Editor: Jigokusz
Mọi người chú ý một chút nhé: Truyện này có hai bạn dịch trước lận. Bạn dịch các chương trước dịch sai tên nhân vật, chỉ có chương 11 (của bạn dịch khác) dịch đúng tên thôi á. Triệu Cẩm Minh là sai, Triệu Tấn Minh mới đúng. Ngoài ra còn có các tên khác cũng sai như Nguyễn Hiểu Hiểu -> Nguyễn Tiểu Tiểu, Nguyễn Ly -> Nguyễn Lợi. Mình sẽ sửa lại nên mọi người đừng quá bỡ ngỡ nhen 🫶 💖
----
Đó là cô dâu trong phó bản.
Nhưng lại là một thanh niên có diện mạo rất ưa nhìn.
Triệu Tấn Minh vừa máy móc bước theo Lý Quyền vừa suy nghĩ mông lung.
Anh Quyền và chị Văn đều chắc chắn rằng NPC này là BOSS của phó bản, lời nói đều nhằm mục đích gϊếŧ chết người chơi.
Nhưng Triệu Tấn Minh lại có cảm giác khác biệt.
Cậu ta cho rằng Kỳ Vô Uyên không phải là BOSS.
Lý do rất đơn giản — làm gì có ai muốn kết hôn với người chết!
Minh hôn rõ ràng chỉ là một hình thức áp bức người khác!
Và người bị áp bức nhiều nhất chắc chắn chính là những đối tượng của minh hôn.
Chẳng lẽ lời của người chơi cũ lúc nào cũng đúng sao?
Ngay từ khi mới tìm hiểu qua về Thế giới thứ tư, Triệu Tấn Minh đã cảm thấy khó tin rằng trong một môi trường khiến con người trở nên lạnh lùng như vậy, lại có những người chơi cũ tốt bụng như Lý Quyền và Văn Dao, luôn miệng nói phải bảo vệ người mới.
Hoặc là họ có lợi ích, hoặc là đang che giấu ý đồ xấu xa.
Triệu Tấn Minh âm thầm quan sát Kỳ Vô Uyên cùng các dân làng xung quanh, nhưng Kỳ Vô Uyên vẫn giả vờ như không biết gì, để mặc cậu ta suy đoán.
Rất nhanh, Triệu Tấn Minh cũng phát hiện ra sự bất thường của dân làng.
Buổi lễ tang này chỉ là bề ngoài, sự mâu thuẫn trong đó thực sự quá dễ phát hiện.
Nhưng tại sao hai người chơi cũ lại không nhận ra?
Là không phát hiện, hay phát hiện rồi nhưng cho rằng không cần nói với người mới?
Triệu Tấn Minh trong lòng cảm thấy bối rối. Cậu ta không biết nên tin ai, cũng không biết bản thân nên làm gì.
Cái chết của Lý Minh như một tảng đá lớn đè nặng trong lòng cậu ta.
Càng nghĩ, đầu óc Triệu Tấn Minh càng rối rắm. Cậu ta ngẩng đầu nhìn về phía trước.
Cô dâu đang đứng phía trước đạo sĩ Trần, đi theo mọi người.
Ngôi đền thờ thần núi nằm trên đỉnh ngọn núi cao nhất bên trái ngôi làng. Dân làng rất kính trọng Sơn Thần.
Người chơi theo chân dân làng, từ chân núi leo một mạch lên đến đỉnh núi.
Kỳ Vô Uyên chưa bao giờ phải đi bộ đường dài như vậy.
Cậu ôm di ảnh của Trần Diệp, cùng dân làng bước trên con đường núi.
May mắn là trước đó cậu đã dùng máu của Trần Diệp vẽ một lá bùa trên cánh tay.
Kỳ Vô Uyên thi thoảng kích hoạt âm khí trong lá bùa khi đi đường. Đến đỉnh núi, tuy có chút mệt nhưng ít nhất cậu vẫn không gặp vấn đề gì nghiêm trọng.
Kỳ Vô Uyên cảm nhận được từ lúc ra khỏi cửa đã có một luồng khí tử vong mơ hồ bám theo mình.
Cậu nhắm mắt, không quan tâm đến nữa.
Sau khi thuận lợi lên đến đỉnh núi, Kỳ Vô Uyên nhìn về phía miếu Sơn Thần.
Cái gọi là miếu Sơn Thần thực ra không phải một ngôi miếu do con người xây dựng, mà chỉ là một hang động.
Địa hình trên đỉnh núi này rất đặc biệt. Một nửa là đất bằng phủ đầy cây cỏ, nửa kia đột ngột vươn cao thành vách đá dựng đứng. Vách đá hoàn toàn trơ trụi, không có cây cối mọc trên đó.
Nhìn lên, cách mặt đất mười mấy mét là một bãi cỏ bằng phẳng với những dây leo dài buông xuống, không có lối đi lên.
Trên vách đá, một hang động cao khoảng bảy tám mét như được chạm khắc bởi thiên nhiên, trông rất hùng vĩ.
Hang động rộng khoảng bốn năm mét, nhìn từ ngoài vào trong chỉ thấy một màu đen kịt. Cửa hang được chống bởi vài cột gỗ trang trí vải đỏ. Một tấm bảng gỗ chất lượng tốt treo phía trên, mơ hồ có thể đọc được ba chữ “Miếu Sơn Thần”.
Trước cửa hang, lớp tro nhang dày chất đầy. Trên bàn lễ còn cắm mấy cây nhang dài đang cháy, bên cạnh là một mâm đầy trái cây và lễ vật tươi mới.
Các người chơi không ngờ miếu Sơn Thần lại là một hang động.