Hai Thế Giới Âm Dương Tại Làng Chúng Tôi

Chương 3: Cảnh tượng kỳ lạ ở chỗ đọc sách lúc nửa đêm

Tại sao tôi lại nhạy cảm với áo liệm như vậy à? Bởi vì tôi đã gặp phải một chuyện rất đặc biệt. Chuyện này phải bắt đầu từ năm tôi mười tuổi.

Khi đó, vùng nông thôn thường xuyên bị mất điện, đồng thời nhiều nhà trong làng còn chưa có tivi, cho nên trong thời gian nông nhàn, các phương tiện giải trí cũng còn hạn chế. Trong làng thỉnh thoảng sẽ có đoàn nhào lộn, múa rối bóng về biểu diễn, mỗi khi đến lúc đó, trong làng liền sôi động giống như ngày Tết. Nhưng mà đối với hầu hết người trung niên và người già, thì họ có một cách gϊếŧ thời gian độc đáo, đó là “nghe đọc sách”.

Cái gọi là nghe đọc sách, chính là tìm một cuốn sách truyện, chẳng hạn như "Dương Gia Tướng", "Tiết Cương phản Đường", "Tiết Nhân Quý chinh Tây" gì gì đó, rồi nhờ một người biết chữ đọc, những người khác sẽ nghe một cách say sưa ngon lành.

Nơi thường nghe đọc sách là một ngôi nhà gạch gần như bị bỏ hoang, một nửa ngôi nhà là chuồng ngựa, nửa còn lại thì dùng rơm đan thành đệm lót dưới đất, người nghe đọc sách phần lớn là những ông già, bình thường chỉ có bảy tám người, có người tự mình mang theo ghế, có người chỉ đơn giản nằm dưới sàn lắng nghe.

Bên cạnh sàn nhà có một chiếc quan tài. Hồi xưa, ở vùng nông thôn, những gia đình có người già ở nhà thường có truyền thống để dành quan tài - nhưng nói chính xác thì nên gọi là “Thọ Tài”. Trong ngôi nhà gạch nơi nghe đọc sách, lại có một chiếc “Thọ Tài” như thế này - thực chất dù gọi như thế nào thì nó cũng chỉ là một chiếc quan tài.

Từ nhỏ tôi đã thích nghe truyện cổ, cho nên hầu như mỗi lần nghe đọc sách là tôi đều tham gia. Những ông già đó lúc đầu thấy hơi lạ khi thấy một đứa bé như tôi có thể ngồi im lặng nghe đọc sách như họ, nhưng rồi cũng quen dần.

Người mê nghe sách hơn tôi, có lẽ là lão Vương.

Lão Vương sức khỏe rất kém, mắc bệnh hen suyễn, nặng đến mức mùa hè còn suyễn chứ đừng nói chi đến mùa đông. Vì vậy, khi nghe đọc sách, để tránh tiếng thở nặng nề của mình làm phiền người khác, lão luôn ngồi ở một góc vắng vẻ cách người khác rất xa.

Lão rất bướng bỉnh, hiếm khi nói chuyện, nhưng khi mở miệng, về cơ bản là sẽ cãi nhau với người ta. Tôi nhớ rõ, chưa bao giờ thấy lão nói chuyện lịch sự với người nào, không phải tranh cãi với người ta thì cũng khiến người ta phải dè chừng. Bởi vì tính tình lão kỳ cục, quái gở như vậy, nên lão không được ai ưa, ngay cả con lão cũng không thèm nói chuyện với lão.

Tôi nhớ rất rõ vào tháng chạp năm đó, thời tiết rất lạnh, ngoài trời gió Bấc gào thét, bởi vì lưới điện ở trong làng cần cải tạo nên điện phải cắt nửa tháng, tivi là không xem được rồi, cũng không có nơi nào để giải trí, cho nên, chỉ có thể ngày nào cũng phải đến căn nhà bằng gạch nung kia, để nghe họ đọc sách. Trong khoảng thời gian đó, người nghe đọc sách ngày càng nhiều, nhiều nhất có lẽ cũng hơn mười người, lấp đầy cả căn phòng.

Nhưng không biết vì lý do gì, mà lão Vương, người mê sách cuồng nhiệt nhất lại không đến.

Sau này nghe người khác nói, lão Vương bị bệnh rất nặng, mà con trai duy nhất của lão, lại đi ra ngoài làm Thạch Tượng cho người ta ở chỗ cách xa trăm dặm, còn con dâu thì lười quan tâm đến lão, mà lão lại không được lòng người, cho nên hoàn toàn không có ai đến nhà thăm lão. Có điều, hình như có người nói, lão Vương sợ rằng sẽ không qua khỏi năm đó.

Tuy nhiên, tiếp theo điều kỳ lạ đã xảy ra.

Vào mùa đông, đêm dài. Vì vậy, đôi khi nghe đọc sách đến một hoặc hai giờ sáng mới tàn cuộc. Nhưng sau mười giờ tối, mọi người dần dần bắt đầu giải tán, đến nửa đêm, có lẽ chỉ còn lại bốn năm người. Vậy những người còn lại chắc chắn được coi là những “người yêu sách” ở cấp độ đam mê.

Mà tôi chính là một trong những người đam mê này.

