Giam Nàng

Chương 6: Đại nương về phủ

Dưới ánh trăng mông lung, Tống Hành ngồi một mình trong lầu tứ giác mái cong của đình Tê Hà, đôi mắt đen như vì tinh tú hỉ nộ không hiện, lúc này ánh mắt tập trung, dừng trên dáng người uyển chuyển nhẹ nhàng của Thi Yến Vi.

Vừa rồi lúc ở Đại Tụ cư, Thi Yến Vi chưa từng chào hỏi hắn, lúc này nếu làm bộ không nhìn thấy thì không khỏi có phần mất lịch sự, vô duyên vô cớ khiến người có lý để trách cứ.

Nghĩ đến đây, Thi Yến Vi tạm thời đè nén sự chua chát trong lòng, xua tan đám mây u ám trên mặt, đứng tại chỗ khom người, chắp tay trước ngực thi lễ, ngữ khí ôn hòa nhưng khiêm tốn, không có nửa phần xu nịnh.

Nàng không thận trọng như quý nữ sĩ tộc, cũng không cư xử như nữ lang xuất thân từ môn hộ tầm thường, càng không giống tỳ nữ trong phủ khom lưng uốn gối mỗi khi nhìn thấy hắn.

Trong vườn yên tĩnh, giọng nói nàng như tiếng nước róc rách, chậm rãi chảy ra từ khe đá, thanh nhuận thuần tịnh, cực kỳ dễ nghe.

Tống Hành không khỏi suy nghĩ, ánh mắt nhiễm vài phần đánh giá lẫn tìm tòi.

Gió đêm đầu xuân không tránh được có chút se lạnh, thổi tung làn váy mùa xuân không quá dày của Thi Yến Vi. Ánh trăng chiếu xuống gương mặt như bạch sứ của nàng khiến vẻ đẹp này càng có phần không thật, cổ thiên nga thon dài như núi, eo mảnh như liễu.

Cái lạnh quét qua trên mặt nhưng Tống Hành lại bất giác cảm thấy khô nóng, đứng lên khỏi ghế không nhanh không chậm bước xuống thềm đá, tiện đà ngừng bước, đứng cách Thi Yến Vi áng chừng một trượng.

Tống Hành này sống lưng đĩnh bạt như tùng, thể trạng cao lớn cường tráng, bên dưới lớp y phục to rộng ẩn hiện rãnh ngực rõ ràng, giữa mày lộ ra khí thế của bậc bề trên, uy nghiêm tự hiện.

Hắn cụp mắt nhìn đôi mắt đào hoa trong veo như nước của Thi Yến Vi, môi mỏng khẽ mở hỏi nàng: "Vừa rồi mỗ nhìn Dương nương tử vừa đi vừa có vẻ buồn bã thất thần, hình như là có tâm sự?"

Thi Yến Vi thậm chí còn không cao bằng vai hắn, giờ phút này chỉ có thể ngẩng đầu lên mới có thể nhìn, thấy hắn đoan chính giữ lễ, trong lòng cũng không quá mức đề phòng, liền tìm lý do thỏa đáng thoái thác: "Gia chủ nghĩ nhiều rồi, thϊếp không có tâm sự gì, chỉ thấy ánh trăng thật đẹp nên chợt nhớ vong huynh, ngoài ra không còn lý do nào khác."

Tưởng niệm vong huynh, lý do này quả thật không có gì bất ổn.

Nhưng chuyện Tống Hành giỏi nhất là thuật đọc tâm, hắn nhận ra lúc nàng nhắc tới hai chữ "vong huynh" vẻ mặt trầm tĩnh như nước, ánh mắt cũng không mảy may một chút bi thương, nếu không phải nàng cố tình nói dối thì rõ là đang che giấu cảm xúc của chính mình, khống chế đến hoàn hảo, không bày một chút vui giận ra trước người khác.

