Thập Niên 80: Cô Vợ Hung Dữ Có Chút Nhàn Rỗi

Chương 22

Còn Lâm Sương Sương, bởi vì những lời Phương Ngọc Lan nói hôm nay nên không lấy nấm ra nữa, ngược lại cô lấy một chiếc khăn ướt đậy lại, vào bữa tối là tuyên bố với mọi người:

“Buổi chiều hái được mấy cây nấm, sáng mai em đi thị trấn một chuyến. Gần đây nấm ít, chắc có thể bán được chút tiền.”

Trịnh Kim Nga như thường lệ há hốc mồm, kinh ngạc không thôi, trời ơi, con dâu trước kia có đồ ăn ngon là ăn ngay lập tức, bây giờ vì mấy cây nấm lại còn muốn đi thị trấn một chuyến, hiền huệ quá đi mất!

Diệp Tĩnh Trinh thì nhỏ giọng nói: “Đi thị trấn sao? Xa lắm, phải dậy sớm đấy.”

Lâm Sương Sương: “Không sao.”

“Vậy… Chị dậy sớm, chị gọi em nhé?”

“Được.”

Lâm Sương Sương lập tức đồng ý, không hề ghét bỏ Diệp Tĩnh Trinh nói nhiều, cũng không gắt gỏng, trên mặt Diệp Tĩnh Trinh cả buổi tối toàn nở nụ cười dịu dàng và vui vẻ.

Ngày hôm sau, trời còn chưa sáng, Lâm Sương Sương đã nghe thấy tiếng Diệp Tĩnh Trinh gọi khe khẽ bên ngoài phòng: “Đông Tuyết, chắc cũng năm giờ rồi, em xem em dậy được chưa? Đông Tuyết, Đông Tuyết?”

Lâm Sương Sương dụi mắt, đáp: “Chị, em dậy rồi.”

“Ừ.”

Bên ngoài đáp nhỏ một câu, tiếng bước chân lập tức đi xa.

Lâm Sương Sương mặc quần áo xong đi ra ngoài, cảm thấy bên ngoài vẫn còn khá lạnh.

Trong bếp lại có tiếng động.

Lâm Sương Sương vừa bước vào, Diệp Tĩnh Trinh đang đứng ở phía sau bếp lò bèn đứng dậy, nhỏ giọng nói:

“Trời lạnh quá, chị nấu cơm cho em rồi, em ăn xong rồi hãy đi, người sẽ ấm hơn. Chị không dám nấu cháo, sợ trên đường em không tiện.”

“Vâng, cảm ơn chị, còn nghĩ đến chuyện này nữa.”

Giọng điệu Lâm Sương Sương bình thản, mở nắp nồi ra, múc nửa bát cơm, ăn bữa sáng với thức ăn thừa hôm qua.

“Ơ, em nói gì vậy, cảm ơn gì chứ! Em đừng chê chị vụng về là được rồi.”

Diệp Tĩnh Trinh nghe thấy câu trả lời của Lâm Sương Sương, cô ấy hơi căng thẳng ngồi xuống, nhưng dần dần trên mặt lại hiện lên nụ cười vui vẻ ấm áp, như anh nắng.

Lâm Sương Sương hơi cay cay mũi.

Thứ bà Trinh muốn rất ít, chỉ cần người khác có thể tôn trọng bà, không coi bà là đồ bỏ đi.

Tiếc là, có lẽ do từ nhỏ bà đã quen bị người khác lờ đi, kiếp trước cho đến lúc chết, tính cách của bà chỉ toàn nhẫn nhịn và lấy lòng, bị bệnh cũng không nói, cứ thế ra đi, bỏ lại Lâm Sương Sương một mình.

Lâm Sương Sương rất nhanh đã ăn xong, lúc sắp ra khỏi cửa, không nhịn được dịu dàng nói với Diệp Tĩnh Trinh:

“Chị, em đi đây. Hôm nay em không có nhà, Diệp Minh… Minh Dương cũng không có nhà, nếu Phương Ngọc Lan đến thì chị đừng cho cô ta vào, cũng đừng nói cho cô ta biết em đi đâu.”

Diệp Tĩnh Trinh ngẩn ra, lập tức cong khóe môi: “Ừ, chị nghe em hết. Vậy em đi đường cẩn thận nhé.”

“Vâng, em biết rồi.”