Tôi nhớ đêm đó, bên ngoài tuyết rơi dày đặc, người ở bên trong nghe đọc sách càng lúc càng ít, đến khoảng mười một giờ, chỉ còn lại khoảng năm sáu người.

Trong nhà chỉ thắp một ngọn nến, người đang đọc sách ngồi bên cạnh ánh nến mờ ảo, ung dung đọc sách. Đột nhiên, cánh cửa vốn đã có phần cũ nát bị đẩy ra một khe hở, một cơn gió lạnh thổi vào phòng, làm cho ánh nến lung linh dường như sắp tắt, những người ngồi quanh ngọn nến vội vàng lấy tay che lại, đồng thời cùng lúc đó, ánh mắt của năm sáu người trong phòng đều tập trung vào người bước vào, không cần nhìn mặt, chỉ nhìn thân hình lom khom, loạng choạng đó, thì cũng biết đó là lão Vương.

Trong đó có một người hỏi: "Thì ra là bác Vương à, vậy mà nghe ai đó nói bác bị bệnh rất nặng, đây không phải còn rất khỏe sao?"

Lão Vương dường như không nghe thấy, chỉ đờ đẫn xách chiếc ghế nhỏ của mình, từng bước một đến cái góc hẻo lánh vốn của lão, sau đó ngồi xuống nghe sách như thường lệ.

Mọi người đều biết tính khí thất thường của lão, cho nên cũng không ai để ý đến lão nữa, tiếp tục đọc.

Mà người gần đó nhất chính là tôi. Bởi vì tôi còn nhỏ, cho nên chân tay tương đối linh hoạt, thích trèo lên cái quan tài đó, nằm sấp xuống nắp quan tài và nghe sách, tư thế đó rất thoải mái, mà cái quan tài đó lại nằm ngay cạnh góc hẻo lánh nơi lão Vương ngồi. Trong chỗ đọc sách đơn sơ này, vị trí của tôi và lão Vương là tương đối cố định, cho nên tôi rất quen với tiếng thở nặng nề và bất thường do bệnh hen suyễn của lão phát ra.

Lúc đầu tôi có hơi buồn ngủ, nhưng khi lão Vương bước vào, một luồng khí lạnh cũng theo vào trong nhà. Đầu óc tôi cũng tỉnh táo hơn, khi tôi ra ngoài đi tè trở vào trong nhà, trèo lên nắp quan tài tiếp tục nghe sách, tôi chợt nhận ra một điều: Tại sao tôi không nghe thấy tiếng thở đặc trưng của ông lão Vương.

Với khoảng cách giữa tôi và lão, cho dù bình thường ban ngày ồn ào, tôi cũng có thể nghe rõ tiếng thở của lão, nhưng tại sao trong đêm yên tĩnh như vậy tôi lại không thể nghe thấy? Chẳng lẽ là bệnh hen suyễn hết rồi à?

Qua ánh nến mờ ảo, tôi lén liếc nhìn ông lão Vương đang ngồi trong góc hẻo lánh đó, chợt phát hiện sắc mặt lão rất khác thường ngày - mọi nếp nhăn trên mặt dường như đã giãn ra, trên mặt vẫn luôn mang vẻ mặt đau đớn khó thở trước kia, bây giờ lại bình thản hơn bao giờ hết, nhưng dường như có hơi thẫn thờ.

Một con chó đen vốn đang nằm cạnh tôi đột nhiên đứng dậy, đi đến góc nơi lão Vương đang ngồi, giơ hai chân sau lên tè vào người lão Vương, nhưng lão Vương vẫn vô cảm, ngồi ở đó như tượng. Tôi nhanh chóng ngồi dậy, hét con chó một tiếng, cố gắng xua nó đi để ông lão Vương không bị chó tè tứ tung. Nghe tiếng tôi hét, chú Bảo Sinh đang đọc sách lập tức dừng lại, mấy thính giả ngồi xung quanh cũng quay lại nhìn tôi hỏi: "Sao vậy?"

Tôi vội đáp: “Con chó đen to này đang tè vào ông Vương kìa?”

Chú Bảo Sinh hỏi: "Đâu có ông Vương nào đâu, con chó này không phải đang tè lên tường à?"

Tôi cũng quay lại nhìn, quả nhiên, nào có ông Vương nào đâu, con chó đen to đó tè một bụng nướ© ŧıểυ vào góc tường!

“Vừa rồi ông Vương đúng là ngồi ở chỗ này, sao lại rời đi nhanh như vậy?” Tôi nói.

"Vừa rồi nhất định là mày đang nằm mơ, ông Vương bệnh nặng như vậy, sao có thể đến nghe đọc sách, mày về nhà ngủ nhanh đi." Chú Bảo Sinh có chút khinh thường đáp lại tôi.

“Ông ấy vừa rồi đúng là có đến, các chú còn chào ông ấy mà, ông ấy vẫn ngồi ở đây.” Tôi vẫn giải thích không chịu thua kém.

"Đứa nhỏ này buồn ngủ thật rồi, mấy ông có ai nhìn thấy ông Vương tới không, ha ha, đúng là gặp ma." Bốn năm người cùng nhau cười lớn.

Tôi không cố gắng giải thích nữa, chỉ cảm thấy một cảm giác sợ hãi mà tôi chưa bao giờ cảm thấy trước đây.

Ông lão Vương quả thực đã đến đây! Tôi cũng chưa bao giờ ngủ quên! Tôi chắc chắn.