Nếu là vế sau, ở độ tuổi của nàng thì cũng quá mức già dặn thành thục. Nhị nương so ra chỉ nhỏ hơn hai tuổi nhưng tính tình còn lâu mới bì kịp nàng.

"Là mỗ nói năng vô lễ, khiến Dương nương tử nhớ lại chuyện thương tâm."

Tống Hành ngữ điệu bình bình, cố tình hạ thấp tư thái, tựa đang chờ nàng nói gì thêm.

Cơn gió lại thổi tới, Thi Yến Vi vốn sợ lạnh, chưa kể thân thể nàng yếu ớt, ban đêm hứng gió thì nào có nửa phần tâm tư trò chuyện tán gẫu, liền qua loa lấy lệ với hắn: "Vốn gia chủ chỉ vì có ý tốt sao có thể coi là nói năng vô lễ được. Sắc trời không còn sớm, bên ngoài gió lạnh, gia chủ cẩn thận chớ để bị cảm, thϊếp còn có việc, xin đi trước một bước."

Nói xong, nàng vừa vén váy nhấc chân định rời đi thì đã thấy Tống Hành đi về phía mình, khẽ mở môi mỏng nói: "Dương nương tử rất giỏi chơi cờ song lục, không biết ngày nào mỗ có thể có được vinh hạnh chơi cờ với nương tử?"

Cơn gió đêm nay đã đủ lạnh khiến nàng phát ốm, nếu sau này phải ngồi đối diện chơi cờ song lục mất nửa canh giờ với người này, chỉ e nàng sẽ lạnh đến chết.

Vì thế không chút do dự, nàng hơi lùi về phía sau một bước, dịu dàng nói lời từ chối: "Gia chủ tán thưởng, hôm nay đánh cờ chiếm được thượng phong trước Nhị nương chẳng qua chỉ vì gặp may, nào dám trước mặt gia chủ múa rìu qua mắt thợ."

Từ chối thẳng thừng lưu loát như thế, thậm chí không có nửa phần ý muốn đến gần, ngược lại còn có vài phần mùi vị tránh không kịp, điều này nằm ngoài dự liệu của Tống Hành.

Tống Hành đứng đực ra tại chỗ, mắt dõi theo thân ảnh màu hồng cánh sen thuần khiết đang càng lúc càng cách xa hắn, cho đến khi dáng hình cao gầy của Thi Yến Vi hoàn toàn mất hút trong bóng đêm thăm thẳm, hắn mới nhặt chiếc đèn mang theo từ viện Tống Thanh Hòa, thảnh thơi tản bộ về Thối Hàn cư.

Chủ tử chưa về, đám Quất Bạch, Phùng Quý đều chưa dám nghỉ ngơi, nghe thấy bên ngoài có tiếng bước chân thì vội vàng chạy ra nghênh đón ở cửa. Tống Hành đưa đèn bích sa cho Quất Bạch, trầm giọng phân phó: "Mai sang trả đèn này cho Đại Tụ cư rồi đến nhà kho chọn ra một ít đồ sứ trắng mang qua. Phòng Thái phu Nhân thì chọn ra vài thớ lụa bích sắc cùng một ít hương liệu an thần."

Quất Bạch theo tiếng đáp lại, vừa đi thì lại nghe Thương Lục cung kính hỏi: "Nước đã đun xong, giờ đang bỏ trên lò giữ nhiệt, hôm nay gia chủ có muốn tắm gội không ạ?"

Tống Hành nghe thấy, cũng không hề nhìn nàng, chỉ thản nhiên nói: "Đi chuẩn bị nước lạnh."

Đầu xuân nước giếng rất lạnh, cứ thế làm sao tắm được? Thương Lục dù rất khó hiểu nhưng lại không dám hỏi nhiều, nghe lệnh lui ra, gọi gã sai vặt ở hậu viện gánh nhiều hơn mấy thùng nước giếng mang tới.