**

Thôn núi nơi nhà họ Diệp sinh sống là một ngôi làng nhỏ hẻo lánh, nằm bên cạnh hồ lớn, cách thị trấn khoảng bảy tám dặm!

Lâm Sương Sương đeo một chiếc giỏ nhỏ đựng nấm, bước đi nhanh chóng, đi đến mức sau lưng ướt đẫm mồ hôi, đến thị trấn Đông Sơn thì trời đã sáng rõ.

Thị trấn Đông Sơn quả nhiên náo nhiệt.

Nơi này ngày nào cũng người từ thành phố Tô Châu đến mua hải sản, lại là thị trấn duy nhất của cả bán đảo, cho nên thị trấn trông cũng khá ra dáng, cũng đã thông xe buýt với thành phố Tô Châu, có thể thấy không ít người đang đứng đợi ở dưới một bảng hiệu, chờ xe buýt đến.

Trong thị trấn không chỉ có trường học, hợp tác xã cung tiêu, bưu điện, hiệu sách, chợ rau, cửa hàng gạo, còn có không ít cửa hàng bánh kẹo và quán cơm, gần chợ rau luôn có một số nông dân bán hoặc đổi nông sản của gia đình, trông cũng có bầu không khí phồn vinh hưng thịnh.

Lâm Sương Sương chọn một bà cụ đội khăn trùm đầu ngồi xổm xuống bên cạnh, mở tấm vải che giỏ ra, coi như là bán hàng.

Bà cụ nhìn cô, dùng tiếng địa phương bắt chuyện: “Ôi, cô gái nhỏ, thời điểm này mà con lại có nấm à! Hái được ở núi nào vậy?”

Cô gái nhỏ là cách gọi phụ nữ trẻ tuổi ở địa phương.

Lâm Sương Sương kiếp trước đã từng bán rau, mỉm cười, thản nhiên nói: “Ừm, không phải nấm trên núi, trong nhà có một cây cổ thụ mục nát, ở chỗ khuất nắng, dưới gốc cây mọc ra mấy cây, không nỡ ăn.”

“Phải đấy, ai mà nỡ ăn, nhà tôi cũng vất vả lắm mới tích góp được mấy quả trứng, cũng không nỡ ăn.”

Hai người cứ như vậy trò chuyện, nói vài câu, coi như là quen biết.

Bà cụ họ Cung, nhà ở gần thị trấn, bà Cung còn chỉ cho Lâm Sương Sương xem nhà bà ở đâu, lại hỏi Lâm Sương Sương: “Nấm của con bán hay là đổi phiếu gạo phiếu thịt?”

Lâm Sương Sương chấn động trong lòng, cô lại không biết, còn có thể đổi phiếu gạo phiếu thịt.

“Bà thì sao? Thật ra con vẫn chưa nghĩ ra.”

Bà cụ nói: “Bà bán một ít, cũng đổi một ít phiếu thịt. Cháu trai nhà bà thèm thịt đến mức chảy nước miếng.”

“Đổi thế nào ạ?”

“Cứ nhìn mà đổi thôi, nói chung là một giỏ trứng này có thể đổi phiếu gạo mười cân, hoặc phiếu thịt năm cân, nếu người ta cho bà hai đồng cộng thêm phiếu thịt hai cân cũng được.”

Lâm Sương Sương nhìn nấm của mình, hỏi: “Vậy, bà xem nấm của con, có thể đổi được mấy cân phiếu gạo hoặc phiếu thịt ạ?”

Bà Cung già dặn nói: “Thời điểm này, nấm còn đắt hơn trứng của bà nhiều! Bà thấy nấm của con cũng có thể đổi được phiếu gạo mười cân hoặc phiếu thịt năm cân!”

“Vậy à… Con hiểu rồi, cảm ơn bà ạ.”

Lâm Sương Sương rất vui vẻ, cứ như vậy trả lời những người hỏi giá nấm, chưa đầy nửa tiếng, cô đã đổi nấm lấy hai đồng và hai cân phiếu thịt.

Trứng của bà Cung vẫn chưa bán hết, Lâm Sương Sương hỏi thăm bà: “Bà ơi, bà có biết trong thị trấn có người vá bát ở đâu không ạ?”

Đây mới là chuyện quan trọng nhất của cô hôm nay!

Bà cụ nghĩ ngợi một chút, nói: “Hình như trong thị trấn có một người vá bát, nhưng ở đâu thì bà không biết.”