới thiệu đủ loại cho bố xem. Bây giờ tính năng càng ngày càng hiện đại, có loại tích hợp đèn pin, có loại gấp gọn được, thậm chí trong cán còn giấu sẵn tua vít và đá đánh lửa. Mấy cái trong túi của con là loại đa năng, bố chỉ mua ba cái để thử thôi. Còn đâu là loại kiểu dáng truyền thống, bố mua mười cái liền.”
Nghe xong, Lương Hàm Nguyệt không nhịn được lầm bầm:
“Bố thật biết tiêu tiền!”
Lương Khang Thời tay xách hai túi, vai vác thêm một thùng giấy. Một trong số đó chứa thuốc men. Trước đó, ông đã bàn bạc qua điện thoại với Trân Mẫn, hai người thống nhất rằng mua quá nhiều thuốc trong một lần sẽ dễ gây chú ý. Vì vậy, cả hai quyết định ai tiện đường gặp hiệu thuốc thì ghé vào mua tích trữ thêm một ít.
Trong khi đó, điều khiến Lương Hàm Nguyệt lo nhất vẫn là lương thực. Cô vừa nhấn nút gọi thang máy vừa hỏi:
“Bố, thế bố đã ghé qua kho lương thực trên thành phố chưa?”
Kho lương thực ở đây vốn là kho nhà nước, sau này chuyển thành nơi chuyên bán buôn, nhưng dân tình quen miệng vẫn gọi bằng tên cũ.
“Ghé rồi, nơi đầu tiên bố đến là kho đó chứ đâu! Bố nói muốn mở tiệm gạo dầu, thế là đặt luôn 50 bao gạo, 30 bao bột mì, với 30 can dầu đậu nành. Nhưng bố không dám lấy thêm, sợ đồ ăn hỏng không kịp dùng hết. Con tính xem chừng đó đã đủ chưa, Nguyệt Nguyệt?”
Mỗi bao gạo và bột mì mua sỉ đều nặng 50 ký. Riêng 50 bao gạo đã là 2,5 tấn rồi!
Lương Hàm Nguyệt nhanh chóng tính nhẩm trong đầu:
Một người lớn mỗi ngày ăn khoảng 250 gram gạo, số gạo này đủ cho cả nhà ăn gần 10 năm. Nhưng vấn đề là gạo không để được lâu đến vậy, nhất là gạo đựng trong bao dệt sợi thông thường, để một năm đã mọc sâu mọt rồi.