Phùng Quý sai gã sai vặt đổ nước giếng vào thùng tắm rồi lấy khay gỗ lê sơn mài từ tay Quất Bạch. Trên đó có trung y, tiết khố, ngoại bào cùng những vật dụng khác được xếp một cách ngăn nắp. Phùng Quý nâng khay đặt lên bàn dài trong phòng tắm, dùng gậy đánh lửa thắp vài ngọn nến trên chân đèn hình hạc tiên, bấc nến tỏa ra vầng sáng vàng cam, phòng tắm lập tức sáng rõ như ban ngày.

Bình phong vẽ sơn thủy nhũ kim gồm gấp thành sáu cánh được đặt trước cửa sổ quý giá chạm bảo tương hoa, Tống Hành ra sau bình phong cởϊ qυầи áo, cởi xong, hắn treo quần áo lên giá gỗ lim.

Làn da bỏng rát vừa tiếp xúc với nước lạnh liền dịu đi, Tống Hành thả lỏng gân cốt dựa trên vách thùng tắm, lấy lại bình tĩnh, khép mắt, đem ba chữ "Dương Sở Âm" đuổi ra khỏi đầu.

Ba mươi phút sau, Tống Hành tắm gội xong, Phùng Quý lấy quần áo cho hắn thay, đợi hắn thay xong thì lấy đồ bẩn để tiểu tư mang đi giặt.

Tống Hành không thê thϊếp, cũng không có thông phòng, từ nhỏ đến lớn không quen được tỳ nữ hầu hạ nên đêm đêm đều do Phùng Quý châm đèn, hắn cũng không có thói quen tiểu đêm nên bên ngoài cũng không cần đến tỳ nữ ngủ trên sạp túc trực.

Tống Hành nằm xuống chiếc giường to rộng bằng gỗ tử đàn. Phùng Quý thổi tắt nến trong phòng, cầm giá nến dài bằng đồng trắng nhẹ nhàng lui bước ra ngoài.

Ngoài cửa sổ, vạn vận đều chìm vào trong im lặng, đêm lạnh như nước, Tống Hành hiếm khi có một đêm mất ngủ, hắn liên tục mơ thấy những giấc mộng kỳ lạ.

Ba ngày liên tiếp sau đó Tống Hành đều về muộn, cả Tiết phu nhân lẫn Tống Duật đều không gặp được hắn.

Hôm đó buổi trưa, Tống Hành ở lại quan thự dùng bữa, đang cầm một quyển binh thư định mở ra xem thì thấy một binh sĩ tầm mười lăm tuổi tới báo, bên ngoài có Trình tư mã cầu kiến.

Tống Hành hơi ngẩng đầu, cho phép vào.

Một lúc sau, Trình Nghiên vẻ mặt sốt sắng bước vào, ôm quyền quỳ một gối xuống đất hành quân lễ với Tống Hành, giọng điệu nôn nóng: "Tiết soái, ti hạ có chuyện quan trọng muốn bẩm."

Tống Hành nheo mắt, nói một chữ "Được."

Trình Diễm đứng dậy, hạ giọng nói nội bộ quân Thọ Dương có biến, thỉnh hắn đích thân đến kiểm tra, ổn định quân tâm.

Tống Hành hỏi cặn kẽ một lúc, lòng đưa ra suy đoán đại khái, lại sai người chuẩn bị ngựa, mặc giáp đi vào sảnh lấy trường kiếm đeo lên lưng, cùng Trình Diễm cưỡi ngựa nhanh chóng rời khỏi quan thự, đi hướng ngoại thành.

Phùng Quý đứng hầu bên ngoài thấy Tống Hành sải bước ra tới nơi, biết hắn có việc phải đi nên chạy chậm đón đường trước.

Tống Hành đang định tìm, thấy Phùng Quý đến vừa kịp lúc nên vội vàng phân phó hồi phủ báo cho thái phu nhân: Hắn phải cùng Trình tư mã đi Thọ Dương một chuyến, khoảng mấy ngày nữa sẽ về.

Dứt lời xoay người lên ngựa, quất ngựa lao vụt đi.

