Nhật Ký Dưỡng Gia Của Thợ Săn Cổ Đại

Chương 4: Nhà thợ săn

Một tiểu bối họ Vương cất giọng kêu: “Đại cô, người đi nhầm đường à?”

Vương đại nương lau mồ hôi trên trán, dưới ánh nắng chói chang, không còn tâm trí để tán gẫu: “Lúc ta nhắm hai mắt đều có thể về nhà, tiểu tử ngươi còn chưa ra đời đâu.”

Những lời này khiến mọi người cười ầm lên, tiểu bối họ Vương xấu hổ, muốn hỏi Vương đại nương đến Vệ gia làm gì, nhưng lại sợ miệng lưỡi không dễ chịu của đại cô này.

Hắn làm sao biết lúc này Vương đại nương đang sốt ruột, có mấy phần không dằn nổi, toàn là chuyện vui, bà ấy không thể chờ thêm một khắc nào nữa.

Bà ấy vốn không thích làm người mai mối, người xưa nói thế nào nhỉ, thà phá mười tòa miếu chứ đừng hủy một cọc hôn, có thể thấy việc hôn nhân là đại sự, nếu làm tốt, đó là một kiện công đức. Ngược lại, nếu làm hỏng, có thể hủy một người, thậm chí là hai nhà.

Vương đại nương không phải là người thân thiết, tính tình bà ấy rất ít khi làm những việc phiền phức không được cảm ơn, để tránh bị oán trách sau này.

Nhưng thấy Vệ Đại Hổ sắp hai mươi mà người đến cửa lác đác không có mấy, những bà mối tới Vệ gia cũng lắc đầu liên tục, hai gian phòng rách nát, mùa hè không che được nắng, mùa đông thì bị gió lùa, hai mẫu ruộng cằn cỗi chỉ đủ ăn cháo loãng, nghèo đến mức sắp tiểu ra máu.

Vệ lão đầu bị thọt, cả ngày chỉ ở nhà đan sọt, không lên núi, không xuống ruộng, quan trọng là những sọt đan ra chẳng bán được bao tiền. Một năm bốn mùa chỉ có một kiện áo vải thô mặc đi mặc lại, đôi giày rách nát để lộ cả ngón chân cái, ở bên ngoài rêu rao khắp chợ, làm như không có chuyện gì.

Tuy Vệ Đại Hổ là người chịu khó, nhưng nhà quá nghèo, có ai lại muốn gả con gái cho hắn? Ai lại muốn con gái mình ngày nào cũng lên núi cùng hắn đào cỏ ăn? Xa không nói, chỉ nói ở thôn Đại Hà, việc cầu thân hầu như đều bỏ qua Vệ gia, ngay cả những nhà nghèo nhất cũng không muốn, để tránh năm hết tết đến còn không được con gái hiếu kính, lại còn phải cho thêm tiền nhà rể.

Thật không đáng, thật sự không đáng.

Sở dĩ Vương đại nương để ý như vậy, là vì nhớ đến thủ mạt giao* đã khuất của mình, mẹ của Vệ Đại Hổ.

*Thủ mạt giao: “thủ mạt” là khăn tay, “giao” ở đây là kết giao, kết bạn. Đây là ý chỉ quan hệ thân mật giữa những người là nữ giới với nhau, cũng tương đương với khuê mật

Hai nàng năm đó, một người gả cho thợ săn trên núi xuống, một người gả đi thôn khác. Dù giờ đã không còn như trước, nhưng tình nghĩa thuở niên thiếu vẫn luôn cháy bỏng trong lòng. Vương đại nương thấy Vệ Đại Hổ ngày càng lớn mà không có vợ, thật sự rất sốt ruột!

Tháng Bảy nóng bức, Vương đại nương vừa lau mồ hôi vừa đi nhanh, bước chân không ngừng nghỉ.

Nếu không phải hiện giờ trời sáng tỏ, tinh linh yêu ma quỷ quái trên núi không dám xuất hiện, bà ấy thật sự không dám đi đoạn đường này một mình. Chân núi hẻo lánh, từ thôn đến Vệ gia phải đi qua một khu mộ phần rộng lớn, thực sự rất đáng sợ.

Bà ấy sống hơn nửa đời người, vẫn không thể hiểu nổi sao thủ mạt giao của mình lại gả cho một thợ săn chẳng có gì, không ruộng, không nhà, càng không có bạc!

Vương đại nương vừa đi vừa lẩm bẩm, cuối cùng cũng nhìn thấy viện nhỏ nhà nông ở chân núi.

Hai gian nhà tranh đơn sơ như hai cục đất nện trên nền, sân nhỏ bao quanh có chút rộng, trong sân có một đống trúc, mấy nan đan rối bù vứt trên đất, ống khói bếp đang bốc khói nghi ngút, xem ra là đang nấu cơm.