Phùng Quý trở lại Tống phủ, báo cáo rõ ràng sự tình với Tiết phu nhân, lúc đi ra thì thấy Hoán Trúc đang phơi khăn tay ở hành lang. Hắn sợ uy nghi của Tiết phu nhân, không dám giữa ban mày ban mặt ở lại Thúy Trúc cư thì thầm to nhỏ với nàng nên chỉ âm thầm nháy mắt mấy lần ra hiệu.

Đúng lúc này Thụy Thánh cầm hộp đồ ăn từ bên ngoài tiến vào. Hoán Trúc thấp thoáng thấy nàng, xấu hổ đỏ mặt, dùng sức nháy mắt với Phùng Quý bảo hắn chạy nhanh đi.

Thụy Thánh nhìn bóng lưng Phùng Quý nhanh chóng mất hút, lại gần trêu ghẹo Hoán Trúc: "Chuyện giữa cô và Phùng lang quân đã được Thái phu nhân cho phép, hà tất phải che che giấu giấu như thế. Phùng lang được rất lòng gia chủ, sau này không lo không có tiền đồ, đợi sang năm cô gả cho hắn làm tân phụ, hai người nhất định sẽ là cặp đôi khiến ai ai cũng phải hâm mộ."

Hoán Trúc nghe xong lời này mặt mày càng trở nên hồng nhuận. Thụy Thánh thấy thế thì tạm bỏ qua cho nàng, mang món canh sơn trà bách hợp ngân nhĩ vào cho Tiết phu nhân.

"Thái phu nhân, Dương nương tử nói canh này ăn lúc còn nóng là tốt nhất, có tác dụng làm dịu cổ họng."

Hóa ra là đêm trước Tiết phu nhân bị lạnh, hôm qua ngủ dậy thấy cổ họng hơi rát, dù đã mời y sư đến kê thuốc uống nhưng chưa thấy đỡ, đã thế còn xuất hiện thêm triệu chứng ho.

Lúc Thụy Thánh kể lại việc này thì Thi Yến Vi hỗ trợ ở phòng châm tuyến (phòng may). Nàng liền đề nghị làm chút đồ ấm nóng giúp Tiết phu nhân giảm bớt triệu chứng ho. Thụy Thánh về bẩm báo lại với Tiết phu nhân. Tiết phu nhân đang không có khẩu vị gì, lúc đầu định bảo miễn nhưng Tống Thanh Hòa ngồi cạnh nghe xong kiên nhẫn khuyên bảo, lúc này bà mới đồng ý.

Thịt quả sơn trà mềm mại ngọt thanh trôi vào họng, chẳng những không thấy khó nuốt mà ngược lại, ấm áp êm dịu. Sau khi uống thêm một ngụm canh thơm phức, Tiết phu nhân chỉ cảm thấy cực kỳ thỏa mãn, chẳng mấy chốc đã dùng xong cả chén.

Tiết phu nhân đặt chén sứ trắng có nắp xuống, đôi lông mày nhạt khẽ nhíu lại, không biết Thọ Dương rốt cuộc xảy ra việc gấp gì mà khiến Nhị lang không thể trì hoãn dù chỉ mười lăm phút, vội vã đuổi tới vào buổi trưa.

Tống Thanh Hòa biết bà đang lo lắng cho Nhị huynh, mở miệng an ủi: "A bà đừng buồn, Nhị huynh đã nói mấy ngày nữa sẽ về, nhất định đã có kế hoạch sẵn, a bà đừng lo lắng nữa ạ."

Tiết phu nhân thở dài, miệng thì đồng ý nhưng mày vẫn không giãn ra: "Nhị nương nói rất đúng, lão thân tự tìm phiền não rồi. A tỷ cháu khoảng chừng giờ Dậu sẽ về, thế mà Nhị lang lại đi..."

Lời chưa nói xong đã nghe ngoài cửa có tiếng tỳ nữ vui mừng chạy tới hành lang thông báo: "Bẩm Thái phu nhân, đại nương, lang tử dắt theo Mạnh tiểu nương tới phủ, vừa nãy đã qua nhị môn."

Tống Thanh Hòa nghe xong vui vẻ ra mặt, lập tức đứng dậy cùng Sơ Vũ đỡ Tiết phu phu, "Chẳng phải vừa nhắc Tào Tháo Tào Tháo đã đến đó sao? Cả nhà a tỷ đã về đến nơi rồi này, thế mà bảo phải chờ đến giờ Dậu?"

Tiết phu nhân lúc này cũng vui mừng khôn xiết, đâu có thể ngồi yên được, bà đích thân đi tới hành lang nhón chân mong chờ, chào đón sự xuất hiện của một nhà ba người Tống Thanh Âm .

Không lâu sau, bóng người mặc đồ đỏ đeo vàng nhanh chóng từ ngoại môn tiến vào viện tử, còn không đợi tỳ nữ chắp tay trước ngực thi lễ với mình đã nhào vào lòng Tiết phu nhân, quỳ xuống cả hai chân. Nàng bật khóc như may, nắm lấy khuỷu tay Tiết phu nhân, nức nở nói: "Nhi bất hiếu, ba năm qua chưa từng về thăm a bà..."

Mạnh Lê Xuyên cũng làm theo cử chỉ của Tống Thanh Âm , quỳ xuống đất, dù không nói gì nhưng sự kính trọng cùng cảm kích đối với Tiết phu nhân không thể nào chân thật hơn.

Sơ Vũ đứng dưới mái hiên bị khung cảnh này làm mắt hoe đỏ, nàng gạt lệ tiến lên khuyên nhủ tổ tôn hai người nói: "Đại nương và lang tử trở về là thiên đại hỉ sự, sau này vẫn có thể ở lại Thái Nguyên lâu dài, sao không cười mà phải khóc cơ chứ."

Tiết phu nhân cầm khăn tay Sơ Vũ đưa lau nước mắt, vội kêu phu thê hai người đứng lên. Bà không thấy Mạnh Phù đâu, liền hỏi: "Sao không thấy Đoàn nô?"

"Tỳ nữ dẫn nàng theo phía sau, chúng ta vào trước đi đã." Tống Thanh Âm vừa nói vừa kéo tay Tiết phu nhân vào phòng.

Đồ đạc trang hoàng trong phòng không sai biệt nhiều so với bốn năm trước. Giá bằng gỗ tử đàn kê sát tường bày biện nhiều hơn một vài món đồ vật trân quý. Bức "trâm hoa sĩ nữ đồ" [1] được treo ở bức tường đông và cánh cửa sổ lụa mỏng xem ra là mới được thêm vào mấy ngày gần đây.

[1]Trâm hoa sĩ nữ đồ (chữ Hán: 簪花仕女圖 / Tranh thiếu nữ đeo hoa) là một cuộn tranh của tác giả Châu Phưởng. Bức tranh là một tư liệu quý về triều đại cực thịnh về Phật giáo - triều đại nhà Đường tại kinh thành Tây An. Nguồn chú thích: Wikipedia.Chú thích hình ảnh đặt ở cuối chương.

Tiết phu nhân thấy nàng nhìn chăm chú song cửa, chợt nhớ lại những gì xảy ra chạng vạng tối hôm ấy, khuôn mặt vẫn còn vương nước mắt lộ ra ý cười, vui vẻ kể lại chuyện Đạp Vân nhảy lên cửa sổ chọc giận Nhị Lang cho Tống Thanh Âm và Mạnh Lê Xuyên nghe. Hai người nghe xong, đều cong môi cười khẽ.

Tống Thanh Âm che miệng cười một hồi, cười xong mới nhận ra cả Tống Hành lẫn Tống Duật đều không có ở đây, liền hỏi: "Sao không thấy nhị huynh, tam huynh đâu ạ?"

"Nhị huynh cháu trưa nay vừa đi Thọ Dương xong, có lẽ mấy ngày nữa mới về được. Tam huynh cháu lúc này đang ở lại trực gác. Uy Nhuy cư cháu ở trước khi xuất các ta đã sai người dọn dẹp sạch sẽ, thời gian này một nhà ba người các cháu tạm thời ở trong phủ, khoảng chừng non nửa tháng thôi có được không?"

"Nhi nghe a bà." Tống Thanh Âm vừa nói vừa để mắt quan sát Tống Thanh Hòa, thấy nàng đã trổ mã thành nữ lang duyên dáng yêu kiều, trong lòng càng thêm vui mừng

"Gần bốn năm không gặp, Nhị nương càng lớn càng các có vẻ đằm thắm hẳn ra. Lúc tỷ đi muội chưa tròn mười ba, giờ đã là nữ lang nhị bát niên hoa rồi." (mười sáu tuổi hoa)Trong lúc hai người đang chuyện trò, Tổ Giang Lan cùng Cao phu nhân cũng tới Thúy Trúc cư tụ hợp.

Đợi đến khi Tống Duật tan làm về phủ, không phải nói nhiều, một nhà sum vầy bên nhau dùng bữa tối.

Sẩm tối ngày hai mươi lăm tháng hai, nguyệt xuất Tây Sơn (trăng mọc từ núi phía tây), Tiết phu nhân nhận được thư tín từ họ Dương đưa tới, báo trước trưa mai tiết độ sứ sẽ rời Thọ Dương và có thể về đến Thái Nguyên lúc chính Dậu. (18h)Tiết phu nhân xem xong cực kỳ vui mừng, lệnh phòng bếp ngày mai chuẩn bị thêm nhiều đồ ăn tổ chức gia yến. Tống Duật nhớ tới Thi Yến Vi không còn huynh trưởng, đặc biệt xin Tiết phu nhân cho phép nàng ngày mai được nghỉ một ngày. Tiết phu nhân cũng thương tiếc nàng ở Thái Nguyên không thân không thích, đương nhiên đồng ý.

Hôm sau, Thi Yến Vi không cần đến thiện phòng làm công, Tống Thanh Hòa không biết đã nghe được tin tức này từ đâu, cơm trưa xong liền sai người mời nàng đến Đại Tụ cư chơi cờ song lục.

Giờ Dậu nhị khắc (17h30) Tống Thanh Hòa kéo theo Thi Yến Vi ra ngoài đón Tống Hành, vì nàng có thể được xem là chủ tử trong phủ nên tất nhiên có thể đứng hàng đầu.

Tống Thanh Hòa nắm chặt tay Thi Yến Vi không buông, dù Thi Yến Vi không muốn xuất đầu lộ diện trước mặt Tống Hành nhưng giờ nàng không tự quyết được.

Tống Hành xoay người xuống ngựa, hắn mặc trường bào phiên lĩnh màu đỏ tía hoa văn bồ đào, lưng đeo một thanh trường kiếm huyền thiết dài gần bốn thước, khí thế như hổ, oai hùng bất phàm, thân hình đĩnh bạt như tùng, cao quý như hạc.

Ráng chiều hoàng hôn kéo xuống, một bóng người cực kỳ cao lớn xuất hiện trên mặt đất, dù Thi Yến Vi có vóc người cao gầy nhưng trước mặt hắn cũng bỗng chốc trở nên nhỏ xinh.

Thi Yến Vi theo chân mọi người, nhìn hắn một cái xem như chào hỏi rồi dời mắt nhìn về dãy núi non trùng điệp xanh ngắt đằng xa, hoàn toàn không nhận ra lúc hắn quét mắt nhìn mọi người đã dùng ánh mắt thâm thúy đi vài phần khi nhìn đến gương mặt như thoa phấn, hồng hào đầy sức sống của nàng.*

Chú thích hình ảnh:[1] Bức họa "trâm hoa sĩ nữ đồ"

(Mình không cho ảnh vô được thế nên mn chịu khó lên google tìm nha)